Người Mỹ đếm ngược ngày đoàn tụ với vợ, chồng ngoại quốc

Ngày Mỹ mở cửa trở lại biên giới quốc tế còn là dịp đoàn tụ của nhiều cặp vợ chồng bị chia cắt suốt 18 tháng đại dịch.

Sau khi trải qua phần lớn thời gian đại dịch cách nhau gần 7.000 km, giờ đây Hannah Pring có thể đếm ngược từng ngày để chờ đón Giáng sinh cùng chồng, theo The Washington Post.

Hannah, một người London bản địa và công dân Vương quốc Anh, kết hôn với chồng sống tại bang Missouri vào năm 2019 và bắt đầu quá trình nhập cư Mỹ.

Tuy nhiên, đại dịch khiến cả thế giới, bao gồm các kế hoạch của vợ chồng Hannah, rơi vào bế tắc suốt nhiều tháng do hầu hết biên giới quốc tế đóng cửa.

 Cô gái Mỹ bật khóc, ôm chầm lấy mẹ tại sân bay Logan (thành phố Boston) hôm 13/3/2020. Cô nằm trong số những hành khách cuối cùng trước khi Mỹ đóng cửa biên giới vì dịch bệnh. Ảnh: AFP.

Cô gái Mỹ bật khóc, ôm chầm lấy mẹ tại sân bay Logan (thành phố Boston) hôm 13/3/2020. Cô nằm trong số những hành khách cuối cùng trước khi Mỹ đóng cửa biên giới vì dịch bệnh. Ảnh: AFP.

Mặc dù thường xuyên liên lạc với chồng qua mạng xã hội, Hannah vẫn cảm thấy xa cách khi không có dấu hiệu nào cho thấy họ được phép đoàn tụ. Cô dành nhiều tháng sống một mình với chú mèo Mara trong thời gian phong tỏa.

Nhưng chẳng bao lâu nữa, cô sẽ đón Giáng sinh với chồng và gia đình anh ấy. Đây cũng là trải nghiệm mùa đông Missouri đầu tiên của cô.

Tương tự Hannah, nhiều người bị chia cắt với vợ/chồng trong đại dịch vui mừng khi hay tin Mỹ mở cửa biên giới trở lại cho những du khách đã tiêm chủng.

Kể từ ngày 8/11, công dân từ 33 quốc gia từng bị cấm nhập cảnh Mỹ sẽ được phép nhập cảnh nếu có giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 và kết quả xét nghiệm âm tính gần đây.

Trước đó, khi đại dịch bùng phát, nhiều gia đình và các cặp vợ chồng đã đấu tranh chống lại lệnh cấm du lịch không cho họ đoàn tụ. Họ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để yêu cầu được miễn trừ.

Mong một cái ôm

Nhờ các hạn chế đi lại được nới lỏng ở EU và một số nơi khác vào mùa hè này, nhiều cặp có thể đến thăm đối phương lần đầu tiên sau hơn một năm.

Cara Heberling-Vlas, một công dân Mỹ sống ở thủ đô Washington D.C., đã gặp chồng người Hà Lan Ronald Vlas trong một nhóm trực tuyến dành cho những người ăn chay trường hơn 10 năm trước.

Ronald thường xuyên tới Mỹ và họ có nhiều cuộc hẹn gặp. Đến mùa hè năm 2019, cả hai chính thức hẹn hò.

 Vợ chồng Ronald và Cara. Ảnh: Cara Heberling-Vlas.

Vợ chồng Ronald và Cara. Ảnh: Cara Heberling-Vlas.

Song, đại dịch chia cắt họ trong 18 tháng. Cara và Ronald cố gắng tìm hiểu xem khi nào họ có thể gặp nhau. Thế nhưng, tình hình Covid-19 ngày càng tồi tệ và lệnh cấm đi làm kéo dài đã dập tắt hy vọng của họ.

“Bạn nghĩ rằng không sao, tình trạng này chỉ 3-4 tháng thôi nhưng lại không phải vậy. Mỗi lần như thế, bạn phải đặt lại mục tiêu của mình và điều đó thật khó cho đôi bên”, Ronald chia sẻ với The Washington Post.

Mùa hè này, hạn chế đi lại ở Hà Lan được nới lỏng đủ để cho phép Cara đến thăm chồng. Tại sân bay, Ronald đón cô với bó hoa, bánh thuần chay và một cái ôm thật chặt.

Nhưng thật khó khăn cho cả hai khi Cara phải rời Hà Lan. “Chúng tôi không biết khi nào mới được gặp nhau lần nữa”, cô nói.

Tháng 10, tranh thủ 4 ngày nghỉ phép của Cara, họ kết hôn tại thác Niagara (Ontario, Canada). Đó là một buổi lễ nhỏ, thân mật, với sự chứng kiến của gia đình và bạn bè qua Zoom.

“Trong lời thề đám cưới, tôi nói rằng sẽ luôn muốn ôm anh ấy như lần chúng tôi ở sân bay”, Cara chia sẻ.

Ngay sau hôn lễ, hai vợ chồng mỗi người một ngả. Nhưng lần này, họ không phải chờ đợi lâu nữa vì sẽ cùng nhau đón Giáng sinh tại Washington D.C. Cara hào hứng chờ được giới thiệu chồng với gia đình và bắt đầu làm thủ tục nhập cư của anh.

Tìm cách vượt qua khó khăn

Đối phó với sự cô lập và thiếu tiếp xúc thân mật có thể gây khó khăn cho những cặp yêu xa ngay cả trước khi đại dịch xảy ra, theo Danielle Lindemann, Phó giáo sư xã hội học tại Đại học Lehigh (Mỹ).

“Chuyện sẽ còn khó nữa nếu hai người ở lục địa khác nhau”, bà nói.

Năm 2020, Jamie Christensen, một công dân Mỹ sống ở British Columbia (Canada), bị cắt đứt tương tác xã hội trong nhiều tháng do lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại.

“Trong thời gian đó, tôi thực sự không có mối quan hệ, tiếp xúc thực sự với con người”, cô kể lại.

 Jamie và bạn gái. Ảnh: Jamie Christensen.

Jamie và bạn gái. Ảnh: Jamie Christensen.

Jamie và bạn đời lâu năm của cô, sống ở Texas (Mỹ), bắt đầu chơi một số trò trực tuyến hàng đêm. Điều đó, cùng với những cuộc gọi hàng ngày, giúp họ vượt qua thời kỳ khó khăn.

Các buổi hẹn cố định hàng tuần cũng là cách vợ chồng Cara kết nối với nhau. Vào thứ 6 hàng tuần, họ chọn một loại cocktail để pha và thưởng thức với nhau qua màn hình. Còn vào chủ nhật, họ sẽ cùng nhau nấu ăn.

“Tôi nấu bữa trưa, còn anh làm bữa tối vì chúng tôi lệch múi giờ. Những hoạt động này giúp chúng tôi cảm thấy gần gũi hơn. Nghĩ lại thời gian qua, tôi cũng không hiểu làm thế nào mà chúng tôi có thể xoay xở 18 tháng xa cách mà chưa biết khi nào gặp nhau”, Cara nói.

Đối với một số cặp, việc Mỹ mở cửa biên giới báo hiệu cơ hội cho khởi đầu mới.

Ngày 15/11, Jamie sẽ bay đến Texas và kết hôn với bạn gái của cô. Đám cưới của họ bị hoãn lại gần một năm vì đại dịch. Sau đó, họ sẽ chuyển đến Cleveland sinh sống, nơi mà họ, với tư cách là cặp chuyển giới, sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi bắt đầu cuộc sống chung.

“Tôi rất vui vì sau khi cuộc sống bị tạm dừng hồi tháng 3/2020, chúng tôi đã trở lại. Chúng tôi chuyển nhà, kết hôn và sẽ khám phá những địa điểm mới cùng nhau. Những điều đó xứng đáng để chúng tôi nỗ lực”, cô chia sẻ.

Ánh Dương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-my-dem-nguoc-ngay-doan-tu-voi-vo-chong-ngoai-quoc-post1275765.html