Người Mỹ hào hứng 'săn sale', châu Âu trầm lắng ngày Black Friday

Trong đợt Black Friday năm nay, nhiều người tiêu dùng châu Âu phải cắt giảm ngân sách mua sắm. Ngược lại, người Mỹ lại có xu hướng chi tiêu mạnh tay hơn mọi năm.

 Người dân châu Âu không còn hào hứng với Black Friday. Ảnh: Justin Lane.

Người dân châu Âu không còn hào hứng với Black Friday. Ảnh: Justin Lane.

Theo CNBC, dù Black Friday đã mang đến rất nhiều chương trình khuyến mãi, người tiêu dùng châu Âu vẫn mong đợi các nhà bán lẻ sẽ giảm giá sản phẩm sâu hơn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng tồi tệ.

Sức ép đối với các nhà bán lẻ

Trong cuộc khảo sát của Boston Consulting Group, khách hàng tại châu Âu có kế hoạch chi tiêu ít hơn gần 1/5 so với các đợt Black Friday hàng năm do áp lực lạm phát đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng.

Tại Anh, người dân dự kiến cắt giảm tới 18% chi tiêu mua sắm, đây là mức cao nhất trong khu vực. Trong khi đó, người tiêu dùng ở Pháp và Đức đều có kế hoạch giảm 15% chi tiêu. Ở Tây Ban Nha, con số này là 13%.

Mỹ là quốc gia duy nhất trong cuộc khảo sát có người tiêu dùng dự kiến tăng mức chi tiêu trong năm nay, cụ thể là 6%.

 Mỹ là quốc gia hiếm hoi có người dân tăng cường chi tiêu mua sắm trong Black Friday. Ảnh: Justin Lane.

Mỹ là quốc gia hiếm hoi có người dân tăng cường chi tiêu mua sắm trong Black Friday. Ảnh: Justin Lane.

Những kết luận về chi tiêu mua sắm được đưa ra trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu trở nên u ám, đặc biệt là tại châu Âu, nơi cuộc chiến giữa Nga và Ukraine tạo sức ì cho sự tăng trưởng và khiến giá năng lượng tăng vọt.

Điều này đã tạo áp lực không nhỏ lên các nhà bán lẻ, đối tượng vốn đang phải chật vật tìm cách phục hồi sau Covid-19. Giờ đây, họ đã có thêm một thử thách mới là cố gắng thuyết phục những người tiêu dùng đang sống trong cảnh “thắt lưng, buộc bụng” đưa ra quyết định mua hàng.

Nhiều công ty đã tìm cách khắc phục những thiếu sót và giải quyết các vấn đề nguồn cung từ năm ngoái. Các đơn vị đã tích trữ lượng hàng tồn kho khổng lồ và “bài toán” đầu ra đang là một thử thách quá khó để giải quyết.

“Black Friday là một thời điểm quan trọng đối với các nhà bán lẻ truyền thống và trực tuyến. Họ đang trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, giờ các đơn vị sẽ phải đối mặt với việc người tiêu dùng ở nhiều thị trường đang giảm kế hoạch chi tiêu những các mặt hàng không thiết yếu”, bà Jessica Distler, Giám đốc điều hành Công ty BCG, cho biết.

Thời điểm tin tặc lộng hành

Theo dữ liệu từ Barclays Payments, mỗi năm, các giao dịch mua sắm ở Anh tăng 3,8% trong tuần tổ chức Black Friday. Bà Kristy Morris, Giám đốc điều hành các giải pháp thương mại tại Barclays Payments, cho rằng điều đó đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có xu hướng mua sắm nhiều hơn trong mùa Giáng sinh.

“Chúng ta đã thấy xu hướng Black Friday có thể lan rộng như thế nào. Sự kiện này có thể tiếp tục bùng nổ trong tuần này và thậm chí là cả tháng”, bà Morris nhận định.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã kêu gọi người tiêu dùng nên thận trọng khi mua hàng giảm giá trong đợt Black Friday năm nay.

Theo ông John Davis, Giám đốc Công ty an ninh mạng Sans Institute, cho biết tin tặc thường lộng hành nhiều hơn trong các ngày mua sắm trọng điểm, đặc biệt là khi người tiêu dùng luôn đặt áp lực phải giành được món đồ với giá “hời” nhất có thể.

Các nghiên cứu của Barclays đã chỉ ra rằng các vụ lừa đảo mua sắm đã tăng 34% sau kỳ Black Friday và Cyber Monday vào năm ngoái.

“Tin tặc đang ngày càng nguy hiểm. Các cuộc tấn công mạng đang có quy mô rộng hơn, tinh vi hơn và khó phát hiện hơn”, ông John Davis bình luận.

Ông kêu gọi người tiêu dùng nên cảnh giác khi mua sắm trực tuyến, tránh đưa ra các quyết định vội vàng hoặc hoảng loạn vì “sợ bỏ lỡ”.

“Người tiêu dùng phải luôn đề phòng các trường hợp lừa đảo, tin vào trực giác của bản thân và xây dựng thói quen bảo mật thông tin cho các hoạt động trên nền tảng số”, Giám đốc Công ty an ninh mạng Sans Institute cho biết.

Thanh Vũ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/black-friday-chau-au-tram-lang-nguoi-my-hao-hung-san-sale-post1378863.html