Người Mỹ tìm cách tăng lương để đối phó với lạm phát
Lạm phát tăng cao khiến sức mua giảm đi, buộc lao động Mỹ chuyển việc để được tăng lương. Nhưng giới quan sát cảnh báo điều này có thể tạo ra vòng xoáy lạm phát - tiền lương.
Theo Wall Street Journal, anh Dain Laguna, 37 tuổi, từng làm việc ở phòng nhân sự tại một công ty cải tạo nhà cửa. Anh cảm thấy mức lương 19 USD/giờ là quá thấp khi lạm phát tăng cao.
Chẳng hạn, giá thực phẩm hữu cơ tươi - đồ ăn yêu thích của con anh - tăng vọt. "Tôi là cha của 2 đứa trẻ và tôi không thể nhận mức lương bèo bọt. Mọi thứ ngày nay quá đắt đỏ", anh chia sẻ.
Anh bắt đầu tìm việc làm mới vào mùa thu năm 2021 và nhận việc trong tháng 2 năm nay. Nhưng các nhà tuyển dụng vẫn tiếp tục liên hệ với anh vì ngành nhân sự đang có nhu cầu lao động cao.
Chuyển việc để tăng lương
Giờ, anh Laguna kiếm được khoảng 28 USD/giờ. "Tôi cũng không dư dả gì, nhưng không còn cảm giác rỗng túi nữa", anh Laguna chia sẻ.
"Tôi đã kiếm đủ tiền để chi trả nếu chiếc ôtô bất ngờ bị hỏng, và sửa hết khoảng 250 USD. Đó không còn là vấn đề nữa và tôi sẽ chẳng phải nợ nần ai", anh nói thêm.
Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, khoảng 2,9% người lao động Mỹ đã bỏ việc trong tháng 2, cao hơn nhiều so với mức 2,3% hồi tháng 2/2020. Điều này cho thấy người lao động đang tự tin vào triển vọng việc làm.
Còn theo cuộc khảo sát của hãng tuyển dụng ZipRecruiter, khoảng 20% người lao động Mỹ ở độ tuổi từ 25 đến 54 tuổi dự định nghỉ việc trong vòng một năm.
Khoảng 64% người chuyển việc cho biết công việc hiện tại của họ được trả nhiều hơn so với công việc trước đây. Trong số đó, gần một nửa được tăng lương từ 11% trở lên.
Tôi cũng không dư dả gì, nhưng không còn cảm giác rỗng túi nữa
Anh Dain Laguna, 37 tuổi
Chuyển đổi công việc là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tiền lương, vốn đã diễn ra mạnh mẽ khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch. Các nhà kinh tế cho biết những người lao động thay đổi công việc thường yêu cầu tăng lương nhiều hơn. Và người sử dụng lao động cũng tăng lương để giữ chân nhân sự.
Theo dữ liệu của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) chi nhánh Atlanta, tăng trưởng tiền lương hàng năm của người lao động đạt 6% vào tháng 3, tăng từ 3,4% cùng kỳ năm ngoái.
Theo Bộ Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 8,5% trong tháng 3, mức tăng cao nhất kể từ năm 1981. Tiền lương tăng cao cũng có thể khiến lạm phát cao hơn trong những quý tới, ngay cả khi gián đoạn chuỗi cung ứng và khủng hoảng năng lượng suy giảm.
"Tăng lương là điều tốt, nhưng nó có thể đẩy lạm phát tăng cao hơn nữa", bà Diane Swonk - nhà kinh tế trưởng tại Grant Thornton - nhận xét.
Gần 27% nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát khẳng định tăng trưởng tiền lương là nguyên nhân gây ra rủi ro lạm phát trong năm nay. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn các ý kiến cho rằng xung đột Nga - Ukraine và gián đoạn chuỗi cung ứng là mối đe dọa hàng đầu đối với lạm phát.
Vòng xoáy lạm phát - tiền lương
Các doanh nghiệp phải trả nhiều tiền hơn để thu hút và giữ chân người lao động trong một thị trường cạnh tranh. Do đó, họ sẽ cần tăng giá để bù đắp chi phí.
Điều này tạo ra thách thức đối với FED. Vào tháng 3, cơ quan này đã nâng lãi suất lần đầu kể từ năm 2018. Ngân hàng trung ương của Mỹ muốn hạ lạm phát từ mức cao nhất trong vòng 40 năm xuống gần mục tiêu 2%.
"Các công ty phải đối mặt với cuộc cạnh tranh nhân tài gay gắt. Do đó, họ tăng lương, nới lỏng yêu cầu về công việc, bổ sung nhiều phúc lợi và đưa ra những điều kiện tuyển dụng dễ dàng hơn", bà Julia Pollak - nhà kinh tế trưởng tại ZipRecruiter - chia sẻ.
Theo khảo sát của ZipRecruiter, trong số các nhân viên mới được tuyển dụng, khoảng 22% người đã nhận được tiền thưởng sau khi ký hợp đồng lao động.
Mức lương của người chuyển việc tăng 7,1% vào tháng 3, mức tăng nhanh nhất kể từ năm 1997. Cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ này là 4%.
"Khi người sử dụng lao động sợ rằng nhân viên rời đi, họ sẽ tăng lương cho tất cả. Do đó, mức tăng lương của những lao động ở lại thấp hơn, nhưng vẫn khá lớn", ông Guy Berger - nhà kinh tế trưởng của LinkedIn - nhận xét.
Sau cuộc suy thoái kinh tế giai đoạn 2007-2009, tăng trưởng tiền lương vẫn yếu ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp kỷ lục. Giới quan sát cho rằng lý do là người lao động ngại chuyển việc hơn.
Nhưng giờ, người lao động bỏ việc với tỷ lệ cao hơn nhiều so với trước đại dịch. Họ cũng được tăng lương nhiều hơn.
Theo ông Alex Domash - nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard, thị trường lao động đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhưng do độ trễ, ngay cả khi tỷ lệ bỏ việc thấp đi trong những tháng tới, tiền lương vẫn có thể tiếp tục tăng trong một thời gian.
“Nhưng ngay cả ở mức hiện tại, tăng trưởng tiền lương đã không phù hợp với mục tiêu lạm phát của FED", ông nhận định.