Người Mỹ vẫn chia rẽ về việc đóng cửa nhà tù Guantanamo sau 23 năm
Hiện nhà tù quân sự của Mỹ tại Vịnh Guantanamo, Cuba chỉ còn 15 tù nhân, so với đỉnh điểm từng giam giữ khoảng 800 người Hồi giáo. Điều đó khiến không ít người hy vọng cơ sở này cuối cùng sẽ bị đóng cửa, khép lại chương đen tối trong lịch sử 23 năm tồn tại.
Vết đen trong lịch sử
Hôm 11-1, cơ sở giam giữ Guantanamo của Mỹ tròn 23 năm thành lập. Đối với Mansoor Adayfi, một cựu tù nhân, hiện là điều phối viên của Dự án Guantanamo tại nhóm vận động CAGE International, việc thực sự đóng cửa Gitmo có nghĩa là thực thi công lý cho những người bị giam giữ hiện tại và trước đây.
“Mỹ phải thừa nhận hành vi sai trái của mình, phải đưa ra lời xin lỗi chính thức, chính thức tới các nạn nhân, tới những người sống sót, phải có sự bồi thường, đền bù và giải trình”, ông Adayfi nói với Al Jazeera.
Guantanamo mở cửa vào năm 2002 để giam giữ các tù nhân trong cuộc chiến chống khủng bố được nước Mỹ phát động sau thảm kịch khủng bố ngày 11-9-2001 tại Mỹ. Những người bị giam giữ đã bị bắt ở các quốc gia trên khắp thế giới vì nghi ngờ có liên hệ với tổ chức khủng bố al-Qaeda và các nhóm khác.
Nhiều người đã phải chịu đựng sự tra tấn khủng khiếp tại các cơ sở giam giữ bí mật, được gọi là các địa điểm đen, trước khi được chuyển đến Guantanamo. Tại Gitmo, tù nhân có rất ít quyền hợp pháp. Ngay cả những người được xóa án thông qua hệ thống tư pháp thay thế của Guantanamo, được gọi là ủy ban quân sự, vẫn bị giam giữ trong nhiều năm mà không có cách nào để phản đối. Và vì vậy, nhà tù này đã trở thành biểu tượng cho những hành vi lạm dụng tồi tệ nhất của chính phủ Mỹ trong kỷ nguyên hậu 11-9.
Năm 2008, ứng cử viên Tổng thống Barack Obama khi tranh cử đã đưa việc đóng cửa nhà tù này trở thành một trong những lời hứa hàng đầu của mình. Nhưng sau khi nhậm chức, các kế hoạch của ông đã phải đối mặt với sự phản đối mạnh mẽ của Đảng Cộng hòa. Vào cuối nhiệm kỳ thứ hai, ông Obama đã bày tỏ sự hối tiếc vì đã không đóng cửa cơ sở này vào đầu nhiệm kỳ Tổng thống của mình.
Trong những tuần gần đây, chính quyền của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden đã đẩy nhanh việc chuyển tù nhân ra khỏi Guantanamo, trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào ngày 20-1. Hôm 6-1, chính phủ Mỹ đã trả tự do cho 11 tù nhân Yemen và tái định cư họ ở Oman. Tháng trước, hai tù nhân đã được chuyển đến Tunisia và Kenya. Những điều này một phần là để thực hiện lời hứa của người tiền nhiệm Barack Obama về việc đóng cửa vĩnh viễn cơ sở này ở Cuba.
Cơ hội đóng cửa mong manh
Bà Daphne Eviatar, Giám đốc chương trình An ninh với Nhân quyền (SWHR) tại Tổ chức Ân xá Quốc tế Mỹ cho biết, việc đóng cửa cơ sở này là có thể. Bà cho biết, những tù nhân còn lại có thể được chuyển đến các quốc gia khác hoặc tới nước Mỹ để trải qua hệ thống tư pháp Mỹ.
Quốc hội Mỹ vào năm 2015 đã ban hành lệnh cấm chuyển tù nhân Gitmo đến đất Mỹ nhưng bà Eviatar tin rằng, Nhà Trắng có thể làm việc với các nhà lập pháp để dỡ bỏ lệnh cấm, đặc biệt là khi còn rất ít tù nhân ở cơ sở này.
Lầu Năm Góc cho biết, trong số 15 tù nhân còn lại ở Gitmo, có 3 người đủ điều kiện được thả, 3 người khác có thể ra trước Hội đồng Đánh giá Định kỳ của Guantanamo để xem có an toàn để chuyển đi hay không.
“Chúng tôi vẫn hy vọng rằng Tổng thống Biden có thể chuyển nhiều tù nhân hơn ra ngoài trước khi ông rời nhiệm sở”, bà Eviatar cho biết. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Donald Trump trước đây phản đối mạnh mẽ việc đóng cửa Guantanamo, vì thế việc ông Biden phải hành động trước khi ông Trump nhậm chức là rất cấp thiết.
Đáng nói, thay vì hoàn tất các thỏa thuận nhận tội cho các tù nhân, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã tìm cách hủy bỏ các thỏa thuận đối với 3 nghi phạm vụ 11-9 khi họ đã đạt được với các công tố viên quân sự để nhận tội đổi lấy miễn án tử hình.
Hiện tại, tòa án đang đánh giá tính hợp lệ của các thỏa thuận và quyền phủ quyết của Bộ trưởng Lloyd Austin. Theo bà Eviatar, động thái của ông Austin nhằm phá hỏng các thỏa thuận nhận tội đồng nghĩa với sự can thiệp chính trị. “Đây là một tình huống rất kỳ lạ. Tôi không hiểu tại sao chính quyền Biden, vốn tuyên bố muốn đóng cửa Guantanamo, lại yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng vào cuộc và dừng các thỏa thuận nhận tội”.
Tờ New York Post mới đây cho biết, các tài liệu tình báo mới của Mỹ tiết lộ, 234 cựu tù nhân Gitmo đã quay lại với chủ nghĩa khủng bố - tỷ lệ tái phạm đáng báo động là 32%. Hầu hết trong số họ vẫn chưa bị bắt lại và vẫn đang lẩn trốn.