Người nâng tầm cây dược liệu bản địa

Sinh năm 1979 tại xã Thái Hòa (Triệu Sơn) - vùng đất khá đa dạng về nguồn dược liệu nên anh Thiều Đình Hùng, Giám đốc Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn luôn trăn trở, đam mê nghiên cứu, tìm tòi, ứng dụng nhiều công nghệ sản xuất hiện đại nhằm đa dạng sản phẩm từ cây dược liệu bản địa, góp phần hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho một bộ phận người dân.

Anh Thiều Đình Hùng, Giám đốc Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn tại vườn ươm giống cây Sâm Báo.

Như một cơ duyên, năm 2008, anh Thiều Đình Hùng được tham gia vào dự án trồng và phát triển cây nghệ đỏ, giống Thái Lan trên vùng đất xã Thạch Quảng (Thạch Thành) nên cảm nhận được sự đổi thay trong cuộc sống người dân nhờ sản xuất cây nghệ dược liệu theo hướng liên kết. Anh Hùng chia sẻ: Nhờ cây nghệ đỏ, đời sống Nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số được nâng lên. Do đó, tôi luôn trăn trở tìm giải pháp, liên kết để nâng cao hiệu quả kinh tế từ sản xuất các loại cây dược liệu. Bằng việc đầu tư dây chuyền, thiết bị sản xuất hiện đại để tinh chế các loại dược liệu thành sản phẩm tinh, giá trị kinh tế cao, trong thời gian từ 2008 đến 2017, Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn đã chú trọng phát triển tinh bột nghệ Curcumin. Đồng thời, phát triển dây chuyền chế biến tinh dầu húng chanh, tinh dầu sả... và liên kết thu mua cây cà gai leo cho người dân các huyện Triệu Sơn, Đông Sơn.

Năm 2018, được biết đến cây Sâm Báo - một loại cây trồng bản địa có dược tính cao, với nhiều công dụng nên anh Thiều Đình Hùng đã chủ động liên kết, đăng ký phối hợp với UBND huyện Vĩnh Lộc thực hiện Dự án Ứng dụng khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất cây Sâm Báo tiêu chuẩn GACP-WHO gắn với chuỗi giá trị tại huyện Vĩnh Lộc, theo Quyết định số 4125/QĐ-UBND ngày 22-10-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh. Chia sẻ về khoảng thời gian khôi phục, tìm kiếm cây Sâm Báo bản địa, anh Thiều Đình Hùng, cho biết: Cùng với các nhà khoa học, đơn vị phối hợp, tôi đã lặn lội nhiều vùng đồi, núi thuộc huyện Vĩnh Lộc, tìm kiếm nguồn gen bản địa để nhân giống và phát triển thành vùng nguyên liệu. Qua khảo nghiệm, các xã Vĩnh Hùng, Vĩnh Hưng có điều kiện tự nhiên phù hợp với sinh trưởng, phát triển của loài cây này. Do đó, dự án đã hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật để phát triển vùng nguyên liệu hơn 3 ha. Năm 2019, công ty đã đầu tư công nghệ hiện đại, tinh chế thành công 4 sản phẩm từ cây Sâm Báo, là: viên nang Sâm Báo, siro bổ dưỡng Sâm Báo, cà phê Sâm Báo và rượu Sâm Báo. Trong đó, có 2 sản phẩm là viên nang Sâm Báo Triso, siro bổ dưỡng Sâm Báo Triso được công nhận là sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa năm 2020.

Thành công bước đầu từ nghiên cứu và tinh chế Sâm Báo đã thôi thúc anh Thiều Đình Hùng cùng tập thể Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn đầu tư thêm về công nghệ và hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu bền vững. Với quyết tâm đó, từ năm 2020, công ty đã phối hợp với 9 huyện trong tỉnh, như: Vĩnh Lộc, Như Xuân, Cẩm Thủy, Nông Cống... để xây dựng vùng sản xuất cây Sâm Báo theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm tạo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, tinh chế sản phẩm. Tổng diện tích cây Sâm Báo được công ty hỗ trợ, liên kết sản xuất đạt hơn 40 ha. Năm 2021, vùng nguyên liệu Sâm Báo đạt tiêu chuẩn VietGAP được hình thành, đạt năng suất 3 tấn/ha, doanh thu đạt gần 1 tỷ đồng/ha, cao hơn 1,5 lần so với sản xuất truyền thống.

Bên cạnh việc xây dựng vùng nguyên liệu, Công ty CP Dược liệu Triệu Sơn đã đầu tư công nghệ, dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP. Đồng thời, không ngừng nghiên cứu đầu tư máy móc, thay đổi mẫu mã, bao bì sản phẩm để phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường. Nhờ những nỗ lực không ngừng trong đầu tư khoa học - kỹ thuật và công nghệ hiện đại, các sản phẩm từ cây Sâm Báo của công ty được các cơ quan, đơn vị trong nước đánh giá cao về chất lượng và người tiêu dùng ưa chuộng.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/nguoi-nang-tam-cay-duoc-lieu-ban-dia/156314.htm