Người nghèo miền núi tỉnh Khánh Hòa an cư trong nhà mới

Tỉnh Khánh Hòa là một trong những địa phương hoàn thành sớm mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong cả nước. Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, hơn 1.300 căn nhà tạm của người dân được xây mới, sửa chữa. Cách làm linh hoạt, sáng tạo và sự đồng thuận trong nhân dân nên chương trình về đích sớm.

Chuyện xóa nhà tạm ở Khánh Hòa không chỉ là chính sách mà là hành trình yêu thương, nơi mái ấm trở thành khởi đầu cho một cuộc sống mới.

Thôn Gia Rích, xã Tây Khánh Vĩnh, trước đây là xã Giang Ly, huyện Khánh Vĩnh (cũ), một khu dân cư mới vừa hình thành. Đồng bào dân tộc Raglay dọn về trong những căn nhà vững chãi được xây mới trên nền đất được nhà nước cấp. Nhiều năm sống trong căn nhà tạm bợ lợp bằng mái tôn, mùa hè nóng hầm hập, mỗi lần mưa dột, giờ đây, anh Pi Năng Vế yên tâm trong căn nhà mới.

“Bây giờ cũng nhờ chính quyền, Nhà nước giúp được lô đất, cũng cảm ơn nhiều”- Anh Pi Năng Vế nói.

Những căn nhà kiên cố đã thay thế những căn nhà tạm, dột nát của người dân miền núi Khánh Hòa

Những căn nhà kiên cố đã thay thế những căn nhà tạm, dột nát của người dân miền núi Khánh Hòa

Ở miền núi Khánh Hòa, nhiều hộ dân phải sống trong những căn nhà dựng tạm bằng tre nứa, mái tôn mục nát, nền đất ẩm thấp. Mùa hè nóng, mùa mưa dột, nước tràn vào nhà. Có người mất ngủ triền miên vì mưa to gió lớn, có trẻ em phải học bài dưới ánh đèn dầu le lói bên vách nứa. Nhiều gia đình không có đất ở hợp pháp, không thể tiếp cận chính sách hỗ trợ. Có gia đình 3 thế hệ sống chen chúc trong căn nhà chưa đầy 20m2. Họ không dám mơ đến một mái nhà vững chãi, càng không nghĩ đến chuyện đổi thay. Nghèo, thiếu thốn và tâm lý tự ti càng khiến hành trình thoát nghèo thêm gian nan.

Từ tháng 11/2024, tỉnh Khánh Hòa phát động xây dựng và sửa chữa nhà cho người nghèo. Chỉ sau một tuần phát động, tỉnh đã vận động được 70 tỷ đồng, đủ để thực hiện chương trình mà không cần sử dụng đến ngân sách. Thế nhưng, khi bắt tay vào triển khai lại phát sinh nhiều vấn đề. Nhiều gia đình không có đất ở hợp pháp hoặc đất không đủ diện tích theo quy định. Một số hộ thì có tâm lý an phận, không muốn thay đổi.

Bà Ka Tông Thị Mến, Chủ tịch UBND xã Tây Khánh Vĩnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh (cũ) cho biết, tháo gỡ bế tắc trong pháp lý về đất đai là mấu chốt: “Hộ dân nào chưa có sổ đỏ chính chủ, UBND huyện sẽ tách sổ, làm sổ mới miễn phí. Dân có nợ thuế thì UBND huyện làm việc với bên Thuế để gia hạn nợ, tạo điều kiện cấp sổ. Hộ thiếu đất ở, địa phương sẽ rà soát đất công, chuyển đổi sang đất ở cho các hộ khó khăn nhất”.

Hơn 1.300 căn nhà đã được tỉnh Khánh Hòa xây mới, sửa chữa cho các hộ dân

Hơn 1.300 căn nhà đã được tỉnh Khánh Hòa xây mới, sửa chữa cho các hộ dân

Giải pháp được triển khai đồng bộ từ xã đến huyện, từ đo vẽ, xác lập pháp lý đến chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Không chỉ cấp đất và xây nhà, chính quyền còn tính đến việc hỗ trợ người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi để từng bước cải thiện điều kiện sống.

Ông Hồ Đắc Thích, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Khánh Hòa cho biết, sau khi hoàn tất thủ tục pháp lý, các hộ dân đủ điều kiện được tiếp cận gói vay ưu đãi, không chỉ được vay để xây nhà, mỗi hộ còn có thể vay thêm 25 triệu đồng làm nhà vệ sinh và công trình nước sạch: “Ngân hàng Chính sách Xã hội có cán bộ tại cơ sở, sát sao với dân, rà soát, bố trí vốn, không gây khó khăn. Bà con đủ điều kiện đều đã được thụ hưởng vốn vay. Nhà không chỉ 3 cứng: nền cứng, vách cứng, mái cứng mà còn có công trình vệ sinh sạch sẽ, ngăn nắp. Dần dần tạo nên nếp sống mới, văn minh”.

Niềm vui của người dân trong ngày về nhà mới

Niềm vui của người dân trong ngày về nhà mới

Đến cuối tháng 4/2025, tỉnh Khánh Hòa đã hoàn thành xây mới, sửa chữa nhà cho các hộ dân đủ điều kiện thụ hưởng. Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhìn nhận, việc xóa nhà tạm chỉ là bước đầu. Quan trọng hơn là phát triển kinh tế để người dân có việc làm ổn định, không tái nghèo. Những bài học từ thực tiễn cũng cho thấy chủ trương đúng, có tính nhân văn sẽ nhận được sự đồng thuận.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau, vì vậy cần kiên quyết và có chương trình cụ thể. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận cần tiếp tục thống kê, rà soát những hộ đang ở nhà tạm nhưng chưa đủ điều kiện thụ hưởng để có phương án hỗ trợ phù hợp trong thời gian tới”, ông Nghiêm Xuân Thành nói.

Thái Bình/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/nguoi-ngheo-mien-nui-tinh-khanh-hoa-an-cu-trong-nha-moi-post1213866.vov