Người nhà của bệnh nhân ung thư cũng cần được chăm sóc tâm lý
'Từ khi mẹ phát hiện mắc ung thư cổ tử cung, tôi chưa lúc nào hết lo lắng', chị Nguyễn Ngọc Thúy (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ. Dù đã nửa năm đồng hành cùng mẹ trong 'cuộc chiến' chống ung thư nhưng mỗi khi đêm xuống, cảm giác sợ hãi luôn đè nặng tâm trí chị Thúy.
"Cuộc chiến" của cả gia đình
Ngồi trong phòng bệnh của Khoa xạ 2, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Hà Nội), chị Thúy nhẹ nhàng xoa bóp chân của mẹ mình. Mỗi lần mẹ lên cơn đau co rúm người, chị lại nắm chặt tay mẹ.
"Tôi đã phải trải qua quãng thời gian đầy hoang mang, lo lắng. Là người đồng hành cùng mẹ, tôi luôn phải lọc hết các thông tin tiêu cực trước khi tới mẹ, để bà chỉ nhận được những điều tích cực. Tôi tự nhủ, để giúp mẹ vững vàng điều trị bệnh thì bản thân tôi phải ổn thì hành trình này mới bớt nặng nề", chị Thúy tâm sự.
Cũng giống như chị Thúy, gần nửa năm kể từ khi vợ bước vào "cuộc chiến" chống lại căn bệnh ung thư cổ tử cung, anh Tằng Coóng Sáng (49 tuổi, ở huyện Chí Linh, Hải Dương) chưa đêm nào được yên giấc.
Vợ chồng anh ngoài 30 tuổi mới gặp và lấy nhau. Chị Mai, vợ anh, vốn dĩ sức khỏe kém, đau ốm liên miên nên mọi việc trong nhà chỉ trông chờ vào đồng lương phụ hồ ít ỏi của anh. Vợ ốm, anh Sáng đành nghỉ việc, dành toàn thời gian chăm sóc vợ. Mọi chi phí chữa trị đều phải vay mượn từ người thân.
Mỗi lần cho vợ ăn xong, chị chìm vào giấc ngủ, anh Sáng lại ngồi một mình ngoài hành lang bệnh viện. "Trong đầu tôi lúc nào cũng lo nghĩ tiền đâu để điều trị cho vợ cả một hành trình dài. Cô ấy ốm yếu như vậy có đủ sức khỏe để vượt qua những đợt hóa trị, xạ trị đầy mệt mỏi hay không? Có lúc ngồi một mình, nước mắt tôi cứ thế rơi", anh Sáng chia sẻ.
Nghiên cứu tại Bệnh viện K năm 2020 trên 300 bệnh nhân ung thư cho thấy, có tới 70% người bệnh ung thư có các dấu hiệu căng thẳng về tâm lý cần được hỗ trợ, tư vấn và điều trị. Còn trong một nghiên cứu mới đây của nhóm bác sĩ Bệnh viện Thủ Đức (TPHCM) được thực hiện trên 122 người chăm sóc bệnh nhân ung thư thì có đến 56% trong số đó bị trầm cảm.
Tiêu chí lựa chọn nghiên cứu là đối tượng từ 18 tuổi trở lên, là người chăm sóc chính cho bệnh nhân ung thư ít nhất 1 tháng, không nhận chi phí chăm sóc và không có vấn đề sức khỏe tâm thần. Như vậy, có thể thấy không chỉ bệnh nhân ung thư mà người đồng hành với bệnh nhân ung thư cũng cần được chăm sóc tâm lý.
Vấn đề ít được quan tâm
Theo các chuyên gia y tế, sự mệt mỏi, căng thẳng, lo âu của người chăm sóc bệnh nhân ít được quan tâm và có mối liên hệ chặt chẽ với trầm cảm. Ngoài ra, các dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người chăm sóc tại Việt Nam chưa được phổ biến.
Có 3 yếu tố then chốt để tiên đoán trầm cảm ở người chăm sóc bệnh nhân ung thư, đó là mức độ gánh nặng, thời gian chăm sóc và tuổi của người chăm sóc. Cụ thể, việc không có sự chuẩn bị là gánh nặng về kinh tế của người chăm sóc. Cảm nhận về gánh nặng này gây ảnh hưởng xấu đến tình trạng tâm lý và dẫn tới trầm cảm.
Bên cạnh đó, thời gian chăm sóc cho người bệnh quá nhiều, khiến người chăm sóc không còn thời gian cho bản thân, bao gồm các hoạt động giao tiếp xã hội. Ngoài ra, người chăm sóc còn dễ rơi vào tình trạng bị căng thẳng và mất ngủ.
Việc quan tâm đến tâm lý của người nhà bệnh nhân là điều hoàn toàn cần thiết. Do đặc thù thời gian điều trị của bệnh nhân ung thư lâu dài, thời gian tiếp xúc với người thân chiếm đa số nên đây được xem là nhóm có ảnh hưởng trực tiếp tới kết quả điều trị của bệnh nhân.
Theo Ths.Bs Đồng Chí Kiên, Phó Khoa Nội Vú, phụ khoa (Bệnh viện K), để quá trình điều trị của bệnh nhân được tốt nhất, sự hợp tác của người nhà là vô cùng quan trọng. Không chỉ đối với việc chăm sóc mà quan trọng hơn cả là vấn đề tinh thần.
"Chiến đấu với ung thư là một hành trình dài và vô cùng gian nan. Mặc dù hiện nay có nhiều phương pháp điều trị hiện đại nhưng câu chuyện ở đây không phải chỉ cần bác sĩ giỏi, thiết bị tốt, thuốc tốt là xong.
Bệnh nhân không thể chiến đấu một mình. Họ cần sự đồng hành, hỗ trợ của gia đình, người thân. Nếu người nhà lo lắng, bất an, chán nản, tinh thần không tốt thì bệnh nhân khó lòng yên tâm chữa bệnh được", bác sĩ Kiên nhấn mạnh.
Cũng theo bác sĩ Kiên, để tạo tâm lý vững vàng cho người chăm sóc, phải giúp họ có được sự tin tưởng tuyệt đối vào đội ngũ y bác sĩ, giữ tinh thần lạc quan cả trong những ngày ở bệnh viện và khoảng thời gian điều trị tại gia đình.
"Bệnh viện K thường xuyên tổ chức các buổi họp Hội đồng bệnh nhân, tư vấn trực tuyến, tạo cơ hội để bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện và người nhà của họ được giao lưu, trao đổi với lãnh đạo bệnh viện về những tâm tư, nguyện vọng, được giải đáp các thắc mắc, đóng góp ý kiến...
Không chỉ vậy, Phòng Công tác xã hội cũng như các khoa, phòng khác của bệnh viện luôn có sự sát sao để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời có biện pháp hỗ trợ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, giảm phần nào gánh nặng cho họ", bác sĩ Kiên cho hay.