'Người nhà' đặc biệt tại những ngôi nhà dã chiến
Hai tháng qua, nhiều đêm không tròn giấc, những bữa ăn vội vàng, nguội ngắt đã thành quen với hàng nghìn chiến sĩ áo trắng. Mọi sự vội vã, tiết giảm nhu cầu cho bản thân chỉ để ưu tiên vừa điều trị, vừa làm tròn vai là những người thân của người bệnh, tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho họ chiến thắng dịch bệnh.
Những người thân đặc biệt tại khu điều trị
15 ngày trước, điều dưỡng Hoàng Thị Diễm (Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) cùng gần 80 đồng đội của mình nam tiến, “đóng quân” tại Bệnh viện đa khoa Gò Vấp. Nơi này đang điều trị cho hàng trăm ca bệnh Covid-19.
Ba ca được phân công nhiệm vụ nối tiếp nhau, từ 7 giờ - 14 giờ, 14 giờ - 22 giờ, 22 giờ đến 7 giờ sáng. Những ca trực kéo dài 7-9 giờ đồng hồ kéo theo lịch sinh hoạt đều lệch so với cuộc sống thường ngày.
“Trong suốt ca trực, chúng tôi không ăn, không uống nước, không đi vệ sinh, áp dụng tối đa mọi biện pháp phòng dịch. Bên cạnh đó, do bệnh viện điều trị 100% bệnh nhân Covid nên ngoài công việc chuyên môn, tôi và các đồng nghiệp cũng là người nhà duy nhất của bệnh nhân, cùng thay nhau chăm sóc, giúp đỡ họ ở “ngôi nhà đặc biệt” này”, chị Diễm kể.
Trong tuần đầu tiên, chị Diễm được phân công làm việc ở tầng 5 với 84 bệnh nhân mắc Covid-19. Trong điều kiện thời tiết nóng bức của mùa hè, lại mặc thêm bộ bảo hộ kín mít nên sau mỗi ca làm việc, tay ai cũng nhăn nheo hết cả, trên người không còn chỗ nào khô ráo, khuôn mặt hằn lên vết tì của khẩu trang, của mũ và toàn thân rã rời. “Thậm chí nhiều lúc khát quá nhìn thấy chai nước sát khuẩn chỉ muốn uống một hơi cho đã cơn khát”, chị Diễm tâm sự.
Những lúc tranh thủ chợp mắt khi quá mệt mỏi, ghế đá, lan can, sân nền sẽ là giường; bầu trời ngàn sao là tấm màn che. Khó khăn, vất vả là thế nhưng vì chính những người bệnh đang nằm bất động trên giường, vì những ngày tháng tới không còn Covid-19 và vì những người thân đang đợi ở quê nhà, các chị vẫn luôn cố gắng và cố gắng thật nhiều hơn nữa.
Tại khu điều trị Covid-19 của Bệnh viện thành phố Thủ Đức TP Hồ Chí Minh hiện đang điều trị cho khoảng 300 người, hầu hết có triệu chứng nhẹ và trung bình, người có bệnh nền.
BSCK2 Nguyễn Lan Anh – Phó Giám đốc Bệnh viện thành phố Thủ Đức cho biết, những ngày qua, bệnh viện điều trị cho một số “đại gia đình” với cả ba thế hệ cùng mắc Covid-19. Có những gia đình hơn 10 người nằm viện, cả người cao tuổi và trẻ nhỏ. Lúc này, đội ngũ nhân viên y tế không chỉ đảm nhận vai trò điều trị mà còn hóa thân vào nhiều vai trò người thân khác nhau để có sự hỗ trợ tốt nhất về mặt dinh dưỡng, tinh thần cho người bệnh có sức khỏe vượt qua Covid-19.
Gia đình chị Huỳnh Thị Phượng (40 tuổi, phường Trường Thọ) có 11 người cùng mắc Covid-19. Chị Phượng cùng mẹ và một người em dâu vì có bệnh nền nên được điều trị tại đây, còn những thành viên khác điều trị ở những bệnh viện khác.
Mẹ chị, bà Đoàn Thị Tằm (63 tuổi) có nhiều bệnh nền, thoái hóa cột sống, đau dạ dày và huyết áp thấp, một mình chị chăm không xuể. Đặc biệt tâm lý nhạy cảm, lo lắng vì sợ Covid-19 khiến bà trở nên mệt mỏi, mất ngủ, ăn uống kém.
Lúc này, các điều dưỡng phải làm liệu pháp tâm lý. Một điều dưỡng năng đi lại giường của bà Tằm và trấn an cụ giữ gìn sức khỏe, cố gắng ăn uống, nghỉ ngơi sẽ sớm được về nhà.
Hoàn thành vai trò là người con trong gia đình bà Tằm, nữ điều dưỡng này liền quay sang dỗ dành bệnh nhi 8 tuổi. Chị cúi người xuống để mặt ngang với cậu bé rồi cười đùa, trò chuyện. Cậu bé vốn xa lạ tại nơi đây cũng phần nào thấy sự gần gũi, thân thương từ cách chia sẻ này. Chị truyền sức mạnh cho cậu bé bằng một cái “đập tay” rất trẻ con và được cậu bé thích thú hưởng ứng.
Không dám nghỉ ngơi vì lo cho sức khỏe bệnh nhi
Khu hồi sức tích cực tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bình Dương - nơi được trưng dụng làm cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 đang theo dõi sức khỏe cho 170 bệnh nhân. Tiếng máy móc đang hoạt động hết công suất bao trùm lên không gian trong phòng điều trị số 4 – nơi những bệnh nhân nặng đang nằm trên ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết.
Đa phần những bệnh nhân nằm ở phòng điều trị số 4 đều trong trạng thái hôn mê đang phải thở máy. Ở đây, từ việc ăn uống, vệ sinh cá nhân… cho đến công tác chuyên môn khám, chữa bệnh cho từng bệnh nhân đều được các y, bác sĩ đảm nhiệm.
Phòng đang điều trị cho một bệnh nhi mới 11 tuổi nhưng mắc Covid-19 và có bệnh lý suy thận mạn. Không có người nhà chăm sóc, bệnh cảnh nặng nề, các y, bác sĩ tại đây vừa điều trị, vừa chăm cháu bé như người cha, người mẹ trong gia đình.
Một điều dưỡng cầm khăn lau từng bộ phận, kẽ chân, kẽ tay cho bệnh nhân. Bác sĩ điều trị đang xoay bệnh nhân thay đổi tư thế cho đỡ mỏi khi phải nằm lâu một chỗ. Bên cạnh, một nữ bác sĩ khác đang phối hợp cùng đồng nghiệp tiến hành các bước để cai máy thở cho bệnh nhân.
Phía bên giường nhỏ kia, một bệnh nhi mới 4 tháng tuổi thở khò khè vì mắc đờm. Em quá nhỏ bé khi phải chống chọi với virus SARS-CoV-2 khi không có người thân bên cạnh. Cơ thể bé chỉ chừng vài kg đầy những vết bầm, dây chuyền, ống cắm chằng chịt, không đáp ứng thuốc điều trị, việc uống sữa rất khó khăn, tiên lượng nặng nề.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Lài vừa cầm chiếc bình bú nhỏ xíu cho bé ăn, vừa cưng nựng như đứa con mình vẫn chăm bẵm ở nhà. Vì lượng đờm trong cơ thể còn nhiều, bệnh nhi bú được chút lại ho, điều dưỡng Lài nhanh chóng xoay lưng bệnh nhi rồi “vỗ ợ”. Cứ cần mẫn như vậy tới khi bệnh nhi hết bình sữa, điều dưỡng Lài mới thở phào nhẹ nhõm.
“Thương lắm em ạ. Tôi thay mẹ bé làm hết mọi việc từ bỉm, sữa đến thay tã hay vệ sinh cho bé, lúc này tôi không chỉ là nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhi mà còn phải tận tâm chăm sóc như con của mình vậy”, chị Lài nghẹn ngào nói.
Chị tâm sự, trước kia chỉ có mình chị phụ trách bệnh nhi, nhiều khi muốn đi vệ sinh hay tranh thủ nghỉ ngơi cũng cứ bồn chồn lo lắng không biết trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy liệu có chuyện gì xảy ra không. Mãi gần đây có thêm đồng nghiệp tới hỗ trợ, chị mới có thể yên tâm mỗi khi tranh thủ nghỉ ngơi, ăn uống.
Điều dưỡng Lài còn là liên lạc viên thông tin tình hình các người bệnh tại trung tâm ICU này. Vì thế, tranh thủ chút thời gian ít ỏi nghỉ ngơi, chị vừa gọi điện cho gia đình hỏi thăm, vừa thông báo tình hình, đồng thời động viên người nhà rằng các y, bác sĩ vẫn đang nỗ lực hết sức mình để các cháu sớm được trở về gia đình.
Nhiều ngày qua, các chị vừa là bác sĩ, điều dưỡng, vừa là người thân để giải thích, giúp người bệnh hiểu rõ bệnh tật và tránh lo lắng thái quá. Chính sự nâng đỡ về mặt tinh thần này, không ít bệnh nhân lạc quan hơn, ăn ngủ tốt hơn, thể trạng được nâng lên và nhờ đó mà đã có hàng nghìn người được xuất viện thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh.