Người nhập cư ở Mỹ 'nháo nhào' trước ngày nhậm chức của ông Trump
Những tuyên bố về việc sẽ trục xuất hàng loạt của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã khiến nhiều người nhập cư ở Mỹ đổ xô đi tìm kiếm sự tư vấn và bảo vệ.
Các văn phòng luật sư di trú ở Mỹ đang làm việc hết công suất trong bối cảnh nhiều người nhập cư lũ lượt kéo tới tìm kiếm sự trợ giúp do lo ngại về đợt trục xuất hàng loạt sắp tới của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump, theo New York Times.
"Những người nằm trong diện có nguy cơ bị trục xuất đang kéo đến trung tâm tư vấn pháp lý, trong khi những người đã có thẻ xanh thậm chí còn tìm đến chúng tôi một cách vội vã hơn", Inna Simakovsky, một luật sư di trú tại Columbus, Ohio, cho biết. "Ai cũng sợ cả".
Những người đã có thẻ thường trú nhân (thẻ xanh) muốn trở thành công dân Mỹ càng sớm càng tốt, trong khi những người cư trú có điều kiện hoặc nhập cư bất hợp pháp đang phải vật lộn để nộp đơn xin tị nạn.
Bởi lẽ, theo các quy định hiện hành, người nhập cư sẽ khó bị trục xuất khỏi Mỹ khi đang trong quá trình chờ phán định của tòa di trú.
Bên cạnh đó, những người có mối quan hệ với công dân Mỹ đang tiến hành thủ tục kết hôn nhanh chóng, điều này giúp họ đủ điều kiện để nộp đơn xin thẻ xanh.
Tranh thủ kết hôn
Theo số liệu từ New York Times, Mỹ hiện có khoảng 13 triệu thường trú nhân hợp pháp. Vào năm 2022, khoảng 11,3 triệu người cư trú tại Mỹ không có giấy tờ.
"Kết quả bầu cử khiến tôi lo sợ và buộc lòng phải tìm ngay một giải pháp lâu dài", Yaneth Campuzano (30 tuổi), kỹ sư phần mềm tại Houston, Texas, nói.
Được đưa đến Mỹ từ Mexico khi mới 2 tháng tuổi, Campuzano đủ điều kiện tham gia chương trình bảo vệ người nhập cư đến Mỹ bất hợp pháp thời thơ ấu (DACA), vốn từng cho phép hàng trăm nghìn người nhập cư ở lại Mỹ với giấy phép lao động dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama.
Tuy nhiên, ông Trump đã từng cố gắng loại bỏ DACA trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên. Hiện chương trình này đang đối mặt với các thách thức pháp lý và có thể bị chấm dứt, theo New York Times.
Với tình trạng bấp bênh hiện tại của DACA, Campuzano vị hôn phu của cô, một nhà khoa học thần kinh người Mỹ, đã đẩy nhanh kế hoạch kết hôn. Họ sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 12 - trước khi ông Trump nhậm chức.
"Chỉ khi tình trạng pháp lý của tôi được đảm bảo, tôi mới có thể thở được", Campuzano nói.
Chiến dịch trục xuất hàng loạt
Cử tri của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều bày tỏ sự thất vọng về tình trạng hỗn loạn ở biên giới dưới thời Tổng thống Joe Biden, theo New York Times. Trên cơ sở đó, chiến dịch tranh cử của ông Trump đã đưa ra lời cam kết sẽ tiến hành trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp, qua đó dành được sự ủng hộ của đông đảo cử tri.
Vào giữa tháng 11, ông Trump đã xác nhận ý định tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và sử dụng lực lượng vũ trang cho mục đích trục xuất hàng loạt.
Stephen Miller, cố vấn chính sách nhập cư hàng đầu của ông, đã nói rằng "các cơ sở tạm giam rộng lớn" sẽ đóng vai trò là "trung tâm trung chuyển" cho chiến dịch trục xuất.
Giới chức bang Texas đã đề nghị cho chính quyền liên bang sử dụng hơn 4 triệu mét vuông đất gần biên giới để xây dựng các trung tâm giam giữ, theo New York Times.
Theo phân tích của Viện Chính sách Di cư, ông Trump và ông Biden đã trục xuất khoảng 1,5 triệu người trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Con số này dưới thời Tổng thống Biden cũng là 1,5 triệu, trong khi cựu Tổng thống Obama đã trục xuất 3 triệu người trong nhiệm kỳ đầu.
Tuy nhiên, lần đầu tiên kể từ thập niên 1950, nước Mỹ tìm cách trục xuất hàng loạt người nhập cư, đặt ra thử thách cho bộ máy vận hành quá trình này.
Bên cạnh cố vấn Miller, Tổng thống đắc cử Trump đã bổ nhiệm một số nhân sự chủ chốt để chuẩn bị cho chiến dịch trục xuất hàng loạt sắp tới, trong đó có Thomas D. Homan - một lãnh đạo kỳ cựu của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ.
Ông Homan cho biết chính quyền tương lai sẽ tập trung vào việc loại bỏ những người vi phạm luật pháp Mỹ hoặc chưa tuân thủ lệnh trục xuất. "Ông trùm biên giới" cũng nói rằng chính quyền sẽ tiến hành các đợt "đột kích" ở nơi làm việc nhằm truy quét những người nhập cư không có giấy tờ.
Ngay cả ở California, nơi giới chức lãnh đạo đã hạn chế hợp tác với các cơ quan di trú trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump và cam kết sẽ làm điều tương tự trong tương lai, những người nhập cư vẫn lo ngại về việc chiến dịch trục xuất sẽ được đẩy mạnh.
"Lần này, chúng tôi cảm thấy lo sợ hơn vì những tuyên bố mà ông Trump đã đưa ra", Silvia Campos, người nhập cư không có giấy tờ gốc Mexico, nói với New York Times.
Bà Campos sống cùng chồng và 3 người con ở Riverside (California), 2 trong số này là công dân Mỹ. Bà đã cùng chồng vượt biên vào Mỹ vào năm 2006.
"Mọi người đều nói về chuyện này", bà Campos nói. "Chúng tôi phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất".
Trong khi một số ít nhà lãnh đạo của các trường đại học lên tiếng về chiến lược nhập cư của chính quyền Trump, nhiều trường đã âm thầm cân nhắc các bước đi để bảo vệ sinh viên quốc tế, theo New York Times.
Hơn 1.700 quản trị viên và nhân viên các trường đại học đã tham dự một hội thảo trực tuyến vào ngày 15/11 về cách hỗ trợ sinh viên quốc tế và những sinh viên không có giấy tờ lưu trú tại Mỹ.
Mối quan ngại đổ dồn về kỳ nghỉ đông khi các sinh viên quốc tế có thể trở về quê nhà để nghỉ lễ. Vào năm 2017, ngay trong ngày đầu nhậm chức, ông Trump đã cấm công dân của các quốc gia Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ, gây ra tình trạng hỗn loạn tại các sân bay. Lệnh này đã bị bác tại tòa song một phiên bản sau đó của lệnh này vẫn được duy trì.
Đại học Massachusetts, Amherst, đã đưa khuyến cáo cho toàn bộ sinh viên, giảng viên và nhân viên quốc tế, kêu gọi họ "cân nhắc kỹ lưỡng" về việc quay trở lại Mỹ trước Ngày nhậm chức 6/1/2025 và cho biết sinh viên có thể chuyển đến ký túc xá sớm.