Người nhập viện vì kiến ba khoang tăng đột biến

Hàng năm, cứ đến mùa mưa, khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 10, số người nhập viện vì kiến ba khoang lại tăng đột biến.

Viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang.

Viêm da do tiếp xúc với kiến ba khoang.

Năm nay, theo BS Vũ Thị Phương Thảo, Bệnh viện Da liễu TP HCM, từ đầu tháng 6 đến nay, Bệnh viện Da liễu TP HCM đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám vì viêm da tiếp xúc dị ứng do kiến ba khoang, trung bình mỗi ngày 80 - 100 ca, tăng đột biến gấp nhiều lần so với những tháng trước.

Theo các chuyên gia, mặc dù đây được xem như là loài có ích, vì chúng ăn các loài sâu bọ hại cây trồng. Loại kiến này chủ yếu sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng…

Tuy nhiên, đây cũng là loại côn trùng nguy hiểm với lượng độc tố chứa trong cơ thể mạnh gấp 12-15 lần nọc rắn hổ, khi tiếp xúc với chất gây độc của kiến ba khoang nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những biến chứng nặng. May thay, loài côn trùng này không cắn hoặc chích mà chỉ vô tình người bị tiếp xúc hay cọ vào chúng. Chất độc trong cơ thể kiến có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da) nếu chất này được giải phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà xát hay bị giết, chúng giải phóng dịch lỏng coelomic có chứa paederin - một hóa chất gây phồng rộp da rất mạnh.

BS. Vũ Thị Phương Thảo khuyến cáo, để tránh kiến ba khoang, người dân nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí (nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng…) khi thắp đèn, ngủ trong màn.

Tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng. Nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt. Bên cạnh đó, thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ, giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng.

Khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động và có thể xử lý diệt kiến bằng phun deltamethrin, alphacyhalothrin, permethrin ở những vị trí mà kiến hay tập trung gần người. Nếu đã tiếp xúc (hoặc nghi ngờ tiếp xúc) với kiến ba khoang, người dân không dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến.

Bắt kiến ba khoang ra khỏi da bằng cách thổi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người. Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót.

Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý. Tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác.

TS.BS Lê Ngọc Duy, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu và Chống độc Bệnh viện Nhi Trung ương nhấn mạnh, viêm da do kiến 3 khoang thường khỏi nhanh trong vòng 1 tuần nếu xử trí đúng cách. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên rửa nhẹ nhàng tại nơi tiếp xúc bằng nước muối sinh lý (9‰) ngay lúc vừa tiếp xúc để trung hòa hoặc giảm bớt các yếu tố dị ứng, kích ứng da, sau đó đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.

Toàn Nghĩa

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nguoi-nhap-vien-vi-kien-ba-khoang-tang-dot-bien-490859.html