Người Nhật Bản đặt câu hỏi bài tập về nhà có thực sự cần thiết

Không chỉ tại Nhật Bản, nhiều trường học trên thế giới giao bài tập về nhà cho học sinh gần như hàng ngày. Mainichi đặt câu hỏi về vai trò của việc này đối với giáo dục trẻ em.

Theo Mainichi, việc giao bài tập về nhà cho học sinh có nhiều lý do khác nhau, từ việc giúp học sinh phát triển thói quen học tập tốt đến nâng cao khả năng học tập của họ.

Trong khi trẻ em xem việc làm bài tập về nhà là điều hiển nhiên, Sota Fujii, kiện tướng cờ tướng Nhật Bản, từng thắc mắc với giáo viên chủ nhiệm ở trường trung học cơ sở về lý do anh phải làm bài tập về nhà mặc dù nghe giảng rất tốt trong giờ học.

 Kiện tướng cờ tướng Nhật Bản Sota Fujii. Ảnh: Japan Forward.

Kiện tướng cờ tướng Nhật Bản Sota Fujii. Ảnh: Japan Forward.

Mẹ của cậu, bà Yuko, cũng cho hay trước đây Fujii từng cho rằng việc giao bài tập về nhà là vô nghĩa. Là một thần đồng cờ tướng Nhật Bản, Fujii cho rằng mình nên tập trung vào các mục tiêu tương lai và rèn luyện bản thân thay vì làm bài tập về nhà vì cậu đã nghe giảng chăm chú trong giờ học.

"Dù không nghe giảng chăm chú, các bạn con chỉ cần chép kết quả bài tập về nhà từ các bạn khác cũng được khen ngợi. Con tự hỏi ai là người giỏi hơn: Những bạn chăm chú nghe giảng hay những bạn chép bài tập về nhà đầy đủ", bà Yuko thuật lại lời Fujii lúc nhỏ.

Ông Yuichi Kudo, Hiệu trưởng trường liên cấp trung học Yokohama Soei và là người đi đầu trong cải cách trường học ở Nhật Bản, đã bãi bỏ bài tập về nhà khi còn là hiệu trưởng tại một trường trung học ở Tokyo.

Ông Kudo khẳng định điều quan trọng giúp trẻ nâng cao kỹ năng học tập là phải giúp chúng hiểu những vấn đề mà chúng không biết và tìm ra phương pháp học phù hợp với cá tính từng trẻ.

Điều này làm được khi các nhà giáo dục giải quyết được 2 vấn đề: Đầu tiên, để học sinh tự tìm hiểu về những điều mà chúng không hiểu; thứ hai, để chúng lặp lại các bước để thực sự tiếp thu những gì đã học.

Ông quan niệm bài tập về nhà gồm những câu hỏi giống nhau cho mọi học sinh trong lớp là một sự lãng phí thời gian đối với những đứa đã hiểu bài.

Theo ông Kudo, bài tập về nhà là một gánh nặng đối với các học sinh không hiểu bài. Đôi khi, bài tập về nhà làm mất đi vai trò làm rõ nội dung bài học đối với học sinh. Nhiều học sinh chỉ đơn giản là cố gắng nộp bài thay vì làm bài tập để hiểu bài giảng.

"Bài tập về nhà hàng loạt không hiệu quả đối với trẻ em", ông Kudo kêu gọi bãi bỏ các bài tập chuẩn hóa bắt buộc để ủng hộ hệ thống giáo dục để học sinh tự nguyện học hành vì những điều còn chưa biết.

Linh Thùy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-nhat-ban-dat-cau-hoi-bai-tap-ve-nha-co-thuc-su-can-thiet-post1383911.html