Người Nhật Bản 'thắt lưng buộc bụng' trong bão giáTin khácLễ hội Kỳ Hoa: Dư âm vọng mãi47 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Theo Reuters, trước đây, bà mẹ 3 con Maiko Takahashi sống tại ngoại ô Tokyo không bao giờ phải chắt chiu từng đồng hay từ chối những yêu cầu của các con dù gia đình có nguồn thu nhập khiêm tốn.Nhưng mọi thứ đã thay đổi. Giờ đây, cô không còn e ngại những bộ quần áo đã qua sử dụng, chú ý tới những món đồ khuyến mãi và lo nghĩ về những chi phí vặt vãnh nhất. Cô Takahashi chia sẻ: 'Tôi bắt đầu để ý tới các lời khuyên trên truyền hình như giảm số lần mở tủ lạnh để tiết kiệm điện. Vì mọi thứ bắt đầu khó khăn hơn nên tôi phải điều chỉnh chi tiêu'. Nhiều bà nội trợ Nhật Bản hướng đến hàng giá rẻ khi đi mua sắm. Ảnh: Reuters

Ngoài việc chấp nhận cho con trai đang học mẫu giáo sử dụng những bộ đồng phục cũ, bà mẹ này cũng chuyển sang các thương hiệu giá rẻ cho các mặt hàng như sốt mayonnaise, nước sốt cà chua và các thực phẩm khác.

Cô Takahashi nói: “Giá của nhiều mặt hàng thiết yếu ngày càng tăng. Tôi liên tục phải tính toán về những thứ sẽ phải cắt giảm”. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Intage, thị phần của thực phẩm từ thương hiệu giá rẻ trên toàn Nhật Bản đã tăng lên 22% trong tháng 3 so với mức 18% trong cùng kỳ năm ngoái.

Sau khi dỡ bỏ nhiều biện pháp phòng, chống Covid-19 trong tháng 3, Chính phủ Nhật Bản đặt kỳ vọng vào xu hướng “mua sắm trả thù”. Đây là một thuật ngữ nói về nhu cầu mua sắm bùng nổ để khỏa lấp nỗi buồn hoặc bù đắp sự thiếu thốn trong thời gian dài.

Xu hướng này đã thúc đẩy sức mua ở Mỹ, Trung Quốc và một số nền kinh tế lớn khác. Thế nhưng, khi giá năng lượng, thực phẩm và một số chi phí sinh hoạt khác tăng cao, cơ hội bùng nổ “mua sắm trả thù” ngày càng yếu đi ở xứ sở mặt trời mọc.

Hiện nay, người tiêu dùng Nhật Bản đang chi tiêu tiết kiệm hết mức có thể. Một số công ty lớn đã hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ về việc tăng lương cho người lao động. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học cho rằng mức tăng 2% không thấm tháp vào đâu so với tình trạng giá mọi mặt hàng đều đi lên, từ bột mì cho đến bỉm trẻ em và bia.

Theo khảo sát mới nhất của Chính phủ Nhật Bản, hơn 90% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ dự đoán hàng hóa sẽ trở nên đắt đỏ hơn trong 12 tháng tới. Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, không có gì phải ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều người thay đổi hành vi mua sắm như cô Takahashi.

Theo Quandoinhandan

TUYẾT MAI

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/quoc-te/497331-nguoi-nhat-ban-that-lung-buoc-bung-trong-bao-gia.html