Người Nhật tưởng niệm 75 năm cuộc tấn công nguyên tử đầu tiên trên thế giới

Nhật Bản đã tổ chức kỷ niệm 75 năm sự kiện Hiroshima, vụ ném bom nguyên tử đầu tiên trong lịch sử nhân loại, với số người tham dự ít hơn mọi năm do dịch Covid19.

 Buổi lễ kỷ niệm được tổ chức tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima với số lượng người tham dự ít hơn mọi năm.

Buổi lễ kỷ niệm được tổ chức tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima với số lượng người tham dự ít hơn mọi năm.

Đúng vào 8h15, thời khắc quả bom "Little Boy" được ném xuống Hiroshima từ máy bay B-29 của quân đội Mỹ vào ngày 6/8/1945, những người có mặt tại buổi lễ đã dành một phút mặc niệm.

Buổi kỷ niệm diễn ra tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima đã bị thu nhỏ lại vì đại dịch coronavirus với sự tham gia của chưa đến 1.000 – chỉ bằng một phần mười số người tham dự trong những năm trước.

Bên cạnh ảnh hưởng của Covid-19, số nhân chứng ít ỏi còn sống sót trong vụ ném bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới tham dự lễ kỷ niệm 75 năm diễn ra năm nay ít hơn mọi năm một phần bởi lý do Thị trưởng thành phố Hiroshima và những người khác đã chỉ trích chính phủ Nhật Bản “đạo đức giả” vì từ chối ký hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân.

 Thị trưởng thành phố Hiroshima Kazumi Matsui (bên phải) nhận danh sách các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử tại Đài tưởng niệm Hiroshima Cenotaph.

Thị trưởng thành phố Hiroshima Kazumi Matsui (bên phải) nhận danh sách các nạn nhân của vụ ném bom nguyên tử tại Đài tưởng niệm Hiroshima Cenotaph.

Thị trưởng thành phố Hiroshima Kazumi Matsui đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới cam kết nghiêm túc hơn trong việc giải trừ hạt nhân và chỉ ra những thất bại của Nhật Bản.

“Tôi yêu cầu chính phủ Nhật Bản chú ý đến những lời kêu gọi (của những người sống sót sau vụ đánh bom), phê chuẩn và trở thành một thành viên của Hiệp ước về Cấm vũ khí hạt nhân”, ông Matsui nói trong tuyên bố hòa bình của mình. “Là quốc gia duy nhất hứng chịu một cuộc tấn công hạt nhân, Nhật Bản cần phải thuyết phục công chúng toàn cầu đoàn kết với tinh thần của thành phố Hiroshima”.

Bài phát biểu của ông nhấn mạnh những gì những người sống sót cảm thấy là thất vọng với chính phủ Nhật Bản. Tokyo đã không ký hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân được thông qua vào năm 2017, bất chấp cam kết phi hạt nhân hóa, một hành động thất bại mà những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử và các nhóm theo chủ nghĩa hòa bình gọi là thiếu chân thành.

 Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trong buổi lễ tưởng niệm.

Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu trong buổi lễ tưởng niệm.

Trong bài phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Shinzo Abe cho biết “Nhật Bản cam kết cấm vũ khí hạt nhân nhưng một thế giới phi hạt nhân không thể đạt được trong một sớm một chiều và nó phải bắt đầu từ đối thoại giữa các bên đối lập.”

Theo Thủ tướng Abe, vị trí của Nhật Bản là đóng vai trò là cầu nối giữa các bên khác nhau và kiên nhẫn thúc đẩy đối thoại và hành động của họ để đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân. “Các chính sách hạt nhân được phân chia giữa một môi trường an ninh khắc nghiệt, vì vậy cần phải tạo ra điểm chung trước tiên”, ông nói.

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres, cho biết trong thông điệp video từ New York nhân dịp này là: “Cách duy nhất để loại bỏ hoàn toàn rủi ro hạt nhân là loại bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân”.

“Bảy mươi lăm năm là thờ gian quá lâu để xác định được rằng cần phải giảm sở hữu vũ khí hạt nhân hay là tăng cường” ông nói. “Ngày nay, một thế giới không có vũ khí hạt nhân dường như đang tuột khỏi tầm tay của chúng ta”.

Vào ngày kỷ niệm 75 năm, những người sống sót cao tuổi, có tuổi trung bình hiện đã vượt quá 83, phàn nàn về tiến trình giải trừ hạt nhân chậm chạp. Họ bày tỏ sự tức giận đối với những gì họ cho là “thái độ miễn cưỡng” của chính phủ Nhật Bản trong việc giúp đỡ và lắng nghe những nạn nhân của vụ đánh bom nguyên tử.

Những người sống sót cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới, đặc biệt là những người từ các quốc gia có vũ khí hạt nhân, đến thăm Hiroshima và trực tiếp chứng kiến hậu quả của vụ đánh bom nguyên tử.

Mỹ đã thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima vào ngày 6/8/1945, phá hủy thành phố và giết chết 140.000 người. Ba ngày sau, Mỹ thả quả bom thứ hai xuống Nagasaki, khiến 70.000 người khác thiệt mạng. Nhật Bản đầu hàng ngày 15 tháng 8, chấm dứt Thế chiến thứ hai và gần nửa thế kỷ xâm lược của họ ở châu Á.

Trâm Anh (theo AP)

Nguồn Công Lý: http://congly.vn/the-gioi/tin-nhanh/nguoi-nhat-tuong-niem-75-nam-cuoc-tan-cong-nguyen-tu-dau-tien-tren-the-gioi-354204.html