Người Nhật viết về nuôi lợn, đi xe đạp và cắt tóc vỉa hè của người Việt

Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Nhật Bản được nâng cấp lên 'Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới', cuốn sách 'Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản' của GS.TS Furuta Motoo, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật – Việt, Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp cùng Sbooks phát hành, mang ý nghĩa đặc biệt.

Người Nhật viết về nuôi lợn, đi xe đạp và cắt tóc vỉa hè của người Việt

Người Nhật viết về nuôi lợn, đi xe đạp và cắt tóc vỉa hè của người Việt

Không chỉ là một công trình học thuật, cuốn sách còn là kết tinh của gần 50 năm gắn bó, nghiên cứu nghiêm túc và đầy tâm huyết của một học giả Nhật Bản dành cho Việt Nam.

Khác với nhiều cuốn sách lịch sử viết theo lối biên niên truyền thống, Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản là sự kết hợp giữa nghiên cứu hàn lâm với trải nghiệm cá nhân, giữa phân tích lịch sử với quan sát xã hội. GS.TS Furuta Motoo bắt đầu nghiên cứu về Việt Nam từ cuối thập niên 1960, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang diễn ra ác liệt.

Với luận văn tốt nghiệp về Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông khởi đầu hành trình học thuật kéo dài gần nửa thế kỷ, trở thành người Nhật Bản hiếm hoi am hiểu sâu sắc về lịch sử hiện đại Việt Nam.

Cuốn sách gồm 10 chương, có cấu trúc khoa học, nội dung phong phú, bao quát tương đối toàn diện các khía cạnh quan trọng về lịch sử, kinh tế và xã hội của Việt Nam.

Thông qua cuốn sách, người đọc có thể tiếp cận từ những sinh hoạt đời thường của người dân Việt Nam như đời sống hằng ngày, tín ngưỡng, ngôn ngữ, văn hóa giao tiếp… đến những vấn đề vĩ mô như lịch sử dựng nước, các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thể chế chính trị, quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quan hệ đối ngoại và vai trò của Việt Nam trong khu vực.

Những vùng đất đặc trưng như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Bắc, Đông Nam Bộ hay các đô thị tiêu biểu như Hà Nội, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh… cũng được mô tả kỹ lưỡng qua cảm quan và trải nghiệm thực tế của tác giả.

Một trong những điểm hấp dẫn nhất của cuốn sách là cách tiếp cận “từ dưới lên”. Thay vì tập trung vào các sự kiện chính trị lớn, tác giả khai thác nhiều chi tiết đời sống để từ đó lý giải các đặc trưng xã hội Việt Nam.

Ông kể lại việc “xin đường” khi đi xe đạp, một hành vi phổ biến của người Việt khi chuyển hướng, hay cảnh người cắt tóc vỉa hè vội vã ôm gương bỏ chạy khi lực lượng trật tự xuất hiện.

Những hình ảnh nhỏ này được ông lý giải như biểu hiện rõ nét của một xã hội linh hoạt, thích ứng và có “sức mạnh từ dưới lên”.

Chính từ góc nhìn ấy, tác giả đưa ra nhận định đáng chú ý: Việt Nam là một xã hội “khó cai trị” chứ không phải “vô tổ chức”.

Cụm từ “bất trị” mà ông sử dụng trong một hội thảo khoa học không mang hàm ý tiêu cực, mà để chỉ sức sống nội tại mạnh mẽ và khả năng tự điều chỉnh của cộng đồng.

Theo ông, mô hình kiểm soát từ trên xuống như ở Nhật Bản khó có thể áp dụng nguyên vẹn tại Việt Nam, bởi sức ép xã hội từ cơ sở là rất lớn.

Không chỉ quan sát xã hội, tác giả còn đưa ra nhiều phân tích sâu sắc về các vấn đề lịch sử và văn hóa trọng yếu.

Ông lý giải sự khác biệt giữa chế độ khoa cử của Việt Nam và Trung Quốc, đồng thời nhận định rằng chế độ trung ương tập quyền ở Việt Nam chủ yếu nhằm chống lại áp lực từ phương Bắc, chứ không phát triển tự nhiên từ nhu cầu nội tại.

Ông cũng cho rằng hệ thống chính trị hiện nay ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, mang tính kế thừa truyền thống “tập quyền mềm dẻo” rất riêng.

Ở mảng tôn giáo, tín ngưỡng, cuốn sách không chỉ thống kê số lượng tín đồ theo từng hệ phái mà còn phản ánh chiều sâu văn hóa tâm linh của người Việt.

Từ lễ “nhập trạch” khi chuyển trụ sở Đại học Việt Nhật đến quyết định của chính quyền giữ lại cây đa và cổng làng Trung Nha ngay giữa đường Võ Chí Công (Hà Nội) vì yếu tố tâm linh, GS.TS Furuta Motoo khẳng định rằng tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam không chỉ là vấn đề tâm linh mà còn là phương thức ứng xử xã hội, vừa linh hoạt vừa thực tiễn.

Đặc biệt, phần nghiên cứu về chữ viết của người Việt được trình bày một cách hệ thống từ ảnh hưởng của Hán văn, sự xuất hiện và thất thế của chữ Nôm, đến quá trình Latinh hóa tiếng Việt.

Trong Lời giới thiệu cuốn sách, GS.TSKH.NGND Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá cao kinh nghiệm cũng như tâm huyết của GS.TS Furuta Motoo trong việc nghiên cứu những biến chuyển cực kỳ phong phú, sinh động, giàu bản sắc và cũng rất phức tạp trong lịch sử Việt Nam.

Đặc biệt, ông bày tỏ sự bất ngờ trước những chi tiết thú vị và rất đời thường được GS.TS Furuta Motoo đưa vào cuốn sách như mô tả việc nuôi lợn, nuôi gà, cách người Việt tham gia giao thông hay lễ cúng nhập trạch khi khai trương trụ sở,...

Cuốn sách gồm 10 chương, có cấu trúc khoa học, nội dung phong phú, bao quát tương đối toàn diện các khía cạnh quan trọng về lịch sử, kinh tế và xã hội của Việt Nam

Cuốn sách gồm 10 chương, có cấu trúc khoa học, nội dung phong phú, bao quát tương đối toàn diện các khía cạnh quan trọng về lịch sử, kinh tế và xã hội của Việt Nam

Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản không chỉ là tấm gương phản chiếu Việt Nam qua lăng kính quốc tế, mà còn là món quà tinh thần quý giá, bồi đắp thêm cầu nối tri thức và hữu nghị giữa hai dân tộc Việt Nam – Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Vào lúc 15 giờ ngày 18.7, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sbooks tổ chức lễ ra mắt sách Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản, kèm theo chương trình giao lưu, đối thoại với tác giả GS.TS Furuta Motoo, GS Vũ Minh Giang và đông đảo độc giả.

QUANG ANH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/xuat-ban/nguoi-nhat-viet-ve-nuoi-lon-di-xe-dap-va-cat-toc-via-he-cua-nguoi-viet-151640.html