Người nối những nhịp cầu

Ở cái tuổi thất tuần, nhiều người đã sớm thong dong an dưỡng tuổi già sau quãng thời gian cống hiến, xông pha của tuổi trẻ. Song với bà Nguyễn Thị Hứa (1956) - Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) thì vẫn còn chất chứa nhiều gánh nặng trên vai, bởi những lo toan, trăn trở dành cho những phận đời mỏng manh, những kiếp người kém may mắn...

Bà Nguyễn Thị Hứa cùng Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng đến thăm và trao kinh phí cho phụ nữ nghèo mắc bệnh hiểm nghèo phường Hòa Minh.

Bà Nguyễn Thị Hứa cùng Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng đến thăm và trao kinh phí cho phụ nữ nghèo mắc bệnh hiểm nghèo phường Hòa Minh.

Trong suốt 13 năm làm công tác hội (2010-2023), bà đã đảm nhiệm xuất sắc vai trò là nhịp cầu nối - một nhịp cầu vững chắc và đầy nhân ái để đem đến trái tim khỏe mạnh cho hàng trăm trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh với số tiền hàng chục tỷ đồng. Riêng trong năm 2022, bà Hứa đã làm cầu nối giúp 18.750 em được khám tầm soát tim miễn phí; qua đó đã phát hiện 100 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh và hỗ trợ phẫu thuật miễn phí cho 25 trẻ với số tiền gần 1 tỷ 140 triệu đồng.

Như gia đình chị Nguyễn Thị Kim Cương (P.Hòa Hiệp Bắc) có 2 con mắc bệnh tim bẩm sinh nhờ sự tư vấn và hỗ trợ tận tình của bà Hứa đã được làm phẫu thuật tim miễn phí với số tiền gần 90 triệu đồng. Được biết, gia đình chị Cương thuộc diện đặc biệt khó khăn. Chị Cương làm nghề rửa chén bát thuê, chồng là lao động tự do, không có việc làm ổn định. Gia đình chị có 3 người con, nhưng không may, cả 3 đều mắc bệnh nặng. Người con đầu và út bị bệnh tim bẩm sinh, người con thứ mắc bệnh tâm thần. Cái nghèo, cái khó lại cộng thêm bệnh tật của 3 người con khiến ai ai cũng xót xa, thương cảm. “ Nhờ chính sách nhân đạo của thành phố, cũng như nhờ sự tư vấn, hỗ trợ tận tình của chị Hứa nên con tôi mới có được cuộc sống ngày hôm nay. Sau khi cháu phẫu thuật, chị còn thường xuyên đến thăm hỏi, động viên, cho quà…nên gia đình rất cảm động và biết ơn sâu sắc”- chị Cương chia sẻ.

Trong 1 đợt theo chân đoàn tầm soát tim miễn phí cho trẻ tại trường Mầm Non Tuổi Hoa (Liên Chiểu), tôi càng cảm nhận được sự tận tâm, nhiệt huyết của người phụ nữ này. Dù lớn tuổi nhất, song sự nhanh nhẹn, tháo vát của bà không hề thua kém lớp trẻ. Với số lượng từ vài trăm đến hơn 1 ngàn em học sinh/trường nên khối lượng công việc trong ngày của đoàn rất lớn. Bà Hứa cùng các thành viên nhanh chóng hướng dẫn, sắp xếp học sinh theo hàng lối, lúc lại hỗ trợ nâng các cháu lên giường khám, lúc lại lau người cho trẻ sau tầm soát… Mặc cho vầng trán lấm tấm mồ hôi, bà vẫn luôn tay không ngừng nghỉ, tích cực hỗ trợ cán bộ y tế trong khả năng để rút ngắn thời gian thăm khám mà vẫn đảm bảo hiệu quả tối ưu. Đặc biệt, đối với những trường hợp mắc bệnh tim, sau khi tư vấn tại trường, bà còn trực tiếp đi cùng đối tượng xuống cơ sở để gặp cán bộ chức năng hoàn thành hồ sơ. Có nhiều trường hợp, bà đến tận nhà tìm hiểu hoàn cảnh, chụp ảnh làm tư liệu, hướng dẫn các gia đình để được hỗ trợ kinh phí điều trị.

Có những trường hợp thuộc diện hộ nghèo mắc bệnh hiểm nghèo, làm cuộc sống của họ đã khó càng thêm khó, để động viên, chia sẻ cùng những hoàn cảnh thương tâm này, bà Hứa đã tích cực hỗ trợ thủ tục và đề xuất Hội Bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP, UBND Q.Liên Chiểu trao kinh phí chữa bệnh từ 3-7 triệu đồng cho hàng ngàn trường hợp. Trong năm 2022, đã hỗ trợ 180 trường hợp với tổng số tiền là 660 triệu đồng. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, Thành Hội đã trao hỗ trợ cho 52 trường hợp với số tiền 200 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Hứa đến thăm và trao quà cho em Nguyễn Thành Khánh, con trai đầu của chị Cương.

Bà Nguyễn Thị Hứa đến thăm và trao quà cho em Nguyễn Thành Khánh, con trai đầu của chị Cương.

Không chỉ dừng lại ở việc tiếp nhận các hồ sơ, bà Hứa còn chủ động tìm hiểu các hoàn cảnh trong xã hội để giúp đỡ. Bà thường kêu gọi mọi người quan tâm, để ý xem có trường hợp nào mắc bệnh, có hoàn cảnh khó khăn thì liên hệ với Hội. Chỉ cần nghe tin, bà liền xin số điện thoại để liên lạc, đến nhà tìm hiểu hoàn cảnh để xem xét hỗ trợ theo quy định. Nhờ đó, ngày càng nhiều số phận bất hạnh được cưu mang, giúp đỡ. Điển hình trường hợp của chị Mai Thị Chín (55 tuổi), trú tổ 37 P.Hòa Hiệp Nam, là phụ nữ đơn thân, mắc bệnh tim từ thời thiếu nữ đôi mươi, tình trạng sức khỏe luôn không ổn định. Đã thế, đến năm 2011, chị phát hiện mình bị mắc bệnh ung thư tuyến giáp. Đang nỗ lực chữa bệnh ung thư thì năm 2019, bệnh tim lại trở nặng. Dù đã được phẫu thuật nhưng hiện sức khỏe vẫn còn nhiều trở ngại. Sau những tất bật mưu sinh mệt nhọc, ngoài gặm nhấm nỗi cô đơn và chịu đựng nỗi đau bệnh tật, trong chị còn là nỗi lo sợ về những tháng ngày sắp tới ai sẽ là người bên mình khi trái gió trở trời, sẽ phải sống thế nào khi mắt mờ tay run… “ Đã có lúc tôi rất suy sụp, chỉ muốn bỏ cuộc buông xuôi. Nhưng được sự quan tâm của chính quyền, sự động viên của bà con làng xóm, cùng sự giúp đỡ tận tâm của chị Hứa, tôi dần lấy lại động lực để chiến đấu với bệnh tật. Thời gian qua, Hội thường xuyên hỗ trợ kinh phí chữa bệnh, tặng quà, nên cuộc sống của tôi cũng vơi đi phần nào khó khăn”- chị Chín xúc động chia sẻ…

Và còn rất nhiều trường hợp được bà giúp đỡ với tư cách là một người mẹ, người bạn, người thân. Nhiều người gọi bà là “ Người mẹ thứ hai” của con mình, là “sứ giả của trái tim”, là người đã đem đến niềm tin để họ vững vàng trong cuộc sống. Vậy mà, khi được hỏi về công việc đang làm, người phụ nữ đáng mến có trái tim đầy nhân hậu này chỉ khiêm tốn chia sẻ: “Mình không có pháp lực gì cao siêu để có thể giải quyết hết những cơ cực, đau buồn của nhân gian. Nhưng mình siêng chừng nào thì lại có thêm một vài số phận kém may mắn sẽ đỡ khổ chừng ấy. Tôi luôn tự nhủ lòng như thế để giữ cho nhịp cầu của mình luôn vững chắc và dài hơn”.

Kim Hiếu

Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/nguoi-noi-nhung-nhip-cau-post277720.html