Người nổi tiếng phải có trách nhiệm trên mạng xã hội

Để hình thành một hệ sinh thái mạng xã hội lành mạnh, văn minh, không chỉ người nổi tiếng mà các nhà quản lý cũng phải có định hướng rõ ràng khi hoạt động trên các nền tảng.

Sự việc Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục cùng một số cá nhân liên quan bị tạm giam để điều tra về hành vi bán hàng giả, lừa dối khách hàng thông qua sản phẩm kẹo rau củ Kera đã làm dậy sóng dư luận trong những ngày gần đây.

Sự việc trên không chỉ là cũng là hồi chuông cảnh báo về hiện tượng lệch chuẩn ngày càng phổ biến trong giới người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Nhiều KOL đã lợi dụng niềm tin của người hâm mộ để quảng bá cho các sản phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, đẩy người tiêu dùng vào tình thế thiệt hại cả về vật chất lẫn sức khỏe.

Đằng sau sự nổi tiếng và sự tin yêu từ công chúng, người dùng mạng xã hội dường như đang phải trả giá khi chính những thần tượng mà họ từng yêu mến lại khiến họ mất tiền, mất niềm tin, thậm chí đối diện với rủi ro sức khỏe. Điều này đặt ra nhu cầu cấp thiết phải có cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn, để sự nổi tiếng trên không gian mạng phải gắn liền với trách nhiệm thật ngoài đời sống xã hội.

Những hình ảnh của các KOL từng được tung hô, phải cúi đầu nhận lỗi tại cơ quan công an đã khiến không ít người cảm thấy thất vọng. Nhưng một lời xin lỗi muộn màng không thể khép lại vụ việc khi hành vi lợi dụng danh tiếng để quảng cáo sản phẩm kém chất lượng vẫn rõ ràng là hành vi lừa đảo, xem nhẹ sức khỏe cộng đồng và thách thức pháp luật.

Theo PGS.TS Lưu Hồng Minh, nguyên Trưởng khoa Xã hội học, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, khi một người muốn tăng uy tín bằng cách lừa dối người tiêu dùng thì sớm muộn cũng sẽ phải trả giá. Sự phát triển của truyền thông, mạng xã hội và khả năng kiểm chứng thông tin ngày càng cao khiến những hành vi sai trái khó có thể che giấu. Khi cơ quan chức năng vào cuộc, những người từng nghĩ có thể đánh bóng tên tuổi bằng chiêu trò sai trái chắc chắn sẽ không còn cơ hội xuất hiện dễ dàng như trước.

Luật Quảng cáo quy định rõ, hành vi quảng cáo sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính lên đến 80 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, mức xử phạt này vẫn chưa đủ sức răn đe, bởi thù lao mà các KOL nhận được từ những hợp đồng quảng cáo thường cao gấp nhiều lần mức phạt.

Luật sư Nguyễn Văn Hà, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội cho rằng, cần áp dụng chế tài mạnh hơn, ví dụ xử phạt dựa trên giá trị hợp đồng. Nếu hợp đồng trị giá hàng chục tỷ mà chỉ phạt vài trăm triệu thì chẳng thấm vào đâu, nhưng nếu phạt 30-50% hợp đồng, người quảng cáo sẽ phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi nhận lời.

Dù các biện pháp xử phạt có nghiêm khắc đến đâu, vấn đề cốt lõi vẫn là nâng cao tinh thần trách nhiệm của người nổi tiếng. Việc xây dựng thương hiệu cá nhân nên bắt đầu từ những giá trị thật, sự tử tế và tôn trọng cộng đồng. Giữa làn sóng KOL “nở rộ” trên mạng, những người trẻ xây dựng hình ảnh bằng sự chân thành, lan tỏa thông điệp tích cực mới thực sự đáng trân trọng.

Chị Đỗ Thu Phương, chủ kênh TikTok “Phương Thử Việc” chia sẻ rằng, bản thân luôn ý thức được trách nhiệm trong việc sử dụng hình ảnh cá nhân để truyền đi năng lượng tích cực. Cô dành thời gian lắng nghe các phản hồi, nhất là những góp ý mang tính xây dựng để ngày càng hoàn thiện bản thân và đóng góp nhiều giá trị tích cực hơn cho cộng đồng. Tuy nhiên, để hình thành một hệ sinh thái mạng xã hội lành mạnh, không chỉ người nổi tiếng mà các nhà quản lý cũng phải có định hướng rõ ràng. Việc phát triển thương hiệu cần đi đôi với mục tiêu tạo dựng không gian mạng văn minh, trong đó nội dung sáng tạo phải dựa trên sự thật chứ không phải bịa đặt hay trục lợi từ lòng tin của người khác.

Anh Nguyễn Đức Việt, Tổng Giám đốc Công ty Phát triển Nguồn nhân lực MD Việt Nam, cho biết anh luôn theo sát mọi nội dung phát sóng của các thành viên. Các bạn chỉ cần có phát ngôn sai thì không chỉ ảnh hưởng đến bạn mà còn ảnh hưởng đến công ty. Tất cả các vấn đề nếu không nằm trong chủ trương của xã hội, nhà nước, hoặc chưa rõ, hay là vấn đề đang tranh cãi thì anh đều khuyến khích các bạn không tham gia.

Sáng tạo nội dung là làm mới những gì mình đang có, không phải là bịa đặt hay lừa dối để trục lợi. Bên cạnh việc siết chặt công tác quản lý, tăng nặng chế tài xử phạt thì mạng xã hội cần có sự “thanh lọc” từ phía người dùng, chủ động ngăn chặn những cá nhân, tổ chức có hành vi lệch chuẩn, sai phạm. Nếu cái xấu ngang nhiên phát tán trên mạng thì nó cũng rất nhanh xuất hiện ngoài đời thật, ảnh hưởng đến đối tượng đầu tiên là một bộ phận không nhỏ đến các bạn trẻ.

Kim Oanh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nguoi-noi-tieng-phai-co-trach-nhiem-tren-mang-xa-hoi-320296.htm