Người nổi tiếng quảng cáo sai: Cái giá nào cho sự thiếu tỉnh táo?
Từ một Hoa hậu quốc dân cho đến YouTuber sở hữu lượng người theo dõi khổng lồ, tất cả họ đã và đang đối diện với sự phản ứng dữ dội từ dư luận vì quảng cáo.
Khi mạng xã hội trở thành một "sàn thương mại không ranh giới", những người có sức ảnh hưởng – từ nghệ sĩ, influencer ngày càng giữ vai trò quan trọng trong quyết định tiêu dùng của công chúng. Thế nhưng, đi kèm với quyền lực ảnh hưởng ấy là trách nhiệm. Và thực tế gần đây cho thấy, không ít người nổi tiếng đã "trượt chân" trên chính những bài đăng quảng cáo của mình.

Hoa hậu Thùy Tiên, Hằng Du Mục và Quang Linh Vlogs vướng vào ồn ào quảng cáo kẹo rau củ Kera khiến sự nghiệp của họ đang trên bờ vực thẳm.
Từ một Hoa hậu từng là biểu tượng truyền cảm hứng cho giới trẻ đến YouTuber với lượng người theo dõi khổng lồ, rồi cả biên tập viên – người vốn được mặc định là chuẩn mực đạo đức thông tin đều đã và đang đối diện với sự phản ứng dữ dội của dư luận chỉ vì những quảng cáo chưa đúng về công dụng thật sự của những sản phẩm mà họ giới thiệu.
Bàn về vấn đề liên tiếp người nổi tiếng, có sức ảnh hưởng trong xã hội vướng những ồn ào liên quan đến quảng cáo với SAOstar mới đây, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nhận định, câu chuyện này bắt nguồn từ sự phát triển quá nhanh và thiếu kiểm soát của thị trường quảng cáo online - nơi mà vai trò của người nổi tiếng đã chuyển từ hình mẫu truyền cảm hứng sang một công cụ thương mại hóa mạnh mẽ.
"Trong bối cảnh đó, có một khoảng trống lớn giữa việc nghệ sĩ nhận thông tin từ nhãn hàng và khả năng kiểm chứng thực tế của họ về sản phẩm. Đôi khi, vì tin tưởng đối tác truyền thông hoặc do quá trình thẩm định thiếu lớp lang, một số nghệ sĩ – dù rất có ý thức giữ gìn hình ảnh vẫn có thể rơi vào tình huống bị khai thác truyền thông theo hướng bất lợi", chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nhận định.

Sự phát triển quá nhanh và thiếu kiểm soát của thị trường quảng cáo khiến cho hoạt động này dần "biến tướng". (Ảnh minh họa)
Có một thực tế không thể phủ nhận rằng quảng cáo trên mạng xã hội hiện là một “mỏ vàng” với thu nhập lên đến hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng cho mỗi bài đăng. Điều đó khiến nhiều người nổi tiếng, đặc biệt là các influencer hoạt động độc lập dễ bị cuốn vào vòng xoáy thương mại hóa hình ảnh cá nhân.
Thêm vào đó, không phải người nổi tiếng nào cũng có ê-kíp truyền thông chuyên nghiệp để kiểm định tính hợp pháp, hợp chuẩn của sản phẩm trước khi nhận lời hợp tác. Nhiều người còn tin vào những lời hứa từ đối tác hoặc chỉ dựa vào cảm tính, sự quen biết để quyết định công việc. Đó chính là mấu chốt vấn đề, dễ khiến người nổi tiếng rơi vào vòng xoáy ồn ào.
Quan trọng hơn, sự chủ quan hoặc ngộ nhận rằng "mình là người nổi tiếng thì sản phẩm cũng đáng tin" khiến một bộ phận nghệ sĩ vô tình biến mình thành công cụ truyền thông cho hàng hóa không an toàn, thậm chí vi phạm pháp luật.
Câu hỏi lớn được đặt ra chính là trong một thị trường "đầy mùi quảng cáo" như hiện nay, ai sẽ là người chịu trách nhiệm khi công chúng bị đánh lừa?
Suy cho cùng, người nổi tiếng không thể phủi bỏ trách nhiệm, bởi chính họ là người đưa hình ảnh cá nhân ra để bảo chứng cho sản phẩm. Dù là đăng bài theo hợp đồng hay chỉ đơn thuần là "chia sẻ nhẹ nhàng", một khi đã ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng của công chúng, đó không còn là câu chuyện cá nhân.
Từ những ồn ào thời gian vừa qua, có thể thấy khoảng trống lớn nhất nằm ở đạo đức truyền thông cá nhân. Khi mỗi nghệ sĩ, influencer đều trở thành một "kênh phát ngôn" có sức lan tỏa lớn thì việc tự xây dựng quy chuẩn đạo đức cá nhân, hiểu rõ giá trị hình ảnh mình mang lại càng trở nên cấp thiết. Đáng buồn thay, không phải ai cũng nhận ra điều đó, cho đến khi "cơn sóng tẩy chay" ập đến và kéo theo không chỉ bài đăng, mà cả uy tín và sự nghiệp lâu dài của họ.
Về cách xử lý truyền thông của người nổi tiếng trong bối cảnh vướng ồn ào quảng cáo, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh cho rằng im lặng là một phản xạ phòng thủ mang tính bản năng nhưng trong truyền thông hiện đại, đặc biệt với các vấn đề liên quan đến sản phẩm tiêu dùng thì việc "biến mất" đôi khi còn tạo ra khoảng trống để tin giả và suy diễn lan rộng.
"Thay vào đó, nghệ sĩ nên có một kế hoạch phản hồi truyền thông theo ba lớp: Thứ nhất là xác minh và minh bạch quá trình hợp tác; Thứ hai là thể hiện thái độ có trách nhiệm nhưng không tự đẩy mình vào thế sai; Và cuối cùng là giữ kết nối với khán giả bằng sự chân thành, thông qua những nội dung mang tính xây dựng và đối thoại, không chỉ là lời xin lỗi hay đính chính một chiều. Với một số nghệ sĩ đã có nền tảng uy tín, tôi tin rằng một cách tiếp cận mềm mỏng nhưng bản lĩnh sẽ giúp họ vượt qua ồn ào một cách văn minh", chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nêu quan điểm về cách xử lý khủng hoảng khi người nổi tiếng vướng phải những lùm xùm không đáng có.

Chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh cho rằng, người nổi tiếng khi vướng ồn ào quảng cáo cần có sự chân thành, trách nhiệm với những gì bản thân đã gây ra.
Khi được đặt vấn đề rằng có nên "phong sát" những trường hợp người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, gây bức xúc trong dư luận thời gian qua, chuyên gia truyền thông nhận định cần rạch ròi giữa "chế tài" và "phong sát".
"Việt Nam cần một hệ thống pháp lý đủ mạnh để xử lý hành vi sai phạm của nhãn hàng và bên liên quan nếu họ thực sự cố ý lan truyền thông tin sai sự thật. Nhưng thay vì 'phong sát' – vốn mang tính cực đoan và hủy diệt sự nghiệp một cách không khoan nhượng thì nên có các quy trình xử lý minh bạch, có phân loại lỗi và mức độ trách nhiệm.
Cần tạo điều kiện để nghệ sĩ được học lại bài học, chứng minh sự thay đổi, chứ không đóng sập mọi cánh cửa. Mỗi nền văn hóa có cách xử lý khác nhau, nhưng ở Việt Nam – nơi nghệ sĩ vừa là biểu tượng cảm xúc, vừa là kênh lan tỏa giá trị xã hội thì sự khoan dung và hướng thiện cũng nên là một phần trong văn hóa ứng xử truyền thông", chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nêu quan điểm.

Dư luận cho rằng, cần có chế tài cho việc người nổi tiếng quảng cáo sai sự thật. (Ảnh minh họa)
Giữa thời đại mà ai cũng có thể trở thành người nổi tiếng chỉ sau một bài đăng viral, thì sự nổi tiếng ấy cũng trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Công chúng ngày nay không chỉ quan tâm đến ngoại hình hay tài năng, mà còn đòi hỏi sự chính trực, trách nhiệm và lựa chọn đúng đắn từ những người mà họ yêu mến.
Mỗi bài đăng quảng cáo không chỉ là hợp đồng có giá trị vài chục, vài trăm triệu đồng mà hơn hết, chúng còn là một lời cam kết với hàng triệu người đang dõi theo. Và đôi khi, một lần bất cẩn cũng đủ để "đốt cháy" cả một sự nghiệp của bất kỳ người nổi tiếng nào.