Người nông dân biến phế liệu thành dàn rối điện độc đáo

Đam mê những con rối từ nhỏ, ông Hồ Văn Thân (60 tuổi, ở phường Quỳnh Thiện, TX. Hoàng Mai, Nghệ An) đã 'biến' phế liệu thành những con rối điện độc đáo. Giàn rối điện của ông không chỉ lưu truyền nét đẹp văn hóa truyền thống còn là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân, nhất là dịp tết đến, xuân về.

Xuất thân trong một gia đình thuần nông vất vả, nhưng ngay từ nhỏ, ông Hồ Văn Thân đã có niềm đam mê xem múa rối nước và đưa ông tiếp cận với những con rối.

Ông Thân và dàn rối điện Đồng Quê (Ảnh: Cảnh Huệ)

Ông Thân và dàn rối điện Đồng Quê (Ảnh: Cảnh Huệ)

Từ những năm 1990, ông đã mày mò làm nên những con rối bằng thủ công đơn thuần, sau đó ông tìm đến các điểm thu mua phế liệu để mua mô tơ điện cũ, gỗ và các vật dụng cần thiết về làm khung, các nhạc cụ, rồi tạo hình các nhân vật. Đến nay, ông Thân đã có sản phẩm số điện đầu tiên có thể nhảy múa theo điệu nhạc mà không cần người điều khiển.

“Ban đầu, tôi làm 4-5 tiết mục về diễn các ngày lễ, hội, nhiều người coi thấy hay nên từ đó tôi làm nhiều hơn”, ông Thân chia sẻ.

Những sản phẩm của ông Thân không chỉ được trình diễn tại các lễ hội của địa phương, mà còn được đem đi biểu diễn, giao lưu ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước như Huế, Nam Định, Bắc Ninh. Từ hình ảnh những cô gái Thái với điệu múa xòe, chàng trai Mông thổi Khèn ngày hội, cô gái Tây Nguyên đánh đàn T'rưng, các chị, các mẹ tay múa, đong gạo, nhảy sạp, hát Then, người nông dân đi cày, với những giai điệu nhạc thể hiện bản sắc văn hóa của các vùng miền…

Cô giáo Trần Thị Sâm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, cho biết: “Nghệ nhân đó là bác Thân, bác đã tự công mày mò, tìm tòi những nguyên vật liệu, để sáng chế ra con rối”.

“Ông đã có nhiều mô hình rối, trong đó có những mô hình đặc sắc mang đậm bản sắc văn hóa dân gian. Môn nghệ thuật này giúp bà con tìm hiểu sâu sắc hơn về truyền thống dân gian ngày xưa”, ông Hồ Văn Bình, Phó Chủ tịch phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai nói.

Sau hơn 30 năm mày mò, đam mê, ông Thân đã cho ra đời khoảng 200 con rối, sở hữu đến 15 dàn rối điện, với hàng trăm nhân vật, phục vụ cho khán giả ở các lứa tuổi khác nhau. Những tác phẩm của ông được người dân yêu mến và gọi ông là nghệ nhân múa rối đồng quê.

Ngoài việc bỏ công, bỏ tiền, để làm các con rối, giàn rối điện, ông Thân còn mua sắm các thiết bị loa đài, âm thanh, ánh sáng, để đưa các giàn rối này đi diễn phục vụ miễn phí cho bà con trong và ngoài xã vào các dịp lễ, dịp Tết. Người nông dân bình dị này luôn mong muốn lan tỏa, giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về những giá trị văn hóa của dân tộc.

Sỹ Đức/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nguoi-nong-dan-bien-phe-lieu-thanh-dan-roi-dien-doc-dao-post1076751.vov