Người nông dân cần chủ động tham gia vào chuyển đổi số nông nghiệp
Tham gia chuyển đổi số trong nông nghiệp là cơ hội để thay đổi mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả. Đồng thời, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của người nông dân. Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo chuyên đề 'Hội Nông dân Quảng Ninh tham gia xây dựng nông thôn mới' giai đoạn 2024-2028.
Sau hơn 13 năm thực hiện chương trình Nông thôn mới gắn với các mục tiêu quốc gia, tỉnh Quảng Ninh đã có 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong đó phần lớn là các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 28/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tất cả các địa phương của Quảng Ninh đạt và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới trong đó, huyện Tiên Yên và Đầm Hà đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đầu tiên của cả nước.
Kết quả nổi bật nhất là Quảng Ninh đã hoàn thành Chương trình 135, không còn xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 73,43 triệu đồng/người/năm. Góp phần vào kết quả này, hội Nông dân Quảng Ninh đã thực hiện tốt vai trò cầu nối, tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện các đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đáng chú ý, Hội nông dân Quảng Ninh là địa chỉ tin cậy, tín chấp cho 1.234 hội viên vay với tổng nguồn vốn trên 2.200 tỷ đồng để phát triển sản xuất.
Ông Trần Văn Thụ, Chủ tịch HĐND xã Húc Động, huyện Bình Liêu cho biết: "Xã Húc Động đặc biệt khó khăn được tiếp cận với các nguồn vốn vay từ các quỹ hỗ trợ nhất là quỹ hỗ trợ của người nông dân của tỉnh và huyện. Tổng hiện nay, tín chấp từ ngân hàng chính sách của xã là trên 20 tỷ và các nguồn hỗ trợ là gần 2 tỷ để tham gia các mô hình trồng, chế biến miếng dong, chăn nuôi dê và bò mang lại hiệu quả kinh tế rất cao".
Bước vào giai đoạn mới để nâng cao chất lượng đời sống người nông dân sinh sống ở vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, biên giới, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới bền vững, có 70% sô xã đạt chuân nông thôn mới nâng cao và ít nhất 40% số xã đạt chuân nông thôn mới kiêu mẫu, 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thu nhập của người dân khu vực nông thôn bằng 3 lần so với năm 2020. Để đạt được kết quả này,
Tiến sỹ Nguyễn Khắc Toàn, Hiệu trưởng Trường cán bộ Hội Nông dân Việt Nam cho biết người nông dân ở Quảng Ninh cần tham gia mạnh mẽ và có dấu ấn hơn nữa trong thời kỳ kỷ nguyên số, nhất là khi nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số quốc gia: "Rào cản lớn nhất của nông dân là về nhận thức, chậm trong chuyển. Nông dân chưa cho rằng chuyển đổi số là vấn đề cần thiết, là cơ hội cho sự phát triển của tổ chức, cá nhân và cả lĩnh vực, đất nước. Mặc dù nông nghiệp là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên trong chuyển đổi số quốc gia với 3 trụ cột. Bài toán đặt ra là phải tổ chức lại nền nông nghiệp thì vai trò rất cao của Hội nông dân với tư cách là tổ chức đoàn thể, là lực lượng tác động trực tiếp tới nông dân, chủ thể trong nông nghiệp, nông thôn".
Để thích ứng với chuyển đổi số, việc tập huấn, nâng cao kỹ năng số cho người nông dân là yêu cầu cấp thiết và trước mắt cần tập trung nguồn lực để tào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác hội ở các cấp. Người nông dân cũng cần chủ động học hỏi về công nghệ số, dần tiếp cận với các kỹ thuật hiện đại, đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại và từng bước tham gia có dấu ấn vào chuyển đổi số nông nghiệp.