Người nông dân cần thận trọng khi giá thu mua hồ tiêu tăng cao

Hiện là thời điểm nông dân tỉnh Đắk Lắk bước vào vụ thu hoạch tiêu năm 2021. Từ đầu tháng 3/2021 giá hồ tiêu tại Đắk Lắk có xu hướng tăng cao từ 56.000 đồng đến 74.000-80.000 đồng/kg.

Nông dân tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thu hoạch tiêu. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Nông dân tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk thu hoạch tiêu. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Sau nhiều năm giá tiêu “chạm đáy,” kèm theo dịch bệnh, thiên tai khiến người trồng tiêu tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn thì đến đầu năm 2021 giá tiêu đang có xu hướng tăng cao.

Điều này đem lại sự phấn khởi và kỳ vọng về loại nông sản từng được ví như “vàng đen” sẽ duy trì giá trị và đem lại lợi ích kinh tế cao hơn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, ngay trong thời điểm tiêu tăng giá, người dân và nhà đầu tư cũng cần theo dõi sát biến động của giá tiêu để tránh những rủi ro khi thị trường bất ổn.

Nông dân phấn khởi

Hiện là thời điểm nông dân tỉnh Đắk Lắk bước vào vụ thu hoạch tiêu năm 2021, từ đầu tháng 3/2021 giá hồ tiêu tại Đắk Lắk có xu hướng tăng cao từ 56.000 đồng đến 74.000-80.000 đồng/kg.

Giá tiêu tăng cao sau nhiều năm liên tục “lao dốc” đã đem lại sự hào hứng, phấn khởi cho người trồng tiêu sau nhiều năm “trầm lắng.”

Anh Nguyễn An Thạnh, thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin vui mừng chia sẻ gia đình anh hiện có 1,5ha hồ tiêu đang cho thu hoạch, dự kiến vụ tiêu 2021 sẽ thu được khoảng 10 tấn tiêu, chi phí sản xuất cho mỗi ha hồ tiêu khoảng 150 triệu/ha.

Nếu bán ra với mức giá hiện tại từ 75.000-80.000 đồng/kg thì vụ tiêu cũng đem lại khoản lợi nhuận khá cho người trồng.

Hiện gia đình đã thu hoạch được 10% vụ tiêu năm 2021 nhưng chưa bán ra thị trường. Ngoài ra, cũng còn một lượng tiêu tích trữ của vụ trước, hy vọng trong thời gian tới giá tiêu sẽ tăng cao hơn sẽ bán ra thị trường.

Theo anh Thạnh, từ năm 2017 đến nay, giá hồ tiêu liên tục giảm sâu, có thời điểm chỉ còn 30.000 đồng/kg khiến người trồng tiêu rơi vào khó khăn khi phải tái đầu tư chăm sóc, duy trì sản xuất cho năm sau.

Đến đầu năm 2021, giá tiêu có xu hướng tăng là tín hiệu vui cho người trồng tiêu, vì vậy không riêng gì gia đình anh mà bà con nhân dân của vùng hồ tiêu huyện Cư Kuin cũng rất phấn khởi và kỳ vọng vào một vụ tiêu được mùa, được giá để bù đắp vào khó khăn của các năm trước.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư Kuin Y Tong Bkrông cho biết huyện Cư Kuin là "thủ phủ" hồ tiêu của tỉnh Đắk Lắk với diện tích trên 4.500ha hồ tiêu. Đây là cây trồng chủ lực và đem lại nguồn lợi kinh tế chủ yếu cho nhân dân địa phương.

Do đó, giá hồ tiêu có xu hướng tăng cao trong thời gian qua đã tạo không khí phấn khởi trong lao động sản xuất của nhân dân trên địa bàn. Nếu giá tiêu duy trì ở mức giá từ 70.000-80.000 đồng/kg như hiện nay thì người trồng sẽ thu được lợi nhuận tốt hơn các năm trước đây để tái đầu tư sản xuất và phát triển kinh tế.

Giá tiêu tăng nóng trở lại khiến người dân vui mừng, phấn khởi. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Giá tiêu tăng nóng trở lại khiến người dân vui mừng, phấn khởi. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Theo ông Y Tong Bkrông, thời điểm giá tiêu tăng trùng với thời điểm thu hoạch đầu vụ, nhiều nông dân vẫn chưa bán ra thị trường với hy vọng giá tiêu sẽ tăng trong thời gian tới. Những gia đình kinh tế ổn định cũng tích trữ lượng tiêu nhất định để “chờ giá” với kỳ vọng giá tiêu sẽ tăng cao hơn trong thời gian tới.

Về phía địa phương, trong những năm qua mặc dù hồ tiêu mất giá nhưng vẫn đẩy mạnh tuyên truyền đến nông dân duy trì, chăm sóc diện tích hồ tiêu hiện có và không mở rộng thêm diện tích để tránh tình trạng cung vượt cầu dẫn đến hồ tiêu xuống giá.

Tuy nhiên, theo nhận định của các cơ quan chuyên môn, giá tiêu chỉ tăng ở vùng nguyên liệu, còn đối với thị trường xuất khẩu thì giá tiêu vẫn chưa tăng tương ứng. Do đó thị trường giá tiêu trong thời gian tới dự báo còn tiềm ẩn rủi ro.

Cần thận trọng

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, thị trường hồ tiêu đầu năm 2021 có sự biến động bất thường về giá ngay trong thời gian thu hoạch niên vụ 2021.

Trong vòng 10 ngày từ 3-13/3 giá hồ tiêu tăng từ 56.000 đồng đến 74.000-75.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá hồ tiêu tăng cao trong khi giá xuất khẩu chưa tăng tương ứng.

Giá hồ tiêu tăng nhanh bất thường có các nguyên nhân khách quan như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu 2020, sản lượng của các nước sản xuất hồ tiêu trên thế giới đều giảm; trong đó có Việt Nam.

Vì vậy, nhu cầu tiêu thụ và chế biến hồ tiêu trên các thị trường châu Mỹ, châu Âu, châu Á đều có chiều hướng tăng nhưng mức tăng chưa cao tương ứng so với giá nguyên liệu tại thị trường Việt Nam hiện tại.

Ngoài các yếu tố khách quan trên thì có yếu tố bị chi phối bởi các nhà đầu cơ nội địa, gom và trữ hàng.

Ông Lê Đức Huy, Phó Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến giá tiêu tăng trong thời gian qua là do sản lượng hồ tiêu của năm nay giảm hơn so với các năm trước. Trên thị trường có hiện tượng “đầu cơ” dẫn đến giá vùng nguyên liệu cao hơn giá xuất khẩu.

Việc tích trữ lượng lớn hồ tiêu sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thị trường giá tiêu chưa ổn định. Điều này cũng dẫn đến tình trạng các đại lý thu mua không mua được nguồn hàng để giao cho nhà xuất khẩu và nhà xuất khẩu cũng khó giao hàng cho đơn vị tiêu thụ cuối cùng, nguồn tiền đổ về cho toàn ngành hàng cũng bị hạn chế. Do đó, nông dân và nhà đầu tư cần thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng trong việc tích trữ hồ tiêu.

Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong thời gian qua nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu để chế biến thực phẩm và làm nguyên liệu tạo sản phẩm của các ngành công nghiệp khác có tăng khi dịch COVID-19 trên toàn cầu dần được kiểm soát kết hợp với nguồn cung ứng của các nước sản xuất giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Đây cũng là động lực để giá hồ tiêu tăng trong thời gian tới nhưng cũng không thể tăng bất thường và “nóng” như giá hồ tiêu nguyên liệu ở Việt Nam tại thời điểm hiện nay.

Bên cạnh đó, hiện mùa vụ thu hoạch hồ tiêu vụ năm 2021 chỉ mới đạt bình quân cả nước trên dưới 40%. Khả năng đến cuối tháng 4/2021 mùa vụ mới cơ bản thu hoạch xong. Do đó, việc đầu cơ, thu gom, trữ hồ tiêu trong thời điểm hiện tại luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu giá xuống.

Vì vậy, các nhà đầu tư cần tính toán thị trường một cách hợp lý. Đặc biệt, đối với người nông dân, cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm, hiệu quả, không vì giá tăng cao mà thu hoạch hái xanh, vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống.

Ngoài ra, trong thời điểm tiêu tăng giá này thì bài học về việc mở rộng diện tích hồ tiêu “ồ ạt” trong những năm trước vẫn còn nguyên giá trị. Khi giá hồ tiêu thế giới tăng cao trong giai đoạn 2013-2014, nhiều vùng nguyên liệu đã “bất chấp” khuyến cáo để mở rộng diện tích, tạo nguồn cung toàn cầu quá lớn so với nhu cầu tiêu thụ nên giai đoạn từ 2017 đến nay giá hồ tiêu liên tục xuống.

Do đó, trong thời điểm giá hồ tiêu tăng bất thường như hiện nay, người nông dân không vì giá tăng mà mở rộng diện tích trồng hồ tiêu như những năm 2013-2014.

Đặc biệt, không trồng hồ tiêu ở những diện tích có điều kiện thổ nhưỡng khí hậu không thích hợp. Những vườn tiêu tái canh cần tuân thủ quy trình sản xuất, phát triển bền vững đã được cơ quan khuyến nông các địa phương triển khai.

Theo thống kê, năm 2020, diện tích hồ tiêu của tỉnh Đắk Lắk là 33.064ha, diện tích cho thu hoạch là 27.816ha, năng suất trên diện tích cho sản phẩm là 27,67 tạ/ha, sản lượng thu hoạch 76.956 tấn./.

Tuấn Anh (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/nguoi-nong-dan-can-than-trong-khi-gia-thu-mua-ho-tieu-tang-cao/701110.vnp