Người nông dân đang sử dụng 'ngân hàng số' như thế nào?
Chuyển đổi số ngân hàng mang dịch vụ đến với người nông dân - đó là khẳng định của ông Phạm Anh Tuấn, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại hội thảo Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân tổ chức ngày 13-10 ở Hà Nội
Theo Vụ Trưởng Phạm Anh Tuấn, Ngân hàng Nhà nước phấn đấu đến 2025 có 50% người dân sử dụng dịch vụ trên môi trường điện tử, 50% quyết định cho vay nhỏ lẻ. Việc này, liên quan tới hỗ trợ phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, nông thôn...
"Phấn đấu đến 2030 đạt con số 75%. Với chỉ tiêu trên, chúng tôi hướng đến cung cấp các dịch vụ, sản phẩm số đến người dân, đặc biệt, người nông dân ở vùng sâu, vùng xa. Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai nhiều nội dung để đảm bảo các hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán để triển khai cung cẩp dịch vụ tới người dân"- ông Tuấn khẳng định.
Cũng theo Vụ Trưởng Vụ Thanh toán, đến nay đã có gần 5,2 triệu tài khoản Mobile Money được mở, trong đó gần 3,6 triệu tài khoản được đăng ký và sử dụng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Hơn 41,8 triệu giao dịch qua tài khoản Mobile Money với gần 2.200 tỉ đồng giá trị giao dịch.
Bên cạnh đó, đã triển khai trên 92.000 điểm giao dịch, trong đó số điểm ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chiếm trên 62%. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ đạt 13,9 triệu; số lượng giao dịch đạt 25,63 triệu với giá trị đạt hơn 183.000 tỉ đồng. Đồng thời, trên ứng dụng mobile banking cho phép người nông dân đăng ký, sử dụng các dịch vụ ngân hàng (tiền gửi, thanh toán, vay,..) không cần đến phòng giao dịch, chi nhánh. Ngoài ra, đã có 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC và 27 triệu tài khoản mở bằng eKYC (đến tháng 6-2023). Nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại (thẻ ngân hàng, QR code, Ví điện tử,..) được triển khai, cung ứng...
Các tổ chức tín dụng đã đặt máy giao dịch ngân hàng tự động (STM) tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, phòng giao dịch tài chính cộng đồng vùng sâu, vùng xa; trung tâm giao dịch 24 giờ tại các trạm xăng; mô hình Autobank.
Đối với việc bảo mật thông tin, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường công tác quản lý rủi ro, đảm bảo an ninh, an toàn và đẩy mạnh áp dụng các biện pháp hạn chế việc mở, sử dụng tài khoản thanh toán cho mục đích gian lận, lừa đảo.
Thời gian tới, ông Tuấn cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý; tiếp tục phối hợp với Bộ Công an trong việc ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, xác thực trực tuyến, cung ứng dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là đơn giản quy trình cho vay trên cơ sở giải pháp đánh giá khả tín khách hàng, tiếp tục nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số...
Chia sẻ trực tuyến với hội thảo, nông dân Việt Nam xuất sắc Đặng Dương Minh Hoàng (Bình Phước), du học sinh ở Pháp, đi làm nông nghiệp mở hợp tác xã dịch vụ số, thương hiệu bơ ông Hoàng, cho biết anh đang sử dụng những dịch vụ tài chính của nhóm ngân hàng Big4: Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank. Đây cũng là các ngân hàng có đầu tư nhiều cho công nghệ số, chuyển đổi số. Hiện anh sử dụng các app ứng dụng VCB Digibank (của Vietcombank); BIDV có BIDV Smartbanking; Agribank E-Mobile Banking của Agribank; VietinBank iPay là ứng dụng ngân hàng số của VietinBank.
"Sản phẩm số tiết kiệm thời gian, không phải đi lại, giao dịch an toàn chính xác (không rủi ro như việc cầm tiền mặt đi giao dịch). Chúng tôi có thể thanh toán bằng các hình thức như chuyển khoản, quét mã QR,… 24/7 mà không phải đi ra quầy giao dịch; cũng như có dịch vụ chuyển tiền với hạn mức lớn.
Chúng tôi chủ động giao dịch với các đối tác ngay tại cơ sở sản xuất, bởi trước đây khi chưa có các ứng dụng ngân hàng số, phải trực tiếp ra quầy thực hiện chuyển tiền thanh toán cho khách hàng, nhưng nếu vướng vào ngày nghỉ, ngày lễ các công việc thanh toán cũng bị ngưng lại, ảnh hưởng đến tiến độ của đơn hàng. Tiết kiệm chi phí: Gần như là miễn phí khi sử dụng trên app ngân hàng số; trong khi rút tiền để xài bị thu phí"- anh Hoàng chia sẻ.
Sắp ra mắt App nông dân
Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết những năm qua, Hội đã tích cực hỗ trợ nông dân tham gia vào chuyển đổi số thông qua tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.
Đồng thời, Hội Nông dân Việt Nam đã kết nối với các chuyên trang về chuyển đổi số, kinh tế số trên Cổng thông tin, Fanpage của các cấp hội, phối hợp với các bộ ngành, xây dựng app nông dân, tích hợp tiện ích để hỗ trợ cho nông dân như xây dựng bài giảng mẫu, video thuyết trình, phổ biến kỹ năng số cơ bản cho nông dân bao gồm: như truy cập internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh...
App nông dân dự kiến sẽ ra mắt ngày 15-12 sẽ chính thức ra mắt để hỗ trợ tốt nhất cho người dân.
Hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chủ trì và giao cho Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt điện tử trực tiếp thực hiện.
Với sự tham dự của đông đảo đại diện các ban, bộ, ngành; các ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ hàng đầu; các chuyên gia, nhà khoa học, nông dân xuất sắc, hợp tác xã tiêu biểu..., hội thảo tập trung vào 2 chủ đề chính: Chuyển đổi số tài chính, ngân hàng: Những kết quả đáng khích lệ; Tháo gỡ những vướng mắc trong chuyển đổi số tài chính, ngân hàng.