Người nông dân làm giàu từ mô hình kinh tế tổng hợpTin khácNgành dân số Lạng Sơn: 60 năm xây dựng và phát triểnĐội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - lực lượng tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Những năm qua, nhờ triển khai sâu rộng và hiệu quả phong trào 'Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi', trên địa bàn thị trấn Bắc Sơn đã xuất hiện nhiều hội viên nông dân năng động, sáng tạo, vươn lên làm giàu. Trong đó, phải kể tới ông Vũ Đình Mạnh, sinh năm 1969, thôn Vĩnh Thuận, thị trấn Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn.

Ông Mạnh sinh ra trong gia đình thuần nông ở thị trấn Bắc Sơn, trước đây, kinh tế gia đình ông chủ yếu dựa vào trồng lúa, các loại hoa màu, thu nhập bấp bênh. Do đó, ông luôn trăn trở với việc “nuôi con gì và trồng cây gì” để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ông Vũ Đình Mạnh ủ cơm rượu, sau khoảng 1 tháng, cơm lên men sẽ đem chưng cất rượu

Ông Vũ Đình Mạnh ủ cơm rượu, sau khoảng 1 tháng, cơm lên men sẽ đem chưng cất rượu

Với bản tính cần cù, chịu khó, năm 2012, ông bắt tay vào thực hiện mô hình chăn nuôi lợn rừng. Ban đầu, ông chỉ nuôi 1 con nái và 4 con lợn thịt, bước đầu thấy hiệu quả kinh tế, ông từng bước tăng đàn. Hiện nay, trung bình mỗi năm, ông xuất bán từ 50 đến 60 con lợn, thị trường tiêu thụ ổn định, thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Ông Mạnh cho biết: Để nuôi lợn an toàn và hạn chế dịch bệnh, tôi đã thực hiện chăn nuôi theo hướng khép kín. Theo đó, tôi đã đầu tư mua lợn nái và tự chủ được con giống. Ngoài ra, tôi trồng thêm gần 7 sào ngô và kết hợp nấu rượu lấy bỗng làm thức ăn chăn nuôi. Nhờ chăn nuôi khép kín, hai năm qua, đàn lợn phát triển tốt, không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi.

Không dừng lại ở đó, cũng từ năm 2012, ông đã tìm hiểu và áp dụng hình thức chăn nuôi nhốt chuồng vỗ béo gia súc. Tận dụng đất vườn rộng, ông trồng 1 mẫu cỏ voi làm nguồn thức ăn cho trâu, bò. Vào mùa khô, cỏ voi không phát triển, ông đã tự ủ thức ăn bằng men, ngô, cám để dự trữ. Nhờ đó, trung bình mỗi năm, ông nuôi và xuất bán được 2 lứa, mỗi lứa từ 5 đến 7 con trâu, bò, lãi trung bình 1 triệu đồng/con/tháng.

Bên cạnh việc phát triển mô hình chăn nuôi, ông Mạnh còn đầu tư mua sắm máy móc thiết bị như máy nấu cơm điện, điều hòa để sản xuất rượu men lá nhằm tăng thu nhập và lấy bỗng để nuôi lợn. Trung bình mỗi tháng, gia đình ông nấu và xuất ra thị trường khoảng 2.000 lít rượu.

Nhờ phát triển kinh tế hiệu quả từ mô hình tổng hợp trên, từ năm 2016 đến nay, gia đình ông thu nhập từ 300 đến 350 triệu đồng/năm. Chia sẻ về kinh nghiệm sản xuất, ông Mạnh cho biết: Trước khi thực hiện một mô hình, cần phải xác định trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp với khả năng của gia đình và điều kiện tự nhiên ở địa phương. Đặc biệt, để xây dựng và phát triển kinh tế từ mô hình nông nghiệp rất vất vả, rủi ro cao nên cần kiên trì, chịu khó tìm tòi, học hỏi các kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch bệnh để áp dụng vào thực tiễn; thường xuyên cập nhật tin tức về giá cả thị trường để tăng đàn hợp lý và không ngừng tìm kiếm, tạo mối mở rộng thị trường tiêu thụ.

Ông Đỗ Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Bắc Sơn cho biết: Với bản tính cần cù, chịu khó, sáng tạo, ông Vũ Đình Mạnh đã xây dựng và phát triển mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao, xứng đáng là hội viên nông dân tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của huyện. Không chỉ làm giàu cho bản thân, nhiều năm qua, ông luôn tích cực tham gia các hoạt động do hội nông dân tổ chức, tận tình hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho người dân khác khi có nhu cầu.

Với những nỗ lực và đóng góp đó, tháng 10/2021, ông vinh dự được nhận bằng khen của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh vì đã có thành thích xuất sắc trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016 – 2021.

HỒ DUNG

TRIỆU THÀNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/nguoi-tot-viec-tot-2/471422-nguoi-nong-dan-lam-giau-tu-mo-hinh-kinh-te-tong-hop-2.html