Người nông dân trở thành tỷ phú nhờ nuôi cá nước lạnh

Gia đình ông Chảo Duần Mình tại thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa sau nhiều năm cố gắng nỗ lực gắn bó với nghề nuôi cá nước lạnh đã vươn lên làm giàu chính đáng và trở thành tấm gương sáng trong cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa.

Gắn bó với nghề nuôi cá nước lạnh đã 10 năm, giờ đây tài sản của gia đình ông Chảo Duần Mình là những bể nuôi cá nước lạnh được xây dựng bài bản, kiên cố. Thời gian trước khi nuôi cá nước lạnh, gia đình ông Mình và các hộ gia đình khác sinh sống trên địa bàn thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn đều rất khó khăn khi chỉ trông chờ vào một vụ lúa duy nhất trong năm và trồng ngô nhỏ lẻ.

Từ năm 2014, khi mô hình nuôi cá nước lạnh được đưa vào nuôi thử nghiệm thành công trên địa bàn xã Bản Khoang cũ, gia đình ông Chảo Duần Mình đã mạnh dạn đầu tư xây 2 bể cá, với diện tích khoảng 80m2/bể để nuôi cá hồi, cá tầm.

Ông Chảo Duần Mình, thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa bên cá tầm đã đến thời kỳ xuất bán của gia đình.

Ông Chảo Duần Mình, thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa bên cá tầm đã đến thời kỳ xuất bán của gia đình.

Vừa nuôi cá, ông Mình cùng các thành viên trong gia đình vừa học hỏi kinh nghiệm chăm sóc từ những hộ đã nuôi trước; đồng thời tích lũy thêm nguồn vốn từ nuôi cá hàng năm và vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Sa Pa để đầu tư thêm bể cá và mở rộng quy mô nuôi.

Nhờ những cách làm hay, sáng tạo, khát khao vươn lên thoát nghèo, xây dựng kinh tế gia đình ngay trên quê hương và không phải đi làm ăn xa, đến nay sau 10 năm gia đình ông Chảo Duần Mình đã có hơn 10 bể nuôi cá hồi, cá tầm, với quy mô hơn 15.000 con.

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, gia đình ông Mình đã xuất bán ra thị trường 7 tấn cá tầm, cá hồi, với mức giá dao động từ 150.000-200.000 đồng/kg, thu về hơn 1 tỷ đồng. Ông Chảo Duần Mình, thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn tâm sự: “Nuôi cá hồi, cá tầm đã giúp gia đình tôi phát triển kinh tế gia đình, lo cho các con được đi học, kinh tế ngày càng phát triển. Khi có kinh nghiệm nuôi cá rồi, tôi cũng chia sẻ cho bà con để cùng nhau phát triển kinh tế, không phải đi làm ăn xa nữa…”.

 Ông Chảo Duần Mình chăm sóc đàn cá nước lạnh.

Ông Chảo Duần Mình chăm sóc đàn cá nước lạnh.

Cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất và đúc kết những kinh nghiệm hay, sáng tạo, giờ đây gia đình ông Chảo Duần Mình đã trở thành tấm gương sáng về phát triển kinh tế tại xã Ngũ Chỉ Sơn. Theo ông Mình, để có cá cung cấp ra thị trường quanh năm, ông Mình nuôi theo hình thức gối vụ. Bên cạnh đó, để cá sinh trưởng và phát triển tốt thì cần phải chịu khó, theo dõi thời gian sinh trưởng của cá để kịp thời phát hiện các loại bệnh trên cá hồi, cá tầm, có biện pháp điều trị kịp thời. Đặc biệt, ông Mình còn thuê 2 nhân viên kỹ thuật, có kinh nghiệm, chuyên môn trong việc nuôi cá ở các tỉnh miền xuôi lên để trực tiếp chăm sóc, nuôi cá tại các trại cá. Đồng thời, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 3 lao động là người dân tại thôn Can Hồ B với mức thu nhập 7 triệu đồng/người/tháng.

Chị Chảo Tả Mẩy, thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa cho biết: “Từ khi được chú Mình hướng dẫn về nuôi cá nước lạnh, gia đình tôi đã phát triển nuôi cá tầm, cá hồi hết sức thuận lợi, gia đình đã bớt khó khăn hơn, bà con nhân dân trong thôn cùng đoàn kết, chia sẻ giúp đỡ nhau để phát triển kinh tế, vì vậy mà cuộc sống của bà con trong thôn ngày một no ấm hơn đã mua được xe máy, tivi, tủ lạnh… có những gia đình đã mua được ô tô”.

Ngoài nuôi cá hồi, cá tầm thương phẩm để xuất bán ra thị trường trong và ngoài tỉnh, gia đình ông Chảo Duần Mình còn đầu tư trang thiết bị, áp dụng công nghệ hiện đại, như bể, bình oxy..., với tổng số vốn khoảng 1 tỷ đồng vào nuôi ương cá tầm giống. Cách làm này vừa tạo nguồn giống cho các bể của gia đình, vừa cung cấp cá giống cho bà con địa phương cùng phát triển chăn nuôi cá nước lạnh, không phải đi xa để tìm mua cá giống. Bên cạnh đó, để có nguồn thức ăn cho cá tầm giống, ông Mình đã đặt mua giun quế về nuôi cho cá tầm giống sinh trưởng, lớn nhanh hơn.

Ông Chảo Duần Mình (áo cộc tay, bên phải) chia sẻ kinh nghiệm nhân giống cá nước lạnh.

Ông Chảo Duần Mình (áo cộc tay, bên phải) chia sẻ kinh nghiệm nhân giống cá nước lạnh.

Những cách làm hay, sáng tạo và không ngừng nỗ lực, giờ đây mô hình phát triển kinh tế của gia đình ông Chảo Duần Mình đã trở thành tấm gương sáng để bà con nhân dân trong xã Ngũ Chỉ sơn học tập và noi theo. Anh Chảo Láo Tả, thôn Can Hồ B, xã Ngũ Chỉ sơn và ông Sùng A Lử, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ngũ Chỉ Sơn cho biết: “Gia đình ông Chảo Duần Mình tại thôn Can Hồ B chính là tấm gương sáng để bà con nhân dân cùng noi theo trong phát triển kinh tế, ông Mình cùng gia đình đã có những đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nghề nuôi cá nước lạnh tại thị xã Sa Pa và cùng với xã Ngũ Chỉ Sơn xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”.

Với quyết tâm đẩy lùi cái đói, cái nghèo và làm giàu từ những điều kiện tự nhiên sẵn có tại quê hương Ngũ Chỉ Sơn, ông Chảo Duần Mình đã đượcbình xét là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh vào năm 2023 và trở thành tấm gương sáng trong phát triển kinh tế gia đình tại thị xã Sa Pa, cùng chung tay với cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước thắp sáng bản làng người Mông, người Dao tại vùng đất có tiềm năng về nuôi cá nước lạnh nhất trên địa bàn thị xã Sa Pa.

Bài, ảnh: PHẠM QUỲNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nguoi-nong-dan-tro-thanh-ty-phu-nho-nuoi-ca-nuoc-lanh-785942