Người nông dân xuất sắc

Dù đôi chân không lành lặn, song với khát khao lập nghiệp trên vùng đất mới, Nguyễn Trọng Duy khăn gói rời quê vào Tây Nguyên.

Ở miền đất đầy nắng gió, anh phải nỗ lực gấp nhiều lần người thường để viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường, vươn lên làm giàu, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen...

Tật nguyền nuôi ước mơ

Với dáng người nhỏ nhắn, nhìn Nguyễn Trọng Duy (44 tuổi, thôn 2, xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắc Nông) lọt thỏm giữa phòng khách của ngôi nhà hai tầng bề thế. Tranh thủ thời gian nghỉ trưa, anh đảo mẻ cà phê phơi trước sân. Bước đi thoăn thoắt theo nhịp điệu đôi bàn tay, nếu không để ý, khó nhận ra anh bị khiếm khuyết đôi chân. “Phơi cho xong mẻ này để có chỗ phơi tiếp những mẻ khác. Nhà tôi có 4,5ha cà phê xen hồ tiêu, sầu riêng, chưa kể diện tích trồng khoai lang, vú sữa, hoa lay ơn..., cộng lại hơn 10ha đất. Công việc quanh năm, vợ chồng cứ túc tắc làm hết vườn này rồi sang rẫy kia. Đến mùa thu hoạch, tôi mới thuê thêm người làm cho nhanh, chứ làm nông mà khoán hết việc sẽ không còn lời bao nhiêu!”, anh Duy mở đầu câu chuyện làm ăn với chúng tôi như vậy.

Nắn nhẹ đôi bàn chân chai sần, Nguyễn Trọng Duy cho biết, từ khi sinh ra, các ngón chân đã chồng chéo lên nhau rồi co quắp lại, rất khó di chuyển. Tuy nhiên, anh đi mãi thành quen, chỉ ngày trái gió trở trời, đôi chân mới đau mỏi, còn lại, ai làm việc gì, anh cũng làm được hết, dù không nhanh bằng. “Được trời thương nên tôi không bị ốm đau bệnh tật, có đủ sức khỏe lo cho vợ con. Đôi chân tôi yếu hơn người bình thường nên phải cố gắng gấp đôi. Một ngày họ cuốc được sào đất, tôi chậm hơn thì làm từ sáng đến khuya rồi cũng xong!”, anh Duy ví von cách vượt qua hoàn cảnh của mình.

Vườn vú sữa bơ hồng do Nguyễn Trọng Duy tiên phong thử nghiệm.

Vườn vú sữa bơ hồng do Nguyễn Trọng Duy tiên phong thử nghiệm.

Chia sẻ với chúng tôi cơ duyên vào Đắc Nông lập nghiệp, Nguyễn Trọng Duy cho biết, trước đây anh ở quê cũ (Hải Dương) đất chật người đông, lại không có nhà máy, xí nghiệp nên làm mãi vẫn túng quẫn, nghe người quen bảo vùng Tây Nguyên màu mỡ, "đất rộng, người thưa", năm 1998, anh khăn gói vào Đắc Nông lập nghiệp. Trên miền đất mới, Nguyễn Trọng Duy nên duyên cùng người bạn đời là đồng hương.

Ba đứa con lành lặn “đủ nếp đủ tẻ” lần lượt ra đời. Hạnh phúc đi kèm với nỗi lo cơm áo, gạo tiền, vợ chồng anh quyết định dời nhà từ xã Đắk Búk So sang xã Quảng Tâm để mua được nhiều đất canh tác hơn. Khu vực này thưa người nhưng bù lại đất màu mỡ, trồng cây gì cũng tốt. Thời điểm ấy, khoai lang đang được giá, anh dốc hết vốn đầu tư. Quả thật “khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen”, khoai lang lớn nhanh từng ngày, nhưng anh luôn thấp thỏm vì bị đàn trâu, bò thả rông tấn công.

Để giải quyết vấn đề trâu, bò ăn phá ruộng nương, Nguyễn Trọng Duy đứng ra vận động bà con trong làng cùng nhau làm hàng rào, tổ chức tuần tra xua đuổi đàn gia súc thả rông. Từ đó, ruộng khoai, rẫy bắp mới cho thu hoạch... Tích tiểu thành đại, đến thời điểm này, anh sở hữu được hàng chục héc-ta đất. Ngoài trồng khoai lang, anh chuyển hướng trồng cà phê, hồ tiêu cho thu nhập ổn định.

Những năm 2016-2017 được xem là thời kỳ hoàng kim của hồ tiêu. Loại “vàng đen” này vừa được mùa vừa được giá, Nguyễn Trọng Duy kiếm được số tiền lớn. Việc đầu tiên là anh xây ngôi nhà khang trang cho vợ con rồi mua máy cày, máy múc phục vụ sản xuất. “Những ngày ở trong căn nhà cũ trống toác, tôi luôn ấp ủ kiếm thật nhiều tiền xây cho vợ con một ngôi nhà vững chắc. Thế nên, trúng được vụ hồ tiêu, tôi xây nhà, còn lại để dành, lo cho con ăn học...”.

Tiên phong tìm mô hình mới

Sau khi vườn hồ tiêu bị chết do dịch bệnh, năm 2018, Nguyễn Trọng Duy chuyển sang trồng vú sữa bơ hồng. “Tôi biết loại quả này khi thấy người dân trong thôn trồng một vài cây sau vườn. Thấy vú sữa bơ hồng cho quả to, ngọt thơm, lại phù hợp với khí hậu, đất đai địa phương nên tôi mua giống về trồng thử nghiệm”, anh Duy kể. Ban ngày bận rộn trên rẫy, tối đến, anh lên internet tìm hiểu cách trồng, chăm sóc, đồng thời đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm nhằm giảm nhân công chăm sóc vườn cây.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn vú sữa bơ hồng bắt đầu vào vụ thu bói, anh tâm sự, ban đầu, anh cũng lo lắng về đầu ra sản phẩm, tuy nhiên, anh tự trấn an phải làm mới biết thành hay bại. Cứ thế, anh dành hết tâm huyết cho loại cây mới trên vùng đất vốn nổi tiếng với “vàng đen”.

Ngoài ra, Nguyễn Trọng Duy cũng tích cực đi tham quan các mô hình kinh tế trong địa bàn tỉnh Đắc Nông và sang cả tỉnh bạn Lâm Đồng. Khi được hội nông dân thông báo sắp tổ chức chuyến tham quan mô hình phát triển kinh tế, anh xung phong đăng ký tham gia. Anh cho hay, công việc nhà nông lúc nào cũng bận rộn. Tuy nhiên, anh quan niệm, làm nghề nông cũng như những ngành nghề khác, phải liên tục cập nhật cách làm mới, mô hình hay cho phù hợp với xu thế. Và với anh, “trăm nghe không bằng một thấy”, phải nhìn thực tế mới chọn được mô hình phù hợp điều kiện, đất đai địa phương.

Chuyến đi Đà Lạt (Lâm Đồng) vào năm 2018 giúp Nguyễn Trọng Duy bén duyên với mô hình trồng lay ơn lấy củ cho thu nhập cao. Loại cây này dễ trồng, ít tốn công và ít rủi ro hơn trồng cây lấy hoa. Tuy vậy, thời gian đầu, anh cũng trầy trật với “món lạ” trên vì thị trường bấp bênh. Năm bán được giá, năm không đủ vốn, song với tinh thần không đầu hàng, anh chủ động tìm đầu ra thông qua các đại lý cung cấp giống. Nhiều đại lý sẵn sàng bao tiêu đầu ra sản phẩm của anh với điều kiện đáp ứng đủ số lượng và mẫu mã đẹp.

Có được đơn đặt hàng, Nguyễn Trọng Duy mạnh dạn mở rộng diện tích lên 4-5 sào, đều đặn trồng mỗi năm 2 vụ hoa lay ơn lấy củ và cố gắng chăm sóc cẩn thận để sản phẩm đạt chuẩn. “Có thị trường ổn định, tôi an tâm sản xuất theo đúng số lượng đã bao tiêu chứ không tự phát mở rộng diện tích dẫn đến dư thừa, rủi ro cao. Đặc biệt, để giữ chân khách hàng, tôi tự nhủ phải làm sản phẩm tốt. Muốn vậy, tôi phải thường xuyên túc trực tại vườn kiểm tra, tránh để sâu bệnh hại tấn công”, Nguyễn Trọng Duy kể về kinh nghiệm trồng hoa lay ơn.

Guồng quay công việc cứ thế cuốn lấy vợ chồng anh hết mùa thu hoạch loại cây này đến cây khác. Tuy bận rộn song vợ chồng anh luôn tìm thấy niềm vui trong công việc. Sắp tới, Nguyễn Trọng Duy còn tính chuyện trồng cỏ nuôi bò. Trước đây, gia đình anh đã triển khai mô hình nuôi bò sinh sản và khá thành công. Về sau, hồ tiêu chết, anh đành bán đàn bò để tập trung cải tạo vườn cây, nay vú sữa trồng thay thế đã phát triển tốt, anh muốn quay lại nuôi bò.

“Nuôi bò bây giờ không nhọc công như trước. Tôi có sẵn 2ha đất trống. Năm tới, tôi sẽ đầu tư làm chuồng trại thật bài bản, diện tích còn lại sẽ trồng cỏ. Tôi chủ động được nguồn thức ăn nên không phải lo chuyện đưa bò đi ăn. Cứ đến giờ ra vườn cắt cỏ cho đàn bò là xong, còn lại tôi vẫn có thời gian làm việc khác, như thế mới hiệu quả”, anh Duy tính toán.

Hỏi chuyện dự định sắp tới, Nguyễn Trọng Duy thổ lộ: “Có lúc, tôi cũng ngại, tự ti về bản thân, chỉ muốn an phận, quanh quẩn trong lũy tre làng. Nhưng xem tin tức tôi thấy nhiều hoàn cảnh khó khăn, khiếm khuyết nặng hơn tôi nhưng họ vẫn lạc quan, say mê trong lao động, còn tạo được việc làm cho những người yếu thế. Từ đó, tôi như được truyền cảm hứng, tự dặn bản thân phải cố gắng nhiều hơn nữa. Dù cuộc sống khấm khá (thu nhập mỗi năm gần 1 tỷ đồng) nhưng tôi vẫn chưa là gì so với nhiều người nên cố gắng làm ăn, thử nghiệm thêm nhiều mô hình kinh tế bền vững và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cho những người cần”.

Không chỉ nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho người dân trong vùng, Nguyễn Trọng Duy còn hiến 900m2 đất mặt đường có giá trị cao cho thôn 2, xã Quảng Tâm xây dựng hội trường thôn. Anh cho biết, đó là chút tình cảm anh chia sẻ với cộng đồng. Với những cống hiến trên, Nguyễn Trọng Duy được Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021.

Bài và ảnh: PHƯƠNG KHÁNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-13/nguoi-nong-dan-xuat-sac-690258