Người nộp thuế mong muốn chính sách thuế bình đẳng, ổn định
Chia sẻ tại Hội thảo 'Thuế và nền tài chính lành mạnh cho sự phát triển bền vững', bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam khẳng định, doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn có chính sách thuế minh bạch, rõ ràng và công bằng, bình đẳng giữa các thành phần nộp thuế.
“Hiện nay, ngành Thuế đang ứng dụng công nghệ thông tin trong hỗ trợ người nộp thuế. Trước đây tôi sang Nhật Bản thấy có trung tâm hỗ trợ người nộp thuế bằng điện thoại nhưng giờ Việt Nam mình phát triển hơn nhiều, ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế, vượt ra khỏi một số nước Đông Nam Á. Số hóa và ứng dụng công nghệ thông tin của ngành thuế được đánh giá 1 trong những đơn vị tốt nhất trong các cơ quan nhà nước”, bà Nguyễn Thị Cúc chia sẻ.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Cúc, điều mà tất cả các doanh nghiệp, doanh nhân mong muốn là cải cách hệ thống thuế, đẩy mạnh số hóa để người nộp thuế nộp thuế thuận tiện nhất.
Cùng với đó, người nộp thuế cũng mong mong muốn nghĩa vụ về thuế bình đẳng giữa các thành phần. Hiện nay vẫn có tình trạng người tuân thủ về thuế tốt đôi khi phải nộp thuế cao hơn, và những người tuân thủ không tốt phải nộp ít. Những trường hợp doanh nghiệp chiếm dụng ngân sách bị phạt nhưng doanh nghiệp doanh nhân bị ngân sách nhà nước chiếm dụng nhưng chưa bị phạt đối với trường hợp hoàn thuế…
“Chính sách thuế phải rõ ràng, minh bạch phù hợp, quản lý được các sắc thuế. Hiện nay đang sửa các luật thuế. Với các nỗ lực của của ngành thuế và ý thức tuân thủ pháp luật của người nộp thuế tốt hơn. Nếu cơ quan thuế cố gắng nhưng doanh nghiệp không thực hiện thì không được. Đơn cử như trường hợp vừa qua một công ty tư vấn thuế lập hàng trăm doanh nghiệp ma để thu lợi. Nếu ý thức tuân thủ của người nộp thuế như vậy thì làm sao mà tiến bộ được. Chúng ta phải làm thế nào để chính sách thuế công bằng với người làm ăn chân chính và cơ quan thuế có thể xử lý được những người nộp thuế vi phạm”, bà Nguyễn Thị Cúc đề nghị.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội chia sẻ trong thời gian vừa qua, vẫn còn một số bất cập. Do đó, để cải thiện hoạt động của ngành thuế, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế, ông Mạc Quốc Anh đề xuất cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành thuế; hoàn thiện chính sách thuế, giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp như áp dụng thuế suất ưu đãi thấp hơn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu, như du lịch, logistics và bán lẻ; tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và người nộp thuế; tăng cường cơ chế đối thoại, hợp tác với doanh nghiệp…
“Doanh nghiệp, người dân, đối tượng nộp thuế bao giờ cũng có yêu cầu cao hơn trước, đây là áp lực rất lớn đối với ngành thuế. Nhưng tôi tin rằng, với công việc đã thực hiện bài bản, khoa học, tận tâm, tận tụy của ngành thuế trong thời gian vừa qua thì ngành thuế sẽ thực hiện tốt trong thời gian tới”, ông Mạc Quốc Anh nói.
PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan - Học viện Tài chính chia sẻ: "Về lâu dài, chúng ta cần phải tiếp tục gắn với chuyển đổi số. Và không phải chỉ là chuyên đổi số mà còn phải tính đến tư duy số, Quốc Hội số, Chính Phủ số, con người số… Ví dụ chúng ta muốn đặt hàng kê khai thuế thu nhập cá nhân thì trên hệ thống sẽ báo cho từng cá nhân và cá nhân xác nhận đúng sẽ hoàn thuế tự động”.
Cũng theo ông Trường, để làm được điều này cần hoàn toàn phải cần có cả một hệ thống, cần thay đổi cả tư duy, ngay từ tư duy của người làm luật. Tiến tới năm 2025, làm sao để hoàn thuế thu nhập cá nhân tự động. Hệ thống sẽ báo cho từng cá nhân mức thuế hoàn và cá nhân xác nhận đúng thì hệ thống sẽ hoàn thuế tự động.
Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Mai Sơn khẳng định, trong thời gian tới (2025) Tổng Cục thuế sẽ cải cách mạnh mẽ hơn nữa, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp về lĩnh vực thuế để góp phần vào sự ổn định, thời gian, chi phí cho người nộp thuế.
Ngoài ra, tiếp tục nâng cao thêm nữa sự minh bạch trong hoạt động tổ chức kinh doanh, tăng cường hội nhập, thu hút đầu tư nước ngoài cùng cạnh tranh lành mạnh đối với các doanh nghiệp trong nước. Tất cả nhằm giúp cho các doanh nghiệp có được sự hỗ trợ tốt nhất trong lĩnh vực thuế.