Những ngày này, nước sông Đà đột ngột rút mạnh khiến nhiều hộ nuôi cá lồng ở huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều lồng trơ đáy, có lồng cá chết 100%.
Tại khu vực xã Đoan Hạ (Thanh Thủy, Phú Thọ) có hơn chục hộ nuôi cá lồng với khoảng 150 lồng, chủ yếu các loại cá như lăng, diêu hồng, trắm, chép…
Các hộ nuôi cá lồng ở đây đang phải tìm mọi biện pháp để khắc phục tình trạng cá chết do lòng sông Đà phía hạ lưu thuộc tỉnh Phú Thọ ngày một cạn dần, trơ đáy ở nhiều đoạn.
Để ứng phó với tình trạng nước sông Đà đang cạn như hiện tại, các hộ dân nuôi cá lồng ngày đêm phải di chuyển các lồng cá, vớt cá đến những nơi có nước để tránh thiệt hại về kinh tế.
Chia sẻ với PV, ông Hoàng Văn Cường (người dân nuôi cá lồng) thất thần trước việc hàng tấn cá lồng của mình chết do nước sông Đà rút cạn đột ngột. "Tôi chưa bao giờ thấy nước sông Đà cạn đến mức như thế này, nước cạn quá đột ngột làm chúng tôi trở tay không kịp. Mấy ngày nay cá chết liên tục, tính ra thiệt hại cũng lên đến 3, 4 tỷ đồng. Cá chết như thế này thì chỉ biết đem cho người xung quanh để làm phân bón hoặc thức ăn cho gia súc", anh Cường chia sẻ thêm.
Được biết bè cá của anh Cường chủ yếu là diêu hồng, rô phi, ngoài ra có ít chép giòn, cá tầm... Tổng giá trị cả bè lên tới hàng tỷ đồng. Trước tình trạng sông Đà cạn trơ đáy, anh Cường đã phải huy động bạn bè và người thân xuyên đêm để chạy cá.
Không chỉ ảnh hưởng đến việc nuôi cá lồng, nước sông Đà cạn kiệt còn ảnh hưởng đến việc đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp.
Ông Đoàn Hồng Tam (Thanh Thủy, Phú Thọ ) cho biết: "Rau màu giờ chết khô hoàn toàn, dù đã khoan giếng xuống hơn 20 m nhưng vẫn không lấy được nước để tưới".
Tuấn Anh