Người nuôi tôm gặp khó khi thời tiết bất lợi

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, gần đây do ảnh hưởng thời tiết bất lợi như mưa nhiều kéo dài, khi không mưa thì nắng nóng nên đã có khoảng 1.000ha tôm bị thiệt hại.

Nuôi tôm công nghệ cao ở Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Nuôi tôm công nghệ cao ở Sóc Trăng. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Trước tình hình này, ngành chức năng và các địa phương đang khẩn trương các biện pháp phòng chống dịch bệnh, bảo vệ diện tích tôm đang nuôi cũng như khuyến cáo người dân về kỹ thuật thả nuôi an toàn.

Đến nay, tỉnh đã thả nuôi được khoảng 31.000 ha tôm nước lợ (trong kế hoạch cả năm là 51.000ha). Hiện các hộ thả sớm đã thu hoạch được gần 6.000 ha tôm, sản lượng hơn 33.000 tấn.

Năm nay tại Sóc Trăng, mùa mưa đến sớm hơn mọi năm, cùng với mưa dầm thì nắng gắt xen kẽ đã làm độ mặn trên các sông xuống thấp, có thời điểm chỉ bằng 0 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thả giống và sự phát triển của tôm nuôi, làm tôm chậm lớn, dễ phát sinh dịch bệnh...

Ông Ngô Công Luận, Giám đốc hợp tác xã Nông ngư 14/10, ấp Hòa Nhờ A, xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng cho biết, tính đến hiện tại, hợp tác xã đã thả nuôi được 30/32ha, với lượng con giống khoảng 10 triệu con. Do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, khiến tôm có biểu hiện chậm lớn, bỏ ăn, một vài ao nuôi tôm chết đột ngột. Hiện đã có 14 thành viên với khoảng 50% diện tích của hợp tác xã bị thiệt hại.

Hợp tác xã Toàn Thắng ở ấp Kinh Mới, xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu cũng đã thả nuôi được 87/135ha; trong đó, tôm sú khoảng 3,5ha, tôm thẻ hơn 70ha, còn lại là cá các loại thủy sản khác. Đến nay, hợp tác xã đã thu hoạch được 45ha với sản lượng khoảng 154 tấn tôm.

Ông Phạm Văn Mừng, Giám đốc hợp tác xã Toàn Thắng thông tin, năm nay độ mặn so với mọi năm ở mức thấp. Đến thời điểm này độ mặn ở vùng này gần như bằng 0, trong khi cùng thời điểm những năm trước đang ở mức từ 5-7 phần nghìn. Vì độ mặn thấp nên ảnh hưởng đến sản xuất của xã viên gặp rất nhiều khó khăn, dịch bệnh đã xảy ra như tôm bị phấn trắng, gan cấp tính…

Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Sóc Trăng, ngoài khó khăn về thời tiết, bà con nuôi tôm cũng đang đối mặt với khó khăn nữa là vật tư đầu vào có chiều hương tăng, đặc biệt là thức ăn cho tôm.

Để khắc phục, tháo gỡ khó khăn, hướng tới vụ nuôi tôm thắng lợi, lãnh đạo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho rằng, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt thông tin tuyên truyền, thông tin đến người dân về các tình hình dự báo thời tiết, cũng như tình hình giá cả tôm.

Ngành đặc biệt là khuyến cáo tất cả người nuôi tôm phải tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để có sự liên kết thực sự trong sản xuất cũng như kinh doanh, sản xuất hiệu quả hơn. Có được kết nối với các tổ chức cung ứng vật tư đầu vào sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành phù hợp nâng cao chuỗi giá trị trong sản xuất.

Để đạt sản lượng tôm nuôi nước lợ là 196.000 tấn theo kế hoạch trong năm 2022, các địa phương trọng điểm nuôi tôm tại Sóc Trăng như tại thị xã Vĩnh Châu, huyện Trần Đề, Cù Lao Dung, Mỹ Xuyên... đang chủ động quan tâm trước diễn biến thời tiết bất lợi; đồng thời, tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan trực thuộc ngành nông nghiệp nhằm khuyến cáo các giải pháp quản lý tôm nuôi phù hợp với tình hình thực tế.

Trung Hiếu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/nguoi-nuoi-tom-gap-kho-khi-thoi-tiet-bat-loi-20220614103854609.htm