Người nuôi trồng thủy sản chủ động ứng phó với mưa, bão
Bão số 3 dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp, gây mưa to đến rất to trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Thời điểm này, người nuôi trồng thủy sản (NTTS) trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương gia cố ao hồ, lồng bè nuôi trồng, chủ động ứng phó và bảo đảm an toàn trước, trong và sau bão.

Người dân xã Hoằng Châu gia cố lồng bè trước bão số 3.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, tỉnh Thanh Hóa hiện có 19.200 ha NTTS. Trong đó, diện tích nuôi nước ngọt là 14.000 ha, diện tích nuôi nước lợ là 4.200 ha, diện tích nuôi nước mặn là 1.000 ha và hơn 5.700 lồng bè NTTS tại khu vực ven biển, ven sông, hồ. Từ ngày 19/7, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa, giông, lốc đã gây thiệt hại khoảng 0,44 ha nuôi trồng của người dân. Trước dự báo về ảnh hưởng của bão số 3 Wipha, người dân đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm an toàn cho diện tích NTTS.
Tại xã Hoằng Châu có 978,92 ha NTTS; trong đó có 202 hộ nuôi ngoài đê. Để người dân nắm được thông tin, mức độ ảnh hưởng của bão số 3 Wipha, UBND xã Hoằng Châu đã phát đi 22 thông báo trên hệ thống truyền thanh xã. Ông Trịnh Văn Hưng, thôn Phượng Ngô 1, cho biết: Thông qua những thông báo của xã và phương tiện truyền thông, để chủ động ứng phó với mưa bão, gia đình tôi đã thu hoạch tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm. Đồng thời, nạo vét kênh mương, đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh ao nuôi... nhằm hạn chế tối thiểu thiệt hại do mưa, bão, giông lốc gây ra.

Kiểm tra mật độ nuôi phù hợp.
HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Quảng Chính, xã Quảng Chính đang quản lý và hỗ trợ kỹ thuật sản xuất cho khoảng 60 ha nuôi trồng của người dân. Trong đó, đối tượng con nuôi chủ lực là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua... Trước thông tin về cơn bão số 3 Wipha đang tiến sát về đất liền, HTX đã hướng dẫn người dân thực hiện những giải pháp bảo đảm an toàn cho diện tích nuôi. Ông Phạm Bá Thảo, Giám đốc HTX, cho biết: “NTTS luôn tiềm ẩn nguy cơ thiệt hại nhất là vào mùa bão. Mưa lớn cuốn theo lượng lớn chất bẩn, làm gia tăng độ đục trong nước, gây thiếu hụt oxy có thể làm đối tượng nuôi bị sốc, chết. Chúng tôi đang tập trung giằng néo nhà màng, nuôi; gia cố bờ ao, nhằm hạn chế thất thoát khi xảy ra mưa lớn; thường xuyên kiểm tra hệ thống kênh tiêu thoát nước, chuẩn bị đủ nhiên liệu để vận hành máy bơm tiêu khi cần thiết...
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Chi cục Biển đảo và Thủy sản Thanh Hóa đã gửi công văn về các địa phương, yêu cầu các bộ phận liên quan triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp nhằm bảo vệ diện tích NTTS. Trong đó, ở giai đoạn trước khi xảy ra mưa, bão cần thu hoạch toàn bộ hoặc thu tỉa thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm; nạo vét kênh mương; đặt ống xả tràn, phát quang cành cây quanh bờ ao, bố trí neo đậu, kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng; vệ sinh lồng bè thông thoáng; khi cần thiết, di chuyển lồng bè vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhiều, độ mặn ổn định (đối với nuôi ven biển). Trường hợp không di chuyển được lồng bè cần che chắn mặt lồng/bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp để hạn chế thủy sản nuôi thoát ra ngoài. Đồng thời, chuẩn bị các trang thiết bị, hóa chất, nguyên nhiên vật liệu cần thiết để chủ động gia cố, sửa chữa hệ thống bờ ao, cống, đăng chắn khi có tình huống xấu xảy ra.

HTX dịch vụ và nuôi trồng thủy sản Quảng Chính, xã Quảng Chính hướng dẫn người dân thu tỉa diện tích nuôi đạt thương phẩm trước khi mưa bão.
Sau bão, người dân cần xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao; tiến hành chạy máy quạt nước, sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao nuôi thâm canh có mật độ cao. Kiểm tra, xử lý các yếu tố môi trường nước ao, đầm, nơi đặt lồng bè nuôi, đảm bảo các yếu tố môi trường nằm trong giới hạn cho phép. Bổ sung vitamin hoặc chế phẩm sinh học vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho thủy sản nuôi; thường xuyên theo dõi sức khỏe của thủy sản nuôi để có biện pháp xử lý kịp thời. Trong trường hợp, do ảnh hưởng của thời tiết, nếu có thủy sản bị chết cần xử lý để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước.