Người Palestine kiệt sức giữa mưa bom, bão đạn

Israel chính thức khước từ đề nghị ngừng bắn với phong trào Hamas ở Dải Gaza và tiếp tục chiến dịch tấn công trên bộ với mục tiêu mở rộng 'khu vực an ninh', động thái buộc người Palestine sinh sống tại đây tiếp tục phải di dời và đối mặt nguy cơ thương vong thường trực.

Tròn hai tuần từ thời điểm tái khởi động chiến dịch tấn công trên bộ chống Hamas ở Dải Gaza, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Israel Katz, ngày 2/4 tuyên bố Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) đang mở rộng quy mô tấn công, nhắm mục tiêu "dọn sạch" toàn bộ cơ sở hạ tầng và lực lượng của Hamas tại một loạt vị trí, đồng thời "chiếm giữ một vùng lãnh thổ rộng lớn nhằm bổ sung vào các khu vực an ninh của Nhà nước Israel", Interfax đưa tin.

Trong đêm 1/4, IDF đồng thời huy động hỏa lực không kích dữ dội phía Nam Dải Gaza và triển khai Sư đoàn bộ binh 36 tới khu vực.

Người Palestine tìm kiếm người thân và của cải tại một tòa nhà bị hỏa lực Israel đánh sập ở Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Người Palestine tìm kiếm người thân và của cải tại một tòa nhà bị hỏa lực Israel đánh sập ở Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Đến sáng 2/4, binh sĩ và xe tăng Israel tiến vào thành phố Rafah phía Nam Dải Gaza, khu vực tiếp giáp biên giới Ai Cập, vài giờ sau khi IDF yêu cầu người dân Palestine tại đó khẩn trương sơ tán đến các trại lều ở khu vực nhân đạo ven biển Muwasi. Israel không nêu chi tiết về "khu vực an ninh" mà họ lên kế hoạch chiếm giữ. Giao tranh bên trong thành phố Rafah hiện đang leo thang từng giờ. Israel cũng mở rộng không kích thành phố Gaza phía Bắc dải đất.

Ngoài hoạt động tấn công, Bộ trưởng Quốc phòng Israel đã kêu gọi dân Dải Gaza "lật đổ Hamas và trả tự do cho tất cả các con tin" vì cho rằng đó là "cách duy nhất để chấm dứt chiến tranh". Số liệu của giới chức Israel cho thấy, Hamas hiện nắm giữ 59 con tin người Israel ở Dải Gaza, trong đó chỉ có 24 người còn sống. Theo Times of Israel, gia đình các con tin Israel ngày 2/4 đã bày tỏ "kinh hoàng" trước việc IDF mở rộng chiến dịch tấn công Dải Gaza vì lo ngại nó có thể ảnh hưởng đến hoạt động đàm phán trao trả con tin.

Động thái mở rộng tấn công Dải Gaza của Israel diễn ra hai ngày sau khi phong trào Hamas tuyên bố chấp thuận một thỏa thuận ngừng bắn mới do hai nước Ai Cập và Qatar đưa ra mà theo một số hãng tin là sẽ kéo dài 50 ngày, trong đó, Hamas cam kết trao trả 5 con tin Israel còn sống cùng một số thi thể đổi lấy hàng trăm người Palestine bị Israel giam giữ. Tờ Haaretz của Israel dẫn lời các quan chức cấp cao ở Tel Aviv tiết lộ, Israel không đồng ý với nội dung đề xuất trên, mà yêu cầu Hamas trao trả 11 con tin còn sống và thi thể 16 người thiệt mạng để đổi lệnh ngừng bắn trong vòng 40 ngày.

Từ khi Israel đưa bộ binh trở lại Dải Gaza hôm 18/3, đã có thêm 1.042 người Palestine được xác nhận thiệt mạng vì hỏa lực của Tel Aviv, nâng tổng số người chết trong chiến sự (từ tháng 10/2023) lên 50.399, phần lớn là phụ nữ và trẻ nhỏ. Ngoài ra, hàng ngàn người khác bị thương và hơn 1,5 triệu người Palestine tại Dải Gaza phải di dời khỏi nhà cửa. Theo Guardian, nhiều người Palestine đã kiệt sức sau nhiều lần sơ tán.

Họ dành hầu hết thời gian trong 18 tháng xung đột để dọn dẹp và đi bộ từ trại tị nạn này sang trại tị nạn khác. Ihab Suliman, một người Palestine từng làm giảng viên đại học ở Dải Gaza, cho biết, ông và gia đình chỉ vừa di chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam Dải Gaza vào ngày 19/3, lần di tản thứ 8 từ tháng 10/2023. Khi quân đội Israel tiến vào thành phố Rafah, gia đình họ có thể lại tiếp tục dọn đồ đạc để tìm nơi tránh trú. "Cuộc sống của chúng tôi không còn hương vị gì nữa", ông nói. "Sự sống và cái chết không khác gì nhau".

Ngoài vấn đề di tản, do bất đồng giữa Israel và Hamas về vấn đề con tin, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 2/3 yêu cầu quân đội Israel phong tỏa toàn bộ cửa khẩu và cấm đưa hàng viện trợ vào Dải Gaza tới chừng nào Hamas thả toàn bộ con tin Israel. Hamas ngày 1/4 khẳng định việc Tel Aviv phong tỏa viện trợ đẩy người Palestine vào "một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất lịch sử hiện đại", đồng thời nhấn mạnh Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Cơ quan điều phối viện trợ vào Dải Gaza của Israel (COGAT) tuyên bố, trong giai đoạn Israel-Hamas ngừng bắn từ ngày 19/1 đến hết tháng 2/2025, 25.200 xe tải mang theo 408.000 tấn hàng đã vào Dải Gaza. "Con số đó bằng 1/3 tổng xe tải từng đi vào Dải Gaza trong toàn bộ cuộc chiến (từ tháng 10/2023 đến tháng 2/2025). Và mọi chuyện diễn ra chỉ trong hơn một tháng. Sẽ có đủ lương thực cho một thời gian dài nếu Hamas chuyển chúng tới dân thường", COGAT nêu. Tuy nhiên, Phát ngôn viên LHQ Stephane Dujarric cùng ngày đã chỉ trích phát ngôn của Israel về việc có đủ lương thực ở Dải Gaza là "điều nực cười". "Nguồn cung (lương thực) của chúng ta đang sắp hết", ông Dujarric nêu rõ.

Theo ông Dujarric, cuối tuần trước, toàn bộ 25 cửa hàng làm bánh mì do Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tài trợ ở Dải Gaza đều đã đóng cửa. "WFP không đóng cửa các tiệm bánh mì chỉ để cho vui đâu. Nếu không có bột mì, không có gas, các tiệm bánh chẳng thể mở cửa", ông nói thêm. Quan chức LHQ cũng kêu gọi Israel và Hamas tìm cách ngồi lại bàn đàm phán. "Chúng ta đã thấy viện trợ nhân đạo tràn vào Dải Gaza (khi các bên ngừng bắn). Chúng ta đã thấy con tin được thả. Chúng ta đã thấy tù nhân Palestine được thả. Chúng ta cần quay lại điều đó", ông nêu rõ.

Thái Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/quoc-te/nguoi-palestine-kiet-suc-giua-mua-bom-bao-dan-i763893/