Người Pháp có thể vĩnh viễn mất nụ hôn má truyền thống
Các biện pháp giãn cách xã hội khiến nụ hôn má truyền thống của người Pháp trở thành kiểu chào hỏi hiếm hoi, và các cuộc thăm dò cho thấy, nó có thể biến mất cả khi đại dịch COVID-19 kết thúc.
Cứ hai lần một năm, Louis Al-Hakkak lại ngồi trước hiên nhà ở Burgundy, đợi chị gái về thăm nhà và sợ hãi khoảnh khắc “la bise” (từ tiếng Pháp chỉ “nụ hôn má”). Trong gia đình người Pháp gốc Iraq này, chỉ có Flora thích thú kiểu chào hai cái thơm má truyền thống của Pháp. Còn với Louise và cha của cô, “đó là một hành động chẳng thú vị gì”.
Nhưng thời thế đã thay đổi. “Dịch COVID đã buộc chúng tôi ngừng thơm má”, Louise Al-Hakkak, 23 tuổi, cho biết. “Giờ thì chuyện chào hỏi dễ dàng hơn nhiều. Tôi không cần phải băn khoăn mình có nên thơm má hay không”.
Ở Pháp, hôn má là một truyền thống lâu đời để chào hỏi những người thân, thậm chí cả người lạ. Nhưng truyền thống đó giờ đã biến mất. Trong suốt đại dịch, nhà chức trách Pháp không ngừng khuyến cáo người dân tránh tiếp xúc cơ thể để ngăn virus lây lan.
Tuy nhiên giờ đây, khi hơn một nửa dân số Pháp đã được tiêm phòng ít nhất một liều vaccine và hầu hết các hạn chế đóng cửa đã dỡ bỏ, người dân đang chia rẽ về việc liệu có nên quay lại những cách chào hỏi trước đây, và nụ hôn má liệu có còn tuyệt vời để mở đầu cuộc gặp gỡ.
Karine Boutin, một nhà phân tâm học ở thành phố Poitiers, miền tây Pháp, cho biết: “Đại dịch khiến chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi có sự lựa chọn sẽ thơm má hoặc không”. “Câu hỏi cần đặt ra là liệu nụ hôn má của ngày mai có còn giống ngày hôm qua, với cùng cường độ và tính tự nguyện. Chúng tôi không biết liệu ký ức đau buồn này có còn đọng lại”, bà Boutin nói.
Ở Pháp, số lần thơm má khi gặp cũng khác nhau giữa các vùng: Thường thì tiêu chuẩn là hai, nhưng ở thành phố Montpellier ở miền nam thì là ba, còn ở vùng Brittani, miền đông bắc, thì chỉ là một. Thậm chí còn có cả “bản đồ thơm má” để giúp những người mới đến hiểu được kiểu “địa lý văn hóa” gây bối rối này.
Thơm má còn trở thành một công cụ chính trị, tượng trưng cho sự gần gũi của một quan chức dân cử với quần chúng. Cựu Tổng thống Pháp François Hollande thích tự gọi mình là “tổng thống của những nụ hôn”.
Rachida Dati, một ứng cử viên bảo thủ trong cuộc đua thị trưởng Paris năm ngoái cho biết: “Vận động tranh cử mà không thể đến gần cử tri, điều đó sẽ giết chết cảm xúc của họ”.
Nhưng khi đại dịch COVID-19 bao trùm đất nước, thì một mối lo ngại cũng dấy lên ở khắp nơi rằng nụ hôn má thân tình có thể là mối họa. Trong một video nâng cao nhận thức được đăng vào tháng 9/2020, chính phủ Pháp đã sử dụng nền nhạc “nguy hiểm” để nhấn mạnh những nguy cơ mới của các hành động thường ngày trước đây, bao gồm cả chào hỏi đồng nghiệp trước máy pha cà phê.
Vào những ngày đầu của đại dịch, Tổng thống Emmanuel Macron phát biểu trên truyền hình: “Tôi trông cậy các bạn sẽ làm theo các hướng dẫn, và đặc biệt là ngừng những cử chỉ có tiếng này để chống lại virus. Hãy chào hỏi mà không hôn hoặc bắt tay để tránh lây lan virus."
Và mọi người bắt đầu sử dụng các hình thức chào hỏi mới, như "chạm khuỷu tay" hoặc "bắt chân", vốn thịnh hành trên TikTok và truyền cảm hứng cho một số bộ trưởng Pháp làm theo.
Nhưng không phải tất cả mọi người đều nhớ nụ hôn má. Một nửa số người trả lời cuộc khảo sát được Viện thăm dò IFOP công bố vào tháng 3, nói rằng họ sẽ ngừng chào hỏi người thân bằng nụ hôn má trong tương lai, và 78% nói rằng họ sẽ không bao giờ thơm má người lạ nữa.
Adrien Beaujean, 26 tuổi, nói rằng những lời chào thay cho nụ hôn má rất phù hợp với anh. “Sự thay thế tốt nhất là một nụ cười,” ông Beaujean, sống ở phía đông thành phố Strasbourg, nói, "Không có gì đẹp hơn một nụ cười."
Nhưng sau nhiều tháng bị phong tỏa và phải tuân thủ giãn cách xã hội, việc thiếu tiếp xúc cơ thể đã khiến một số người suy sụp. Gautier Jardon, chuyên viên thực hiện cuộc thăm dò của IFOP, cho biết: “Con người đang phải chịu đựng cái gọi là ‘đói da’”.
Điều được quan tâm lúc này là liệu đại dịch COVID-19 có kết thúc vĩnh viễn nụ hôn má ở Pháp hay không.
“Thơm má sẽ không chết và không bao giờ như vậy. Tôi vừa mới về quê 3 tuần ở miền nam, và mọi người đang chào hỏi nhau bằng cách thơm má. Đó là nét văn hóa mà người Pháp chúng tôi không thể từ bỏ, bạn có thể đặt cược vào điều đó”, ông Grégoire, sống ở Sevilla, tin tưởng.
Còn nhà phân tâm học Boutin thì cho biết chào nhau bằng một nụ hôn má cũng đồng nghĩa với sự hòa nhập không gian cá nhân. Bà nói: “Với việc cấm tiếp xúc thân thể, giống như thể đã tiêu diệt hoàn toàn những gì vốn có của chúng tôi, như thể chúng tôi không còn tồn tại nữa. Chúng tôi cần sự tiếp xúc con người, để tồn tại".
Đây không phải lần đầu tiên truyền thống thơm má ở Pháp gặp trở ngại. Đại dịch từng ngăn cản truyền thống này trước đây. Vào giữa những năm 1300, dịch hạch đã giết chết 25-30 triệu người, hay gần 1/3 dân số Pháp. Vào thời điểm đó, hôn má không phải là một hình thức chào hỏi có hệ thống, nhưng nó có tầm quan trọng chính trị xã hội đáng kể - theo cuốn “Le Baiser” của triết gia Alain Montandon.
Ông Montandon nói: “Thơm má từng mang giá trị của một hợp đồng hoặc một thỏa thuận”.
Khi mùa hè đang đến và các quy định về khẩu trang được dỡ bỏ, một số người Pháp trở nên bồn chồn vì thiếu vắng nụ hôn má, trong đó có cả Tổng thống Macron, người đã thơm má hai cựu chiến binh Thế chiến II trong một buổi lễ tưởng niệm vào tháng 6 vừa qua. (Khi đó, ông Macron đeo khẩu trang.)
Nhưng Pauline Gardet, 24 tuổi, lại hy vọng COVID-19 sẽ đưa "kỷ nguyên thơm má", và nhiều nụ hôn không mong muốn khác, đi đến kết thúc. “Điển hình là hai ngày trước, một chàng trai đến rất gần tôi, khiến tôi không còn lựa chọn nào khác phải thơm má anh ta. Tôi thấy nó thật thô lỗ - dịch COVID-19 vẫn còn đó."
Trong khi đó, bà Valérie Camus, 47 tuổi, một giám đốc nguồn nhân lực sống ở khu vực Paris, cho biết việc tạm ngừng thơm má các đồng nghiệp của cô không quá quan trọng. “Nhưng tôi nghĩ sẽ thực sự buồn nếu chúng tôi từ bỏ nó, ít nhất là trong vòng kết nối gia đình và tình bạn”, bà Camus chia sẻ.