Người Philippines sống trong mùi rác thải và cá chết sau siêu bão Rai
Hàng nghìn người Philippines đã lâm vào tình cảnh mất nhà cửa và đói khát vào Giáng sinh sau khi siêu bão Rai quét qua đất nước này ngày 16/12 vừa qua, CNN đưa tin ngày 28/12.
Thông thường, Jay Lacia thức dậy lúc nửa đêm vào ngày Giáng sinh để bắt đầu kỳ nghỉ lễ, nhưng năm nay, tất cả những gì anh ấy ước là có đủ thức ăn.
"Chúng tôi luôn ăn mừng Giáng sinh, nhưng ở tình cảnh hiện tại, nó quá khó", người đàn ông 27 tuổi nói khi đang ngồi trên đống đổ nát do bão Rai để lại trên thành phố Surigao, Philippines.
Gỗ vụn, mảnh kim loại và rác thải nhựa nằm dọc bờ biển. Mùi hôi thối của chất thải và cá chết bao trùm không khí.
Hơn một tuần sau khi siêu bão Rai, tên gọi địa phương là Odette, đổ bộ vào Philippines, Lacia đã từ bỏ việc trục vớt bất cứ thứ gì còn sót lại trong ngôi nhà của mình. Không còn một ngôi nhà nào còn tồn tại trong ngôi làng của anh trên đảo Dinagat gần đó.
“Mọi thứ đã biến mất, kể cả ngôi nhà của tôi", Lacia nói.
Những gia đình như Lacia đã mất tất cả. Giờ đây, họ phải đối mặt với nhiệm vụ gần như bất khả là xây dựng lại nhà cửa mà không có đủ thức ăn và nước uống.
Không ai mong đợi "cơn thịnh nộ" mà bão Rai gieo rắc khi quét qua Philippines vào ngày 16/12. Đây là cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào nước này trong năm nay, khiến gần 400 người chết và hàng trăm nghìn người khác phải sơ tán.
Giáng sinh kiệt quệ
Theo Hội đồng quản lý và giảm thiểu rủi ro thiên tai quốc gia Philippines (NDRRMC), gần 4 triệu công dân nước này trên hơn 400 thành phố đã bị ảnh hưởng bởi bão Rai.
Hơn nửa triệu người Philippines phải sơ tán trong lễ Giáng sinh, một trong những ngày lễ quan trọng nhất ở quốc gia này.
"Các gia đình không có gì cho Giáng sinh", Jerome Balinton, quản lý nhân đạo của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em cho biết. "Ánh đèn rực rỡ và âm nhạc được thay thế bằng những trung tâm sơ tán ẩm thấp, bẩn thỉu. Điều ước duy nhất của họ trong Giáng sinh này là được sống sót".
Jovelyn Paloma Sayson, một công dân thành phố Surigao, cho biết gia đình cô đã phải sơ tán đến nhà thờ trước khi bão Rai đổ bộ. Ngôi nhà của người phụ nữ 35 tuổi cùng đồ đạc bên trong đã bị phá hủy. Toàn bộ lương thực nhà Sayson bị lũ lụt cuốn trôi hết. Quần áo của con cái cô cũng rách nát và hư hỏng vì mưa.
Các thiết bị nhà bếp của Sayson sau đó đã bị đánh cắp. Cô ấy không đủ khả năng để xây dựng lại từ đầu, cô ấy nói.
“Chúng tôi cần tiền để xây lại ngôi nhà”, cô nói. "Chúng tôi không mơ có một ngôi biệt thự. Tất cả những gì chúng tôi muốn là có nhà để ở và để con cái được an toàn".
Tình trạng tạm bợ kéo dài
Theo NDRRMC, hơn 1.000 lều trú ẩn tạm thời đã được dựng lên để làm nơi cư trú cho công dân mất nhà cửa.
Alvin Dumduma, giám đốc một dự án viện trợ nhân đạo và hòa nhập cộng đồng tại Philippines, cho biết việc các gia đình cố gắng xây dựng lại nhà cửa "trong tình cảnh đói khát" là điều "cực kỳ mệt mỏi".
Ông Dumduma cũng bày tỏ sự lo lắng về khả năng lây lan dịch bệnh bao gồm Covid-19 khi chứng kiến người dân phải chen chúc trong các trung tâm sơ tán.
"Các trung tâm sơ tán có điều kiện vệ sinh không sạch sẽ. Hàng nghìn người phải ngủ dưới một mái nhà không có nước sạch", ông nói. "Trẻ em không được đi học. Điện cũng không có. Cuộc sống lâu ngày như vậy sẽ bế tắc".
Dumduma cho biết thảm họa cũng đã tàn phá sinh kế của những gia đình này.
"Nhiều người đến từ các cộng đồng đánh bắt cá hoặc nông nghiệp có tàu thuyền và đất đai đã bị phá hủy. Họ sẽ phải cố gắng rất nhiều để gây dựng lại công việc kinh doanh của mình".
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết chính phủ sẽ quyên góp tiền để cải tạo và phục hồi các khu vực bị bão tàn phá. Liên Hợp Quốc cũng cho biết sẽ viện trợ hơn 100 triệu USD.
Mặc dù vậy, Dumduma cho biết chính phủ cần phải thay đổi nhiều hơn nữa để tránh sự tàn phá khủng khiếp như của siêu bão Rai từ những cơn bão trong tương lai.
"Hỗn loạn xảy ra vì công tác chuẩn bị của chính phủ không tốt. Họ phải tăng cường hơn nữa các chương trình ứng phó và thiên tai", ông nói. "Chúng tôi cần tập huấn nhiều hơn, chuẩn bị nhiều hơn và hành động sớm hơn".
Ảnh hưởng của khủng hoảng khí hậu
Nằm dọc theo vành đai bão ở phía tây Thái Bình Dương, Philippines thường xuyên phải hứng chịu những cơn bão lớn. Nhưng khủng hoảng khí hậu trong các năm gần đây đã khiến những cơn bão này trở nên cực đoan và khó lường hơn.
Khi khủng hoảng khí hậu trở nên tồi tệ hơn, các cơn bão ngày càng dữ dội và có sức tàn phá khủng khiếp. Bão Rai phát triển nhanh chóng từ bão cấp 1 thành bão cấp 5 chỉ trong 24 giờ, có sức gió lên tới 260 km/h. Và Philippines đã không chuẩn bị cho một thảm họa ghê gớm như vậy.
Theo Kairos Dela Cruz, Phó viện trưởng Viện Khí hậu và Đô thị Bền vững, các nước đang phát triển đang đạt đến giới hạn có thể tự mình đối phó với thiên tai. Người dân sống ở các khu vực trũng thấp ven biển sẽ sớm mất nhà do nước biển ngày một dâng cao.
Dela Cruz cho biết cuộc khủng hoảng khí hậu cũng bộc lộ những vấn đề mang tính hệ thống ở Philippines.
"Bên cạnh cần thêm nhiều nguồn lực giúp đỡ, Philippines nên lên tiếng mạnh mẽ với quốc tế để kêu gọi thêm nguồn tài chính cho vấn đề khí hậu", ông nói.
Theo Dela Cruz, cơn bão có quy mô lớn như siêu bão Rai vào tháng 12 là một điều bất thường đối với Philippines khi quốc gia này thường hứng chịu các cơn bão từ tháng 6 đến tháng 9.