Người phụ nữ 10 năm sống không tiền bạc

Sharon Brodie, ở Lismore, phía bắc New South Wales (Úc), vẫn nhớ rõ lễ Giáng sinh đầu tiên bà trải qua cùng người bạn thân Jo Nemeth. Đó là năm 2016, cũng là mùa Giáng sinh đầu tiên bà không có chồng bên cạnh. Chồng bà, ông Monty, đã đột ngột qua đời một tháng trước đó.

 Bà Sharon Brodie

Bà Sharon Brodie

"Lúc ấy, tôi thậm chí còn không muốn tiếp tục sống. Tôi không muốn mua sắm, chuẩn bị quà tặng hay làm bất cứ điều gì", Brodie chia sẻ. Giữa lúc đau buồn, Nemeth đã đến giúp đỡ Brodie và các con của bà. Đêm Giáng sinh năm đó, lần đầu tiên Brodie cùng Nemeth đi lục tìm đồ bỏ đi trong thùng rác. Họ tìm thấy đồ ăn ngon và những bông hoa đẹp, mang về trang trí khắp nhà. Khoảnh khắc ấy khiến Brodie cảm thấy như nhận được quà từ người chồng quá cố. Đó cũng là lần đầu tiên Brodie thực sự hiểu về lối sống không tiền bạc của người bạn Nemeth.

Trước đó một năm, vào năm 2015, Nemeth đã từ bỏ công việc trong lĩnh vực phát triển cộng đồng, chuyển hết tiền cho con gái 18 tuổi, Amy, rồi đóng tài khoản ngân hàng. "Khi đó tôi 46 tuổi, có một công việc ổn định và một người chồng mà tôi yêu thương, nhưng tôi vẫn cảm thấy không hạnh phúc", Nemeth chia sẻ.

Lối sống không cần tiền bạc

Quan điểm của Nemeth thay đổi sau khi đọc về những người theo đuổi lối sống thay thế, đặc biệt là cuốn sách "The Moneyless Man: A Year of Freeconomic Living" (tạm dịch: Người đàn ông không tiền: Một năm sống với nền kinh tế tự do) của Mark Boyle, người đã sống suốt 3 năm mà không dùng đến tiền ở Anh.

Bà Nemeth đi lại bằng xe đạp và đi nhờ xe

Bà Nemeth đi lại bằng xe đạp và đi nhờ xe

Lấy cảm hứng từ đó, Nemeth lập danh sách những thứ mình thực sự cần. "Danh sách hóa ra khá ngắn, vì tôi đã có sẵn những thứ cơ bản như nồi, chảo và bàn chải đánh răng. Sau đó, tôi bắt đầu tìm cách đáp ứng nhu cầu của mình mà không gây tác động tiêu cực nào", bà nói.

"Tôi cảm thấy an toàn hơn so với khi còn kiếm tiền. Từ trước đến nay, sự an toàn thực sự không đến từ tài sản hay thu nhập mà từ cộng đồng. Hiện tại, tôi có thời gian để xây dựng 'tiền tệ xã hội'- giúp đỡ người khác, chăm sóc bạn bè khi họ ốm, trông con giúp họ, hay hỗ trợ họ làm vườn. Đó là một trong những giá trị lớn nhất của việc sống không phụ thuộc vào tiền bạc".

Jo Nemeth

Nemeth, hiện 56 tuổi và độc thân, không sở hữu nhà cửa hay bất kỳ tài sản nào. Bà không nhận trợ cấp xã hội, không có khoản tiết kiệm, không có nhà hảo tâm hào phóng nào đứng sau hỗ trợ, cũng chẳng có quỹ dự phòng. Ban đầu, thực phẩm là mối lo lớn nhất nhưng bà nhanh chóng tìm ra giải pháp: tự trồng rau củ và nhận những món đồ bạn bè không dùng đến. Bà hiếm khi phải tìm đồ bỏ đi trong thùng rác. Vào sinh nhật hay Giáng sinh, Nemeth xin bố mẹ những thứ như gạo hoặc sữa bột.

Dần dần, Nemeth bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về "kinh tế quà tặng" - cho đi mà không mong nhận lại, nhận mà không mang cảm giác mắc nợ. Việc thay đổi tư duy này không dễ dàng, bởi nó khác hoàn toàn với việc mua bán. Ban đầu, nhiều người đề nghị hai bên trao đổi qua lại, nhưng Nemeth vẫn kiên quyết cho đi mà không mong đợi bất kỳ sự đền đáp nào.

Trong 3 năm đầu, Nemeth sống tại trang trại của một người bạn, nơi bà dựng một túp lều nhỏ từ những vật liệu xây dựng bỏ đi. Sau đó, bà dành một năm trông nhà và sống trong một "chiếc xe ngựa nhỏ màu xanh" ở sân sau nhà một người bạn khác. Đến năm 2018, bà chuyển đến sống tại nhà Brodie, nơi giờ đây đã trở thành một mái nhà chung của nhiều thế hệ. Gia đình này bao gồm Brodie và chồng mới, con trai của Brodie, con gái của Nemeth là Amy, chồng của Amy và 3 đứa con nhỏ của họ.

Cuộc sống giản dị nhưng đủ đầy

Thay vì trả tiền thuê nhà, Nemeth đóng góp cho gia đình lớn bằng cách nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc vườn rau và làm các sản phẩm gia dụng như xà phòng, bột giặt, thực phẩm lên men - vừa giúp gia đình tiết kiệm tiền, vừa giảm tác động đến môi trường. Amy, con gái của Nemeth, ghi nhận những giá trị mà mẹ mình mang lại. "Nếu tính bằng tiền, có lẽ mẹ đóng góp nhiều hơn cả tiền thuê nhà", cô nói. "Sống cùng mẹ, tôi nhận ra rằng lối sống của mẹ không chỉ đơn thuần là từ bỏ tiền bạc. Nó khiến tôi suy nghĩ sâu hơn về tác động thực sự của những gì chúng ta mua sắm và tiêu dùng".

Bà Nemeth tự trồng rau và làm các sản phẩm gia dụng

Với Brodie, Nemeth đã mang lại ảnh hưởng tích cực cho gia đình. "Chúng tôi sống giản dị hơn so với hầu hết mọi người, nhưng cảm thấy đủ đầy. Như việc chúng tôi không thường mua chocolate nhưng khi được một cửa hàng địa phương sắp đóng cửa tặng lại chocolate, chúng tôi thấy mình như được hưởng đặc quyền. Và thực sự là vậy".

Bà Nemeth làm tình nguyện tại vườn cộng đồng Lismore

Bà Nemeth làm tình nguyện tại vườn cộng đồng Lismore

Nemeth khẳng định rằng bà không "phản đối" tiền, mà chỉ tìm cách sử dụng tiền theo cách phù hợp với giá trị của mình. "Tôi đã nghĩ đến việc dạy mọi người cách làm đậu phụ hoặc giấm táo, chia sẻ các kỹ năng của mình. Sau đó, một người bạn gợi ý rằng tôi nên lập một chiến dịch GoFundMe để gây quỹ nha khoa và cung cấp các bài học hướng dẫn kèm theo. Đó là những gì tôi sẽ làm". Bà cũng không phản đối công nghệ. Nemeth có một chiếc điện thoại (món quà từ một người bạn) nhưng không dùng gói cước hay thẻ SIM. Thay vào đó, bà gọi điện, nhắn tin và gửi email qua wifi của gia đình. Nemeth cũng sử dụng Facebook, chủ yếu để theo dõi các nhóm Buy Nothing và quảng bá khu vườn cộng đồng Lismore, nơi bà làm tình nguyện. Bà không sở hữu ô tô mà di chuyển bằng xe đạp, đi bộ hoặc đi nhờ xe.

Gần đây, Nemeth đang đơn giản hóa lối sống của mình hơn nữa bằng cách cải tạo một góc nhỏ ở sân sau bằng vật liệu tái chế. Bà dự định ngủ và dành buổi tối đọc sách dưới ánh nến ở đó. "Nó rất nhỏ, chỉ đủ cho một chiếc giường đơn và một chút không gian đứng. Không có điện hay nước máy," bà nói. "Nhưng tôi muốn cảm thấy kết nối hơn với thực tế, với chim chóc, bầu trời đầy sao, mặt trời và mưa gió".

Nguồn: Guardian

Kim Ngọc

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nguoi-phu-nu-10-nam-song-khong-tien-bac-20250507103013415.htm