Người phụ nữ 20 năm chống chọi với ung thư máu, xơ gan: Thái độ sống khiến ai cũng nể phục
'Bệnh tật mãi đeo bám cuộc đời mình, thay vì đau khổ, vật vã, tôi chọn cách sống lạc quan, rũ bỏ mọi muộn phiền', chị Ngô Thị Hoàng Mỹ (53 tuổi, TP HCM) trải lòng.
Gần 20 năm trước, chị Ngô Thị Hoàng Mỹ (53 tuổi, TP HCM) bị ung thư máu. Căn bệnh quái ác như giết chết thể xác và tâm hồn người phụ nữ đang trong giai đoạn thanh xuân, nhiều nhiệt huyết và khát vọng.
Nhưng chính ánh mắt ngơ ngác của hai con thơ không người chăm sóc đã thôi thúc chị không được từ bỏ, phải cố gắng điều trị, "còn nước thì còn tát". Thời điểm ấy, chị vừa cố gắng duy trì làm việc để kiếm tiền nuôi con, vừa chiến đấu với bệnh ung thư máu. Nhiều lần sức khỏe suy kiệt, chị tự trấn an không được buông tay.
Mọi nỗ lực của chị đã được đền đáp khi bác sĩ thông báo bệnh ung thư máu đã thoái lui. Những tưởng phần đời còn lại có thể bình an, rũ bỏ gánh nặng bệnh tật thì một lần nữa, chị lại nhận hung tin rằng quá trình hóa trị, xạ trị ung thư máu trước đây đã ảnh hưởng đến cơ quan nội tạng, khiến chị bị xơ gan. 3 năm trở lại đây, bệnh xơ gan đã tiến triển đến giai đoạn cuối, khiến chị nhập viện nhiều lần do liên tục chảy máu khắp cơ thể.
Chị Trần Thị Linh (50 tuổi, TP.HCM), người nhà bệnh nhân cho hay: "Bị xơ gan nhưng chị Mỹ âm thầm chịu đựng vì sợ người trong nhà lo lắng. Hai năm trước, chị đang ngủ, máu trong miệng bỗng trào ra lênh láng khắp giường, mọi người mới biết chị giấu bệnh. Lúc đó, bệnh xơ gan đã ở giai đoạn cuối, bụng chị phình to, căng cứng, gân máu nổi vằn vện trên lớp da căng bóng, tưởng chừng chỉ chạm nhẹ cũng nổ tung. Tôi không thể nhớ hết số lần chị Mỹ bị trào máu mũi, máu miệng, mắt trợn ngược, sùi bọt mép... Đi khám khắp nơi, bác sĩ nhận định, chị chỉ sống thêm vài tháng. Tôi ôm chị khóc nước mắt ngắn dài".
Vào đầu tháng 1/2021, chị Mỹ bị xuất huyết tiêu hóa, chảy máu miệng, hôn mê, chị được người thân đưa đến cấp cứu tại BVĐK Tâm Anh TP HCM. Bác sĩ CKI Phan Tuấn Trọng, khoa Cấp cứu, BVĐK Tâm Anh TP HCM tiếp nhận bệnh nhân và cho biết, các bác sĩ đã chỉ định nội soi, cầm máu, điều trị xuất huyết tiêu hóa cho bệnh nhân.
Bác sĩ Phan Tuấn Trọng nhận định: "Bệnh nhân bị xơ gan giai đoạn cuối nên đi đứng khó khăn, ngồi chút xíu cũng thấy mệt và dễ gặp các tổn thương cấp tính, nguy cơ tử vong rất cao. Người bệnh cần điều trị duy trì để kéo dài đời sống và ngăn những đợt bệnh nặng. Với tình hình sức khỏe hiện tại, đời sống bệnh nhân sẽ được kéo dài dù là mắc bệnh mạn tính ở giai đoạn cuối".
Theo bác sĩ Phan Tuấn Trọng, lúc mới nhập viện, bệnh nhân lo sợ chỉ còn sống hơn vài tháng, nhưng đến nay sau hơn 1 năm điều trị, bệnh nhân đã tiến triển hơn nhiều, có thể ăn uống, đi đứng được. Bệnh nhân vẫn còn mong muốn mãnh liệt cho cuộc sống thì bác sĩ lại càng phải hết lòng và nỗ lực nhiều hơn nữa để kéo dài đời sống cho bệnh nhân và giúp người bệnh sống vui vẻ. Bác sĩ nên giúp bệnh nhân xoa dịu nỗi đau, không còn phiền não về bệnh tật để sống vui vẻ như người bình thường. Đây là điều rất quan trọng, góp phần rất lớn vào tỷ lệ thành công trong việc điều trị.
"Ba năm nay, tôi liên tục rơi vào nguy kịch, nhiều lúc tưởng mình đã ra đi. Nhiều lần vào cấp cứu. Tôi chẳng phải sắt đá. Tôi là một phụ nữ bình thường, biết buồn, biết đau đớn khi bệnh tật đeo bám dai dẳng. Nhưng suốt những năm dài chống chọi với bệnh tật, tôi cũng cố gắng giữ tinh thần mình lạc quan và cố gắng vượt qua, vì buồn phiền không thể giúp tôi khỏe mạnh trở lại. Mắc bệnh mạn tính không thể điều trị được, thay vì phải sống trong sợ hãi, đau khổ, tôi chọn sống lạc quan. Tôi còn sống được ngày nào thì phải vui vẻ, sống có ý nghĩa ngày đó", chị Mỹ trầm ngâm.