Người phụ nữ bất hạnh khẩn khoản xin giúp viện phí cho em trai đau ốm, tâm thần
Nước mắt của người phụ nữ 58 tuổi lăn dài ướt đẫm khẩu trang. 11 năm tảo tần làm lụng, thay cha mẹ đã khuất chăm sóc em trai tâm thần, đến nay, gặp trúng mùa dịch, em trai lâm bệnh nặng nhưng cô chẳng có tiền chữa trị.
Em trai tâm thần đột ngột bệnh nặng giữa mùa dịch
Cô Võ Thị Hạnh (sinh năm 1963) bước ra từ phòng bệnh, mái tóc bù xù bị xô lệch vì vừa cố gắng xoay trở cho em trai. Đôi mắt cô vẫn còn đỏ quạch, những tia máu trong đôi mắt cũng hằn rõ sau nhiều đêm mất ngủ và khóc. Ở tuổi xấp xỉ 60 nhưng gánh nặng trên đôi vai cô đang ngày càng nặng nề.
Trong phòng bệnh, chú Võ Hữu Dũng (sinh năm 1972) nằm rên rỉ. Sau hơn 20 ngày điều trị, sức khỏe đang dần hồi phục khiến chú cảm nhận được những cơn đau từ phần cơ thể hoại tử.
Chú Dũng bị tâm thần phân liệt từ nhỏ. Khi ấy, cha mẹ đã phải bán nhà để đưa đi khắp nơi chữa trị nhưng không được. Dù thể xác ngày càng to lớn nhưng trí lực lại chỉ như đứa trẻ chưa đầy 2 tuổi, chú chỉ có thể tự ăn, còn lại đều phải phụ thuộc người khác.
11 năm trước, khi cả cha mẹ đều không còn, cô Hạnh nhận chăm sóc cho em trai. Hằng tháng, ngoài số tiền bảo trợ vài trăm nghìn đồng dành cho người mắc bệnh tâm thần cùng người chăm sóc, cô Hạnh phải tranh thủ đi làm tạp vụ để có tiền sinh hoạt, thỉnh thoảng mua thuốc cho em.
Gần cuối tháng 8, khi dịch Covid-19 vẫn còn căng thẳng, cả gia đình đã lâm vào kiệt quệ, bất ngờ chú Dũng đổ bệnh. Nhìn em trai nằm bẹp, không thể đứng dậy được như trước, lại đang lúc dịch dã, cô Hạnh chỉ cạo gió rồi mua thuốc giải cảm. Đến ngày 31/8, sau một tuần chăm sóc ở nhà nhưng bệnh tình ngày càng nặng, cô mới tá hỏa đi đến trạm y tế xin nhờ chuyến xe cứu thương.
Người phụ nữ luống cuống đưa em vào Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Sau khi khám bệnh, bác sĩ chẩn đoán chú Dũng mắc nhiều chứng bệnh: Viêm phổi, loét hoại tử nhiễm trùng cùng cụt, tổn thương thận cấp, suy dinh dưỡng, giảm albumin máu, đái tháo đường type 2, hội chứng ure huyết cao, rối loạn tri giác, tâm thần phân liệt.
“Tôi nghe mà choáng váng tinh thần, từ đó đến giờ vẫn thấy em mình ăn khỏe nên nghĩ là không sao”, cô Hạnh nghẹn lời.
Hơn 20 ngày em trai nằm viện, dù đã có bảo hiểm y tế 100% nhưng những chi phí ngoài danh mục vẫn quá nhiều, cô chẳng có cách nào xoay sở. Mỗi lần cầm trên tay tờ phiếu yêu cầu đóng tạm ứng viện phí, cô Hạnh lại đờ đẫn, nghĩ xem có thể cầu cạnh ai, nhưng cũng chẳng nghĩ ra ai.
“Ở nhà còn một em trai tâm thần và em gái bị gãy tay”
Sinh ra trong gia đình quá đông con, cô Hạnh chẳng nhớ nổi mình là đứa thứ mấy, và đến nay cũng không rõ còn lại bao nhiêu người. Cô chỉ còn giữ liên lạc với 7-8 anh chị em, mà ai cũng phải ở trọ, cuộc sống khốn khó.
Ngày chú Dũng đổ bệnh, cô gọi điện báo cho những anh chị em của mình, ai cũng đang bị mắc kẹt do dịch Covid-19. “Đến miếng ăn còn chưa lo được, lấy đâu ra tiền dư mà giúp chị em tôi”, cô Hạnh giãi bày.
Suốt nhiều năm nay, chỉ có 3 người em gần gũi với cô nhất, trong đó có chú Dũng do cô phụ trách chăm sóc. Còn người em gái Võ Thị Ngọc ở trọ gần đó thì chăm sóc một người em trai khác là Võ Hữu Mãnh, cũng bị tâm thần.
Thế nhưng, trước khi dịch bùng phát chưa lâu, cô Ngọc bị tai nạn giao thông, gãy tay. Kẻ gây tai nạn chạy mất, gánh nặng lại dồn hết lên vai người chị khốn khổ. Năm ngoái, do làm việc quá vất vả, cô Hạnh phải mổ thoát vị đĩa đệm, sức khỏe ngày càng yếu, nhưng chẳng nỡ bỏ mặc những đứa em "máu mủ ruột thịt".
“Hai ngày nay, bệnh viện bảo đóng tạm ứng viện phí cho Dũng 2 lần, mỗi lần khoảng 10 triệu đồng nhưng tôi cầu xin khắp nơi cũng chỉ được 5 triệu. Hết cách rồi, cô chú có cách nào cứu giúp gia đình tôi được không!”, người phụ nữ bất hạnh khẩn khoản cầu xin.