Người phụ nữ bị bỏ lúc 2 tuổi, 37 năm thèm được gọi tiếng mẹ cha

'Tôi chỉ ước sao mình là người bị khuyết tật về trí não để không phải nghĩ gì cả, để không phải phân vân chuyện mình sinh ra ở đâu, ba mẹ là ai', chị Đào nói.

Ba một nơi, con một nơi

Một ngày vào năm 1982, bé gái 2 tuổi có đôi mắt to tròn, bụ bẫm, khóc không ngớt được đưa đến Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Gò Vấp (TP.HCM). Kiểm tra giấy tờ, em có tên Trần Thị Đào, sinh ngày 15/9/1980.

Sau khi báo chính quyền địa phương, ban giám đốc trung tâm làm hồ sơ xác nhận em là trẻ mồ côi.

Chị Đào nhớ về những ngày còn bé.

Chị Đào nhớ về những ngày còn bé.

Năm 17 tuổi, chị Đào mới biết mình là trẻ mồ côi. Chị đến phòng hành chính của Trung tâm xin được xem hồ sơ về mình. Các thông tin về cha mẹ, địa chỉ, nơi sinh đều bỏ trống. Chị lật mặt trước, mặt sau từng tờ giấy của bộ hồ sơ để xem có tìm được chút manh mối nào về nguồn gốc của mình. ‘Lật đi lật lại mấy lần tôi mới nhìn thấy cái tên Trần Đình Phương ở mặt sau một tờ giấy’, chị kể.

Các cô ở trung tâm cho biết, người có tên Trần Đình Phương là ba của chị. Cùng thời điểm chị vào trung tâm, ông cũng được đưa đến Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè ngày nay. 'Có thể, hai cha con được đưa vào trung tâm vì nghèo, hoặc là người vô gia cư’, các cô nói với chị Đào.

Nghe các thông tin về cha, chị Đào nghĩ, tới đây mình sẽ được gặp ông, được về với gia đình...

Ngày đi cùng các cô đến Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè tìm gặp cha, chị Đào mặc bộ áo dài học sinh, mang một món quà do mình tự làm đến để tặng ba. ‘Gặp tôi, chắc ba vui lắm’, chị đinh ninh.

Ngày còn nhỏ, chị Đào không thôi khát khao có một gia đình, nơi đó có ba mẹ, có các anh chị em chơi đùa bên nhau.

Ngày còn nhỏ, chị Đào không thôi khát khao có một gia đình, nơi đó có ba mẹ, có các anh chị em chơi đùa bên nhau.

Thế nhưng, khi đến nơi, ông Phương không còn ở đó nữa. Không ai biết ở trung tâm đó có một người đàn ông tên Trần Đình Phương.

‘Đi về, tôi cứ vùi đầu vào một cô bảo mẫu mà khóc’, chị Đào nhớ lại. Được cô bảo mẫu động viên, chị vẫn không thôi buồn. Rồi chị nghĩ, sao cha không để lại thông tin về mình nhiều một chút thì sẽ dễ tìm hơn. Có lúc chị lại ước, ba đừng để thông tin gì, để chị đừng hi vọng và đừng biết người sinh ra mình là ai.

'Mẹ ơi! Sao con có nhiều bà ngoại vậy'

Năm 1998, chị Đào là học sinh lớp 12. Năm cuối cấp nên các học sinh phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để thi tốt nghiệp. Khi xem giấy khai sinh của Đào, thầy giáo chủ nhiệm thấy bỏ trống tên ba mẹ nên gọi lên hỏi: ‘Sao khai sinh của em không ghi tên ba mẹ vào. Em hãy mang xuống bàn điền vào’. Thầy vừa nói xong, Đào không giữ được bình tĩnh nữa. Chị đứng giữa lớp khóc nức nở.

Như hiểu chuyện gì đó, thầy chủ nhiệm nhẹ nhàng bảo Đào về chỗ ngồi. Nhưng cũng từ đó, cô nữ sinh luôn buồn và hiểu được nỗi đau của một đứa trẻ không có ba mẹ. ‘Lúc đó, tôi chỉ ước sao mình là người bị khuyết tật về trí não để không phải nghĩ gì cả, để không phải phân vân chuyện mình sinh ra ở đâu, ba mẹ là ai’, chị Đào nói, nước mắt rưng rưng.

Tốt nghiệp lớp 12, Đào lấy chồng rồi đến Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em làm bảo mẫu chăm sóc các em bé mồ côi, bị bỏ rơi giống mình. Năm con gái chị 6 tuổi, ở nhà không có người trông, chị phải mang con đến chỗ làm. Gặp các bảo mẫu lớn tuổi ở trung tâm, chị bảo con gái: ‘Con chào bà ngoại đi’.

Vòng tay, gật đầu chào các bà, nhưng con gái chị hỏi mẹ: ‘Mẹ ơi! Sao con có nhiều bà ngoại vậy’. Câu hỏi của con gái làm chị khựng lại. Nhưng chị nhanh chóng gạt đi để giải thích cho con gái: ‘Mẹ cũng từng là trẻ mồ côi. Các bà ở đây đã chăm sóc, yêu thương mẹ nên giờ sẽ là bà ngoại của con’.

Do các giấy tờ của ông Trần Đình Phương đã thất lạc và sau nhiều năm tìm lại cha không có kết quả, chị Đào tạm dừng tìm kiếm lại để tập trung cho công việc.

Do các giấy tờ của ông Trần Đình Phương đã thất lạc và sau nhiều năm tìm lại cha không có kết quả, chị Đào tạm dừng tìm kiếm lại để tập trung cho công việc.

Tuổi còn nhỏ, nhưng con gái chị nhanh chóng hiểu chuyện. Đưa đôi tay nhỏ xíu của mình, em ôm cổ mẹ miệng thủ thỉ: ‘Bây giờ có con rồi, mẹ đừng buồn nhé’. Tay ôm con, nhưng chị Đào quay đi để con không biết mình đang khóc.

Chị cho biết, do hôn nhân không hạnh phúc vợ chồng chị đã ly hôn vào năm 2018. Hiện chị và con gái đang thuê phòng trọ ở. Chị cũng đang trong quá trình thực hiện dự định, sẽ mở một cơ sở dạy nghề phun xăm thẩm mỹ y khoa miễn phí cho các em có cùng hoàn cảnh với mình.

Tú Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/nguoi-phu-nu-bi-bo-luc-2-tuoi-37-nam-them-duoc-goi-tieng-me-cha-573381.html