Người phụ nữ dành cả đời để sưu tầm ảnh Bác Hồ
Hơn 40 năm qua bà Nguyễn Thị Nguyệt đã miệt mài sưu tầm và lưu giữ 3.000 tấm ảnh về cuộc đời cũng như hoạt động cách mạng của Bác Hồ.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt (năm nay đã 82 tuổi, phường Cô Giang, quận 1) xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng. Năm 12 tuổi, bà xa gia đình tham gia kháng chiến. Đến năm 1955, bà cùng anh chị tập kết ra Bắc và học tại Trường Học sinh miền Nam ở Hải Phòng. Trong thời gian này, bà Nguyệt đã may mắn được gặp Bác Hồ, vị lãnh kính yêu của dân tộc Việt Nam.
400 cuốn sách cùng hơn 3.000 tấm ảnh về Bác
Cầm trên tay tấm ảnh chụp Bác Hồ và học sinh trường mình theo học, bà Nguyệt xúc động kể năm 1955, trong một dịp Bác ghé thăm Đại tá Hồ Thị Bi tại BV 303 (nay là BV Hữu nghị Việt-Xô), bà đã may mắn nhìn thấy Bác. Dù không được gặp trực tiếp nhưng hình ảnh về Bác đã in sâu trong lòng bà từ lúc đó.
Bốn năm sau đó (1959), Bác về thăm Trường Học sinh miền Nam tại Hải Phòng thì cuộc gặp gỡ ấy thật sự xúc động. “Lúc đó tôi nghe thông báo có đoàn cán bộ trung ương đến thăm trường nhưng không biết là ai. Bấy giờ tôi là đội viên thanh niên cờ đỏ của trường và vinh dự được đứng ngoài mở cửa cho đoàn vào. Vừa nhìn thấy Bác xuống xe, tôi vội chạy đến ôm chầm lấy Bác. Cho đến bây giờ khi kể lại giây phút đó tôi vẫn có một cảm xúc không nói thành lời” - bà Nguyệt xúc động.
Rồi sau khi đất nước thống nhất, bà Nguyệt trở về miền Nam nhưng trong lòng luôn nhớ về hình ảnh của bác. Chính điều này đã thôi thúc bà bắt tay sưu tập những hình ảnh, thông tin về Bác để học tập, noi theo gương Người.
Căn nhà nhỏ trong con hẻm trên đường Nguyễn Khắc Nhu, quận 1, TP.HCM là nơi bà Nguyệt lưu giữ những bức ảnh, sách tư liệu về cuộc đời của Bác Hồ. Hơn 40 năm qua, bà Nguyệt đã sưu tầm khoảng 400 cuốn sách cùng hơn 3.000 tấm ảnh về Bác Hồ và mỗi tấm ảnh đều chứa đựng một câu chuyện đầy ý nghĩa, gắn liền về Bác.
Những tấm ảnh này được bà Nguyệt lưu giữ bằng cách in rồi sắp xếp cẩn thận vào một album theo từng chủ đề khác nhau về cuộc đời Bác và cất trong ngăn tủ, nơi mà bà coi là linh hồn của cuộc đời mình. Đó là tấm ảnh về những người thân của Bác, lúc Bác sống ở Huế, khi Bác ra đi tìm đường cứu nước, những hoạt động của Bác ở nước ngoài, Bác với bộ đội, Bác với các cháu thiếu nhi…
Chỉ vào tấm ảnh Bác chụp chung với hoàng thân Souphanouvong (Lào), bà Nguyệt nói: “Đây là tấm ảnh in trong một cuốn sách nhưng vì đắt nên tôi không đủ tiền mua. Biết được câu chuyện của tôi, một thanh niên chưa hề quen biết trong nhà sách đã âm thầm bỏ tiền mua tặng nên tôi rất trân quý”.
Học Bác là để hoàn thiện mình
Lật từng trang ảnh trong cuốn album, bà Nguyệt nói: “Tôi tuy tuổi đã gần đất xa trời rồi nhưng mỗi ngày đều dành thời gian đọc sách về Bác. Càng đọc tôi càng thấm thía những lời Bác dạy. Cũng vì lẽ đó, tôi đã vận dụng lời dạy của Bác để làm phương châm sống, truyền đạt cho con cháu, cho mọi người, vận động họ thực hành vào cuộc sống hằng ngày”.
Theo bà Nguyệt, việc học ở Bác sẽ giúp chúng ta tốt hơn, hoàn thiện hơn chứ không phải học Bác để trở thành một vĩ nhân. “Từ nhỏ Bác đã được cha dạy về lòng yêu thương đất nước, nhân dân. Những câu Kiều, câu dân ca của quê hương, Bác không bao giờ quên. Tôi nghĩ đó là điều quý giá vô cùng và nó đã gắn vào máu thịt của Bác. Vì vậy, chúng tôi học, học hoài, học mãi đến bây giờ vẫn thấy chưa đủ” - bà Nguyệt chia sẻ.
Trong số 3.000 tấm ảnh về Bác Hồ mà tôi sưu tầm được, có tấm là các vị lãnh đạo cấp cao tặng, tấm thì bạn bè đồng nghiệp gửi đến nhưng cũng có tấm tôi phải bỏ công đi tìm suốt mấy tháng bằng xe đạp mới có được. Thậm chí khi sang Pháp thăm con gái, tôi cũng dành thời gian đi tìm thêm hàng trăm tấm ảnh về Bác…
Bà NGUYỄN THỊ NGUYỆT (phường Cô Giang, quận 1, TP.HCM)
Từ những mẩu chuyện về Bác, bà Nguyệt hiểu được trách nhiệm của người đi trước cần chăm lo và giáo dục tốt cho thế hệ trẻ, nhất là các cháu mầm non. Khi về hưu bà Nguyệt thường đến các trường để kể chuyện về Bác Hồ cho các cháu nhỏ.
“Các cháu nhỏ đều rất hứng thú khi nghe tôi kể chuyện về Bác. Nhiều cháu đã đặt những câu hỏi rất hay và ngộ nghĩnh. Điều quan trọng nhất là sau mỗi câu chuyện tôi kể về Bác, các cháu đều học tập và làm theo như việc rửa tay phải tiết kiệm, cơm đổ ra ngoài phải nhặt lại… Mỗi lần nghe cô giáo nói lại, tôi thấy rất hạnh phúc” - bà Nguyệt cười nói.
Ảnh Bác Hồ là kỷ vật vô giá
Hơn 40 năm qua, để có được những tấm ảnh quý giá về cuộc đời, về hoạt động của Bác Hồ, bà Nguyệt đã phải chắt chiu, tiết kiệm từng đồng lương ít ỏi của mình. “Dù có bao nhiêu tiền bỏ ra mua tôi cũng không bán đâu, tất cả với tôi là tài sản vô giá. Tôi coi đó là tình cảm của một người con miền Nam đối với Bác, là trách nhiệm của một nhà giáo đối với thế hệ trẻ tương lai và hơn bao giờ hết đó là sự biết ơn vô bờ của tôi dành cho Người” - bà Nguyệt bộc bạch.
Bà Nguyệt đã trao tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh 1.800 tấm ảnh tư liệu về Bác Hồ, số ảnh còn lại bà nói sẽ giữ lại bên mình cho đến khi mất. “Khi tôi mất đi thì con cháu sẽ thay tôi gìn giữ những tấm ảnh này để linh hồn tôi vẫn luôn ở bên Bác” - bà Nguyệt nói.
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/nguoi-phu-nu-danh-ca-doi-de-suu-tam-anh-bac-ho-913138.html