Người phụ nữ gác đêm đầu tiên ở Thụy Sĩ sau 600 năm

Với sự đam mê và kiên nhẫn, Cassandre Berdoz trở thành người phụ nữ canh tháp chuông đầu tiên trong lịch sử Lausanne, khẳng định vai trò của nữ giới trong xã hội.

Từ trên đỉnh nhà thờ Lausanne vào đêm khuya, Cassandre Berdoz trở thành biểu tượng về quyền của phụ nữ ở Thụy Sĩ - một quốc gia tụt hậu về bình đẳng giới.

Cô Berdoz, 28 tuổi, là người phụ nữ đầu tiên giữ nhiệm vụ gác đêm ở nhà thờ Lausanne. Trọng trách của cô là giúp giữ an toàn về đêm cho người dân, rung chuông nếu thấy hỏa hoạn và các thảm họa khác.

Đây là công việc đã được duy trì đã được hơn 600 năm đến nay, ngay cả khi nó không còn vai trò an ninh như ở những thế kỷ trước, theo New York Times.

Bước ngoặt của phụ nữ Thụy Sĩ

Việc thông báo giờ giấc không còn cần thiết ở đất nước nổi tiếng với những chiếc đồng hồ, nhưng cô Berdoz vẫn muốn gìn giữ truyền thống này. Từ bốn phía của tháp chuông, cô ấy hô to từng giờ, ngay sau khi tiếng chuông lớn của nhà thờ vang lên.

 Cassandre Berdoz là người phụ nữ đầu tiên được làm nhiệm vụ gác đêm ở Lausanne, Thụy Sĩ. Ảnh: New York Times.

Cassandre Berdoz là người phụ nữ đầu tiên được làm nhiệm vụ gác đêm ở Lausanne, Thụy Sĩ. Ảnh: New York Times.

Cô rướn người trên lan can, áp tay quanh miệng để âm thanh vọng xa hơn, dõng dạc nói: “Đây là nữ gác đêm! Bây giờ là 10 giờ tối".

Được làm người gác đêm vốn là "giấc mơ thuở nhỏ" của Berdoz. Cô đã phải trải qua nhiều khó khăn để hiện thực hóa giấc mơ này.

Vài năm trước, khi lần đầu tiên hỏi về công việc này, cô không nhận được phản hồi từ chính quyền thành phố. Kể cả khi cô viết thư gửi họ thêm một lần nữa, vẫn không có lời hồi đáp nào. Vậy nên cô quyết định gọi điện thoại đến tòa thị chính mỗi tháng để hỏi tình hình tuyển dụng cho vị trí này.

 Chiếc đèn thắp nến của người gác đêm. Ảnh: New York Times.

Chiếc đèn thắp nến của người gác đêm. Ảnh: New York Times.

Chiếc mũ phớt truyền thống của người gác đêm. Ảnh: New York Times.

Chiếc mũ phớt truyền thống của người gác đêm. Ảnh: New York Times.

Bước ngoặt xảy ra vào tháng 6/2019, khi hàng trăm nghìn phụ nữ trên khắp Thụy Sĩ tổ chức đình công một ngày để phản đối tình trạng bất bình đẳng ở một trong những quốc gia giàu nhất thế giới.

Ở Lausanne, bốn người phụ nữ đã thách thức bằng cách đi lên tháp chuông của nhà thờ để thông báo giờ, được đám đông cách đó khoảng 67 m cổ vũ. Năm ngoái, chính quyền thành phố Lausanne cho phép phụ nữ tham gia ứng tuyển dụng vị trí gác đêm. Đợt tuyển dụng vừa qua thu hút hơn 100 đơn đăng ký, đến 80 đơn là của phụ nữ.

Sau hai vòng phỏng vấn, thể hiện nội lực của giọng nói, cô Berdoz đã xuất sắc trúng tuyển vào tháng 8/2021.

“Tôi được làm việc ở một nơi cổ kính đáng mến, được góp sức cho thành phố thân yêu, gìn giữ truyền thống quý báu. Hơn hết, tôi tự hào là tiếng nói đại diện cho nữ giới, đóng góp cho tinh thần nữ quyền của mình", cô chia sẻ.

Vẫn cần cải cách

Nadia Lamamra, một chuyên gia về vấn đề giới, giáo sư tại Đại học Giáo dục và Đào tạo nghề Liên bang Thụy Sĩ, nói rằng việc bổ nhiệm này là “một biểu tượng mạnh mẽ, được nhiều nhà đấu tranh nữ quyền ủng hộ".

Tuy nhiên, thành phố vẫn cần thể hiện sự nghiêm túc với quyền của phụ nữ thay vì chỉ để đối phó với cuộc đình công trên.

 Một buổi trình diễn tại nhà thờ lớn vào tháng 12/2021. Ảnh: New York Times.

Một buổi trình diễn tại nhà thờ lớn vào tháng 12/2021. Ảnh: New York Times.

Bà Lamamra cho biết ở Thụy Sĩ, phụ nữ mới có quyền bầu cử vào năm 1971, nên vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là trả lương công bằng cho phụ nữ, cân bằng vai trò việc chăm con và nội trợ gia đình, đồng thời cho phép phụ nữ tham gia các ngành nghề truyền thống dành cho nam giới.

Kể cả khi Lausanne đã có nữ gác đêm đầu tiên trong lịch sử, đồng nghiệp của Berdoz đều là đàn ông. Bộ phận của cô gồm có 6 người, và cấp trên là một người đàn ông.

David Payot, Ủy viên Hội đồng Thành phố Lausanne, nói rằng Thụy Sĩ tự hào vì nền dân chủ trực tiếp, cho phép công dân bỏ phiếu về các chính sách quan trọng, nhưng khi nhìn vào vị trí kinh tế của phụ nữ và vai trò của họ trong cuộc sống gia đình, vẫn tồn đọng sự bất bình đẳng.

Cô Berdoz, ban ngày làm quản lý sự kiện, thường dành khoảng 4 đêm/tháng để gác đêm trên tháp chuông, từ 10 giờ tối đến 2 giờ sáng hôm sau. Cô có thu nhập tương đương 130 USD cho mỗi ca làm việc.

Được ủng hộ nhiệt tình, song đôi lúc cô Berdoz vẫn nghe thấy những lời chỉ trích rằng đây không phải công việc của phụ nữ, hoặc một người không theo đạo như cô ấy thì không nên làm việc trong nhà thờ.

Tiếp tục duy trì

Lausanne, một thành phố cổ kính với những con đường dốc, lát đá cuội và là nơi đặt trụ sở của Ủy ban Olympic Quốc tế, đã giữ gìn một chiếc đồng hồ lớn tại nhà thờ từ năm 1405.

Những người canh gác nhà thờ đứng ở vị trí cao nhất, có tầm nhìn bao quát toàn bộ thành phố và những ngọn núi bên kia hồ Geneva, sẽ quan sát an ninh ban đêm.

 Thành phố Lausanne về đêm. Ảnh: New York Times.

Thành phố Lausanne về đêm. Ảnh: New York Times.

Nhiệm vụ chính của họ là báo động hỏa hoạn trước khi đám cháy lan sang các tòa nhà khác, thi hành lệnh giới nghiêm vào ban đêm và nhằm đảm bảo mọi người ở nhà và chú ý đến lò sưởi của họ.

Theo ông Payot, một số thành phố ở châu Âu đã khôi phục công việc cổ xưa này để thu hút khách du lịch. Trong khi đó, Krakow ở Ba Lan được cho là thành phố duy nhất tại châu Âu duy trì việc này liên tục từ thời Trung cổ cho đến nay.

Tiếng canh đêm bắt đầu vang lên ở phía đông của tháp chuông, nơi quan trọng nhất theo quan niệm xưa vì đối diện với thành phố Jerusalem. Nhưng cô Berdoz thích phía nam hơn vì nhìn được ra hồ, còn phía bắc mang lại tiếng vang rõ nhất.

Làm việc trên tháp chuông lộng gió cũng là một thách thức lớn vào những mùa đông lạnh giá. Vào năm 1947, thành phố Lausanne đã xây dựng một nhà nghỉ nhỏ để giữ ấm cho người canh gác trong khi làm việc.

Nhà nghỉ bằng gỗ này cũng là nơi cất chiếc mũ phớt truyền thống, đèn thắp bằng nến và bộ nồi lẩu phô mai. Điện thoại quay số trở thành vật trang trí và được thay thế bằng chiếc điện thoại hiện đại.

 Những người gác đêm phải leo 153 bậc thang để lên tháp chuông. Ảnh: New York Times.

Những người gác đêm phải leo 153 bậc thang để lên tháp chuông. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, do nhà thờ không có thang máy nên những người canh gác vẫn phải leo lên 153 bậc thang để lên tháp chuông.

Bảo Châu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-phu-nu-gac-dem-dau-tien-o-thuy-si-sau-600-nam-post1293174.html