Người phụ nữ 'giữ lửa' trong nhà cựu thủ môn Dương Hồng Sơn
Nhìn mấy ba con chơi cùng nhau nhau trên chiếc ghế bành, chị Huệ mong anh Sơn không phải đi công tác xa để ngày nào các con cũng vui như vậy.
Người đàn bà "giữ lửa"
17h30 chiều, sau một ngày làm việc căng thẳng, nghe tiếng bi bô của Khoai Tây (con trai út, 3 tuổi) và giọng đọc bảng cửu chương lảnh lót của Bắp Ngô (con trai thứ ba, 8 tuổi), chị Bùi Thị Bích Huệ (vợ của cựu thủ môn Dương Hồng Sơn) mỉm cười nhẹ nhõm và mãn nguyện.
Covid-19 khiến các giải đấu trong nước đều bị hủy nên đây là quãng thời gian hiếm có "Quả bóng Vàng Việt Nam 2008" ở nhà. “Từ lúc biết nhau đến bây giờ đã 28 năm, nhưng đây là thời gian chúng tôi được bên nhau nhiều nhất”, chị Huệ (ngụ Trương Định, Hà Nội) chia sẻ.
Sau một giờ, bàn ăn được dọn ra các món súp lươn, thịt kho tàu, cá canh nghêu và nộm giá. Nấu ăn là sở thích của chị Huệ. Nhìn mâm cơm hôm nay, cựu tuyển thủ quốc gia rất khéo nịnh vợ: “Đúng là vợ lắp máy nghe trộm trong đầu anh rồi”.
Mặc dù ăn món ăn mẹ nấu mỗi ngày, nhưng cứ đến giờ ăn là mắt đứa nào cũng sáng như sao “con chưa bao giờ được ăn món nào ngon như này hết”.
Sau khi gỡ xương cá cho Khoai Tây, quay trở lại thấy bát mình cũng đã đầy thức ăn, chị Huệ mỉm cười. Lớn lên trong vòng tay chăm sóc của mẹ, bé Mẫm (con trai cả, 13 tuổi) và bé Ken (con gái thứ hai, 10 tuổi) đã có thể phụ mẹ việc nhà. Đôi tay bé khệ nệ bê từng chiếc bát, chiếc đũa ra bồn rửa bát.
Nhiều người tưởng sinh 4 nhóc trong 10 năm khiến chị gặp khó khăn trong việc chăm sóc. Nhưng chị Huệ nói, cả bốn bé đều “dễ nuôi”. “Trong việc dạy con, tôi rất nguyên tắc nên các bé rất tự giác và biết phụ mẹ. Từ lúc sinh Mẫm đến giờ tôi chưa phải ninh xương nấu cháo bao giờ. Các bé toàn ăn cơm xay thôi, một tuổi rưỡi đã bắt đầu tự xúc cơm ăn”, vợ cựu tuyển thủ quốc gia tấm tắc.
Sau bữa cơm, Mẫm và Ken ôm lấy hai cánh tay ba, Bắp Ngô bám lấy cổ, còn em út Khoai Tây nhỏ nhất nhà lọt thỏm trong lòng ba. Nhìn mấy ba con chen chúc nhau trên chiếc ghế bành, chị Huệ lại mong anh Sơn không phải đi công tác xa để ngày nào các con cũng vui như vậy.
Hành trình đi qua gian khó
Để đổi về những giây phút vui vẻ hạnh phúc như lúc này, chị Huệ không biết mình đã khóc bao nhiêu lần khi không có chồng bên cạnh.
Ngày ấy, nhà cách nhau có vài chục mét nhưng thời gian gặp nhau không nhiều. Chị học cấp 2 (huyện Quỳnh Lưu) thì anh vào TP Vinh (Nghệ An). Cấp 3 chị vào Vinh học thì anh ra Hà Nội. Chị ra Hà Nội học, anh lại đi tập huấn nước ngoài. Cưới nhau về chị ở Quỳnh Lưu, anh ở Vinh. Đến lúc mua nhà ở Vinh thì anh lại ra Hà Nội.
“Nói đến thời gian xa nhau thì nhiều lắm, mình lại là phụ nữ mà, dễ tủi thân, khóc nhiều, nhớ nhiều lắm. Nhưng rồi hai vợ chồng vẫn ở bên nhau và lần lượt có bốn bé, để thấy rằng, ngoài tình yêu và sự thấu hiểu thì quan trọng hơn vẫn là sự tin tưởng lẫn nhau", chị ngậm ngùi.
Lúc kết hôn, hai vợ chồng chưa có bất kì tài sản nào, đến tiền chụp bộ ảnh cưới cũng không có. “May có bạn anh biết nên tặng mới có", chị Huệ hoài niệm.
Đáng nhớ nhất là lần sinh Ken. Sau khi đón con từ tay y tá, anh Sơn "quên" luôn vợ.
Bác sỹ bảo phải 6 tiếng nữa chị mới được ra khỏi phòng theo dõi sau mổ nên cả nhà kéo nhau về nhà nghỉ ngơi. Lúc chị được ra khỏi phòng hậu phẫu thì không có người nhà ở đó, đồ dùng cá nhân cũng không có. Y tá gọi mãi không thấy người nhà nên phải hỏi xin các mẹ trong phòng cho chị.
“Lúc đó tôi khóc quá trời quá đất vì tủi thân. Vì ánh mắt người ta nhìn mình đầy thương cảm. Họ nghĩ tôi không chồng mà chửa”, hơn 10 năm đã trôi qua nhưng giờ nhớ lại chị vẫn nghẹn ngào.
Anh Sơn nghe vợ kể lại cũng không khỏi xót xa. Siết chặt tay vợ, mắt anh rơm rớm: “Khi đến viện thấy vợ khóc nhiều thì chỉ biết xin lỗi. Mình vẫn áy náy chuyện Huệ sinh bé Ken mãi. Mà thế mới thấy được là mình vô tâm quá!”.
Một lần khác vào tháng cuối cùng trước khi sinh Khoai Tây, Hà Nội có bão, chập điện nên mất cả điện cả nước, một mình chị kiêm luôn khoản sửa điện sửa máy trong nhà. “Khó khăn thì nhiều lắm nhưng tất cả rồi cũng qua. Đến với nhau từ hai bàn tay trắng, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua”.
Do đặc thù công việc, anh Sơn xa nhà thường xuyên.
Hết sự nghiệp cầu thủ đến huấn luyện viên, vinh quang nhiều nhưng áp lực cũng vô cùng lớn. Lúc chồng giải nghệ theo nghiệp huấn luyện viên, chị tưởng sẽ không căng thẳng như lúc thi đấu. Nhưng ngờ đâu áp lực lớn hơn vì phải gánh trên vai cả đội bóng và thường xuyên stress nặng.
“Thế nên tôi cố gắng không để anh phải lo lắng thêm một chuyện gì cả”, hai tay chị siết chặt.
Kể cả việc ăn uống, bồi bổ cho các cầu thủ của anh. Mỗi lần đến đội bóng thăm chồng chị thường chuẩn bị rất nhiều đồ ăn. “Các con ở đội U22 thường hay bảo có cô Huệ nên mới được ăn ngon như vậy”, chị Huệ tự hào.
Như năm ngoái, công tác huấn luyện ở Phú Thọ, cả mùa giải anh không về nhà. Cứ cuối tuần là chị đưa các con lên đội chơi với anh. “Có những buổi chiều nhớ chồng quá, đi làm về tôi lái xe lên Phú Thọ ăn cơm với chồng cho đỡ nhớ. 5h sáng hôm sau dậy lái xe về Hà Nội đi làm”.
Anh thi đấu ở đâu là chị đưa con vào cổ vũ. Kể cả Gia Lai hay Nha Trang, Đà Nẵng, Nam Định, Hải Phòng... Năm nay chồng nhận nhiệm vụ ở Quảng Nam, mới có mấy tháng nhưng chị với các con cũng đã vào 5 lần.
Vì lệnh giãn cách nên chị đang tạm dừng việc kinh doanh. Bình thường có nhiều hôm sau khi các con đi ngủ, chị thức đến 1-2h sáng đóng hàng cho khách. Cũng có đợt chị kho mấy chục cân cá đến 4h sáng.
Bạn bè thường khuyên chị, giờ cuộc sống đã tương đối rồi, cần gì vất vả như vậy. Nhưng chị không muốn tạo áp lực cho chồng, chị muốn sánh bước cùng anh và tiếp tục là điểm tựa cho anh và các con. Và hơn cả, chị làm vì đam mê của mình.
“Nhiều người nói tôi may mắn, đúng là may mắn lớn nhất cuộc đời tôi là gặp được anh, còn lại đều từ nỗ lực của cả hai mà có được”.