Người phụ nữ gửi khát vọng vào hoa sen Đa Lộc
Đến thăm vườn hoa sen Đa Lộc của chị Nguyễn Thị Minh Tâm (ấp Bưng Thuốc, xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương) vào những ngày cuối tháng Giêng này, chúng tôi cứ ngỡ mình đang lạc vào chốn tiên cảnh với màu xanh ngút ngàn của cây lá...
Từ cô gái mê chơi hoa…
Vườn hoa sen Đa Lộc của chị Nguyễn Thị Minh Tâm ẩn mình sau những cánh rừng cao su bạt ngàn của xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương. Nếu trời nắng ta sẽ phải băng qua những con đường đầy bụi đỏ, còn ngày mưa phải lội bùn mới tới được vườn sen Đa Lộc. Trên diện tích 5.000m2 đất, 1.500 gốc sen đua nhau vươn lên và ra hoa bói đầu vụ. Những cánh hoa sen dày và cứng, chen chúc đan xen, quấn chặt lấy nhụy, làm vùng đất này rạng rỡ hơn và làm lòng người cũng vui theo. Hoa sen mới cắt xuống, hương hoa thơm thoang thoảng, dịu nhẹ, nhưng không ngào ngạt, nồng nàn như hoa sữa, hoa hồng hay những loài hoa khác.
Ôm trên tay bó hoa sen Đa Lộc mới hái, chị Nguyễn Thị Minh Tâm, cười vui: “Ngày trước, sang chơi nhà dì ruột, thấy trước nhà có chậu hoa này nở rất đẹp và lạ quá. Tôi xin dì nhánh nhỏ về trồng trong chậu làm cảnh chơi. Dần dần, bụi cây đẻ nhánh sum suê, búp hoa đua nhau mọc lên từng khóm và xòe cánh khoe sắc khiến tôi như bị thôi miên. Tôi lên mạng tự mày mò tìm hiểu kỹ thuật trồng cây hoa sen Đa Lộc và đầu tư vốn, nhân giống, trồng thử nghiệm 500 gốc cây tại vườn nhà ở xã An Điền, thị xã Bến Cát”. Sau 8 tháng, vườn cây của chị Tâm đã cho thu hoạch. Vụ hoa đầu tiên, chị cắt và đem ra chợ bán lẻ, rồi đi giới thiệu cho các shop hoa ở khu vực thị xã Bến Cát. Lúc đầu, các chủ shop hoa từ chối sợ không tiêu thụ được. Chị Tâm cố gắng năn nỉ và gửi hoa nhờ chủ shop bán hộ. Khi nào shop bán hết hoa, chị mới đến lấy tiền và gửi lại cho chủ shop hoa tiền chiết khấu. Không ngờ sau thời gian ngắn, hoa sen Đa Lộc đã được thị trường ưa chuộng. Các chủ shop hoa trong và ngoài tỉnh liên tục đặt mua, đặc biệt vào dịp Tết cổ truyền hoặc những ngày rằm. Cũng từ đó, ước mơ khởi nghiệp của chị Nguyễn Thị Thanh Tâm mới thực sự bắt đầu. Và hoa sen Đa Lộc bắt đầu khan hàng, có thời điểm khách vào tận vườn thu mua mà không có hoa để bán.
Sen Đa Lộc là loại cây thân thảo, thuộc họ gừng, nguồn gốc xuất xứ chủ yếu mọc hoang dã từ các vùng rừng núi ở Thái Lan và Indonesia. Cây sống lâu năm, mọc thành từng bụi, đẻ nhánh giống như những bụi gừng, bụi riềng, thân cây mọc thẳng đứng, có màu xanh đậm, ưa khí hậu râm mát, đất thịt hoặc đất pha cát, có độ ẩm cao. Hoa sen Đa Lộc, có màu đỏ tươi, viền cánh hoa có màu phơn phớt hồng, thường cho hoa quanh năm, nhưng mùa nở rộ nhất là tháng Năm và tháng Mười, trung bình mỗi bụi cây cho khoảng từ 20 đến 50 bông hoa trong một năm.
…đến ý tưởng táo bạo làm giàu
Ngày xưa các cụ thường hay kể, hoa sen Đa Lộc được coi là loài hoa cao quý, thanh tao, thường được bày biện ở những nơi sang trọng, chỉ dành riêng cho các bậc vua chúa và tầng lớp quý tộc. Ngày nay, hoa sen Đa Lộc không chỉ dùng để thờ cúng trong nhà chùa, trong nhà với ý nghĩa may mắn, sung túc và hạnh phúc, mà nó còn được dùng để trang trí trong các hội nghị, làm các món ăn thưởng thức trong làng ẩm thực châu Á, hoặc làm dược liệu phục vụ cho ngành Đông y. Vì thế, chị Tâm đã bàn bạc với chồng, quyết tâm mở rộng diện tích đất trồng.
Tháng 7 năm 2019, chị Nguyễn Thị Minh Tâm quyết định hợp tác với 7 hội viên phụ nữ của địa phương thành lập Hợp tác xã Hoa Đa Lộc. Hơn một năm hoạt động và nhân rộng mô hình, đến nay Hợp tác xã Hoa Đa Lộc đã có 6.000 gốc sen, trên diện tích khoảng 2 héc-ta (trong đó có 1.000 gốc cây được trồng trên diện tích 3.000m2 đất, tại huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước; 1.500 gốc cây được trồng trên diện tích 5.000m2 đất, tại xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng). Thu nhập ban đầu còn khá khiêm tốn, nhưng Hợp tác xã Hoa Đa Lộc đã giải quyết được việc làm cho 10 lao động tại địa phương.
Qua tập huấn, nghiên cứu, chị Nguyễn Thị Minh Tâm thấy nhụy búp sen non này có vị chua chua, chan chát nên được sử dụng làm gia vị, nhất là trong các món ăn lẩu của người Thái Lan. Cánh hoa sen có thể phơi hoặc sấy khô nấu nước uống hằng ngày. Ngoài ra, cánh hoa sen thường được dùng để ép tinh dầu, hoa sen càng to, màu cánh sen càng đỏ đậm thì càng có nhiều tinh dầu. Để thu hái được những bông hoa đạt chất lượng, cần phải tưới nước vào mùa khô để giữ độ ẩm, tăng cường bón phân, vun gốc, xới cỏ… Dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, vườn hoa này đã cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh gần 1.000 bông. Hiện tại có một vài công ty đến hợp tác, ký kết hợp đồng cung cấp hoa sen Đa Lộc để xuất khẩu và ép tinh dầu, nhưng Hợp tác xã Hoa Đa Lộc chưa dám ký vì nguồn hàng chưa đáp ứng đủ số lượng. Thời gian tới, nơi đây sẽ tiếp tục hợp tác với các địa phương trong và ngoài tỉnh để nhân rộng mô hình, diện tích và học hỏi thêm kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật trong mô hình trồng và sản xuất hoa sen Đa Lộc, giữ cho cây không bị sâu bệnh.
Theo bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Dương, trồng hoa sen Đa Lộc là mô hình mới ở địa phương. Vừa qua, sản phẩm hoa sen Đa Lộc cũng được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh báo cáo với Trung ương trong quá trình xây dựng và triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2025” do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam hướng dẫn.
Với ý chí quyết tâm, biến ý tưởng của mình thành hiện thực, làm giàu chính đáng bằng công sức lao động và sự sáng tạo, hy vọng vườn hoa sen Đa Lộc sẽ giúp cho chị Nguyễn Thị Minh Tâm thêm nhiều khát vọng trên con đường phát triển kinh tế nông nghiệp. Đây cũng là bước đột phá mới trong cuộc hành trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương, góp phần xây dựng quê hương Bình Dương ngày càng giàu đẹp, phát triển.