Người phụ nữ hơn 40 năm gắn bó với 'nghề câu xác' trên sông Hồng
Bất kể trời nắng gắt hay những ngày mùa đông mưa rét lạnh tê người, cứ có người gọi là bà Nguyễn Thị Bình lại tất bật dong thuyền ra sông, mang theo bộ móc câu quen thuộc, mò đáy sông tìm kiếm những phận người xấu số.
12 tuổi đã làm quen với công việc khác người: Vớt xác
Vào một ngày mùa đông hanh nắng, chúng tôi tìm về gặp bà Nguyễn Thị Bình (70 tuổi), ở đường Thụy Phương , phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội. Người phụ nữ này được mọi người gọi vui là "kẻ cướp cơm Hà Bá".
Tiếp chuyện chúng tôi là người phụ nữ với dáng người đậm, nước da nâu khỏe, khuôn mặt phúc hậu, vui vẻ và cách nói chuyện rất đời nhưng chân thật.
Rót chèn trà mời chúng tôi, bà Bình chậm rãi kể về cuộc sống mưu sinh với nghề chài lưới và cái duyên mà bà đến với cái "nghề câu xác", tìm kiếm những phận người xấu số nơi đáy sông hơn 40 năm qua.
Theo lời bà Bình, bố mẹ bà là dân chài lưới, cả gia đình sống trên chiếc thuyền nhỏ, bà được sinh ra và lớn lên trên thuyền. Cuộc sống thương hồ cảnh "gạo chợ nước sông" trôi theo những con nước lớn ròng, những luồng cá nên mới 5-6 tuổi, cô bé Bình đã biết bơi và bơi rất giỏi, khiến đám con trai nhiều phen khâm phục. Gắn với sông nước, cuộc sống phóng khoáng của dân thương hồ nên tính cách, con người của bà cũng bỗ bã, "ăn sóng nói gió".
Nhấp chén trà, bà kể tiếp câu chuyện, nói về cái duyên với "nghề câu xác" là sự tình cờ bởi với cô bé 12 tuổi khi đó, cái tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới" và nghe đến từ "xác chết trôi" là đã sợ co rúm lại nói gì đến việc tiếp xúc, đụng chạm đến. Năm đó mưa lụt to, có người ở mạn ngược trên Phú Thọ xuống nhờ bố của bà tìm xác người nhà bị đuối nước, vì thiếu người nên Bình được huy động cùng đi tìm và vớt xác.
"Ban đầu, nhìn thấy xác chết tôi sợ lắm, xác ở dưới nước lâu ngày bị chương lên, trắng bệch, và có mùi thối, nhìn thấy tôi đã nôn. Ông cụ nhà tôi cứ dí tôi vào và vì sợ ông cụ quát mắng nên nhắm mắt lấy hết can đảm tiếp tục phụ với bố đưa xác người xấu số vào bờ và làm thủ tục để khâm liệm", bà Bình kể về cảm giác lần đầu tiên tiếp xúc với xác chết.
Có duyên với "nghề câu xác"
Hiện tại đã ở tuổi 70 nhưng cuộc sống của bà Bình vẫn còn nhiều nỗi lo toan. Bà sống trong gian nhà nhỏ (lợp pro xi măng). Trong nhà không có của nả gì đáng giá, cái quý nhất là tủ thờ bằng gỗ, màu sơn còn mới được một người quen cho, bà dùng để làm bàn thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
"Trong tâm niệm của tôi, sống phải tử tế dù có mình có nghèo, tôi luôn răn mình theo lời dạy, phong cách đạo đức của Bác Hồ", bà Bình tâm sự.
Bà Bình cho biết, bà không nhớ nổi mình đã vớt bao nhiêu xác chết trôi trên dòng sông Hồng cũng như những chuyến đi các tỉnh mà bà được người nhà của người xấu số nhờ vả kiếm xác. Người chết với muôn vàn lý do. Nào là mùa nước lũ chết đuối; vợ chồng không hòa thuận, giận nhau; làm ăn thua lỗ, yêu nhau không đến được với nhau, lỡ có thai… cũng lên cầu Thăng Long nhảy xuống dòng sông Hồng.
Đó có lẽ là cái duyên, bởi trên con sông Hồng có biết bao người làm nghề chài lưới nhưng lại chỉ có bà Bình làm cái nghề này. Lúc đầu, chúng tôi cứ tưởng, nghề tìm xác trên sông sẽ được trang bị nhiều dụng cụ nhưng bộ đồ nghề của bà Bình thật đơn giản. Bộ đồ nghề gắn bó với "nghiệp vớt xác" của bà bao năm là mấy trăm cái dây câu cùng hàng trăm lưỡi câu sắc nhọn được làm công phu từ loại thép thửa rất cứng.
Cũng theo lời bà Bình, nhìn đơn giản thế này nhưng trong công việc nó hữu dụng vô cùng. Việc vớt xác nhiều lúc cũng không như mong muốn của mình. Có người thì mấy tiếng đồng hồ đã kiếm được xác nhưng cũng có lúc phải đi mò mẫm hàng tuần trời mới vớt được.
"Nếu gặp xác, lưỡi câu vướng vào quần áo, da thịt người chết, tôi kéo xác đến gần thuyền rồi nhảy xuống, cột xác chết vào dây thừng mang sẵn, sau đó từ từ kéo vào bờ, đưa xác lên bờ, cùng người nhà khâm liệm. Gặp những xác chết lâu ngày đang ở thời kỳ phân hủy mạnh, chỉ đụng vào là thân thể rã rượi nên phải nhẹ tay, lúc này mình phải có cái chiếu để bó xác và đưa vào bờ", bà Bình nói về kinh nghiệm trong "nghề câu xác".
Khi chúng tôi hỏi, có mức giá cụ thể nào cho một lần vớt được xác, bà Bình xua tay: "Cái này không có giá tiền, mình làm vì cái tâm và gia đình người ta cho bao nhiêu thì mình nhận bấy nhiêu. Có nhà nghèo quá, tôi còn phải mua giúp đồ khâm liệm cho họ nữa. Quan niệm của các cụ, sống thì không sao nhưng khi chết dù đói rách cũng phải tinh tươm, sạch sẽ. Mấy chục năm qua, nếu làm "nghề câu xác" mà chỉ nghĩ đến tiền, chắc tôi cũng giàu có lắm rồi chứ đâu lại ở căn nhà tuềnh toàng, trống huơ, trống hoác, trong nhà không có vật dụng gì đáng giá như thế này!".
Mong ước thật bình dị như bao người mẹ, người bà khác là được nghỉ ngơi, quây quần bên con cháu. Nhưng với bà Bình, cuộc sống còn nhiều nỗi lo toan, bà chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục công việc "kẻ cướp cơm Hà Bá". Bởi với bà, đó là cái "nghiệp" mà mình có duyên để giúp đời, cũng là giúp mình. Đứng trước một lời nhờ vả, một hoàn cảnh của người xấu số mà mình không làm, không giúp thì bà thấy áy náy, thấy tâm mình không an. "Trời còn cho tôi sức khỏe thì tôi còn làm, tôi vẫn chưa muốn dừng công việc này", bà Bình tâm sự.