Người phụ nữ Huế mạo hiểm khởi nghiệp tay ngang, đưa hoa giấy xuất ngoại

Từ bỏ công việc ngân hàng lương cao, mạo hiểm dấn thân vào lĩnh vực tay ngang để thỏa đam mê cháy bỏng, chỉ trong một thời gian ngắn, nữ chủ nhân thương hiệu hoa giấy Maypaperflower đã xuất khẩu chính ngạch tới Mỹ, Anh, Ý, Hàn Quốc…

Bước ngoặt lớn trong cuộc đời của người phụ nữ Huế

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với chị Phan Ngọc Hiếu, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ Innodir - quản lý thương hiệu hoa giấy Maypaperflower, diễn ra khi chị Hiếu vừa trở về Việt Nam sau chuyến công tác Hàn Quốc.

“Sinh ra và lớn lên ở đất Cố đô, ngay từ nhỏ, mình đã có tình yêu nghệ thuật, đặc biệt là yêu hoa. Mình rất thích gấp giấy, toàn lựa hình hoa để gấp. Khoảng hơn 10 năm trước, trong một lần về làng Thanh Tiên chơi (làng nghề làm hoa giấy truyền thống có tuổi đời hơn 300 năm – PV), được bác Nguyễn Hóa - một nghệ nhân hoa giấy – kể về cách làm hoa nghệ thuật, mình nảy sinh ý tưởng đưa sáng tạo đương đại vào các sản phẩm truyền thống để phát triển sản phẩm phù hợp hơn với thị trường. Không có sẵn nhiều tài liệu, mình lên mạng Internet tìm hiểu, tự mua giấy về mày mò, học hỏi thêm cách làm”, chị Hiếu mở đầu câu chuyện.

Ngay từ nhỏ, chị Hiếu đã có tình yêu nghệ thuật, đặc biệt là yêu hoa (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ngay từ nhỏ, chị Hiếu đã có tình yêu nghệ thuật, đặc biệt là yêu hoa (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Dù chỉ tự học, nhưng với năng khiếu trời phú, những sản phẩm đầy tính sáng tạo của chị Hiếu được nhiều bạn bè, đồng nghiệp, người thân đánh giá cao.

Sau khi lập gia đình, chị Hiếu chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống. Ban ngày đi làm ở ngân hàng, tối về làm hoa giấy cho vui.

“Làm ngân hàng không phải đam mê nên mình cảm thấy bứt rứt lắm. Nghe mình nói ý định nghỉ công việc ngân hàng dù đang có mức lương khá tốt để theo đuổi công việc yêu thích, theo đuổi đam mê ấp ủ từ lâu, nhiều người thân cũng phản đối. Song mình vẫn muốn thử mạo hiểm một lần ra khỏi vòng an toàn. Lúc đấy cũng nghĩ tới tình huống nếu thất bại thì 1 – 2 năm sau sẽ quay lại xin việc ngân hàng”, chị Hiếu nhớ lại bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình.

Công ty Innodir của Giám đốc Phan Ngọc Hiếu chính thức thành lập năm 2021.

“Innodir là viết tắt của từ tiếng Anh “Innovative Direction” với hàm ý mong muốn phát triển các sản phẩm làng nghề truyền thống theo hướng cải tiến, sáng tạo. Ở Huế có rất nhiều sản phẩm làng nghề chứ không chỉ riêng hoa giấy. Sau khi ổn định phát triển với hoa giấy thì mình có thể phát triển những dòng sản phẩm khác theo hướng này”, nữ doanh nhân cắt nghĩa tên gọi của công ty, đồng thời nói rõ thêm ý nghĩa của thương hiệu hoa giấy Maypaperflower thuộc quyền quản lý của Innodir: Paperflower là hoa giấy, còn May là tên gọi của cô con gái sinh vào tháng Năm.

Bản lĩnh đối mặt khó khăn bủa vây khởi nghiệp tay ngang

Khởi nghiệp chưa được bao lâu, dịch Covid-19 ập tới, chị Hiếu quay lại Huế sinh sống. Rất nhiều người Huế trước đó sinh nhai bằng nghề dịch vụ du lịch hoặc các ngành nghề khác, vì đại dịch bỗng hóa thất nghiệp.

Nhận đơn hàng từ bạn bè, người quen ở Thành phố Hồ Chí Minh, chị Hiếu kết nối đội ngũ nhân sự ở Huế để làm sản phẩm theo đúng yêu cầu. Về lại làng Thanh Tiên, cả làng có hàng trăm hộ dân nhưng chỉ vài nhà làm hoa giấy truyền thống, còn lại hầu hết đã mai một nghề.

“Mình đem các mẫu hoa giấy hiện đại về làng Thanh Tiên nhưng đa số người làm hoa giấy ở đó là người lớn tuổi, quen cách làm hoa truyền thống, không thích làm hoa kiểu hiện đại. Mình phải tìm nhiều cách thuyết phục con cháu họ cùng làm với mong muốn bảo tồn được nghề làm hoa giấy. Khi đó, mình liên tưởng làng hoa giấy Thanh Tiên sẽ có sự phát triển giống như làng gốm Bát Tràng, hiện có hàng trăm công ty làm sản phẩm xuất khẩu rất tốt”, CEO Innodir kể tiếp.

Xác định trước rằng khởi nghiệp sẽ phải đối diện với khó khăn, song thách thức trong đời thực khắc nghiệt hơn nhiều so với mường tượng ban đầu của chị Hiếu.

“Nhiều lúc cũng nản lắm. Công sức mình bỏ ra rất lớn nhưng cái mình nhận lại nhiều khi chỉ là sự thất bại. Thời tiết ở Huế không thuận lợi, mưa lụt thường xuyên, ảnh hưởng tới chất liệu giấy. Có khách hàng đặt sản phẩm khung tranh, bị ẩm nên hư tùm lum tùm la, trả tới trả lui. Hồi đó, công ty không có lời, mình phải lấy tiền vốn riêng để tiếp tục duy trì hoạt động, rồi phải nai lưng xoay sở, nghiên cứu thị trường, tìm tòi thiết kế sản phẩm mới. Một số người lúc đầu đồng hành với mình, sau thấy nản, thấy hoài nghi và muốn bỏ đi. Mình cũng nản, có lúc đã nghĩ tới chuyện bỏ ngang, quay trở về làm ngân hàng. Cũng may có sự hỗ trợ từ gia đình, đặc biệt là từ chồng mình, nên mọi chuyện dần được cải thiện hơn. Bây giờ mình đã có đội ngũ nhân sự ổn định, công ty có chế độ, chính sách phúc lợi xã hội để họ gắn bó lâu dài hơn”, nữ doanh nhân xứ Huế bộc bạch.

Chứa đựng vô vàn tâm huyết của những người đam mê sáng tạo nghệ thuật, sản phẩm tranh hoa giấy Maypaperflower đã được vinh danh tại một số giải thưởng lớn trong nước. Đặc biệt là đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư đặt hàng làm quà tặng để mang đi công du các nước châu Âu. Đó là niềm tự hào tự hào lớn đối với CEO Phan Ngọc Hiếu.

Năm 2020, Giải Nhất Cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Thừa Thiên Huế dành cho dự án hoa giấy của chị Hiếu đã tạo đà bứt phá cho Maypaperflower và Innodir. Tiếp đó, chị Hiếu còn tham gia nhiều cuộc thi khác ở cả quy mô địa phương và quy mô quốc gia và quốc tế.

Qua truyền thông lan tỏa, ngày càng nhiều người biết đến sản phẩm độc đáo của chị Hiếu và các cộng sự. Không ít chuỗi cửa hàng bán hoa, đồ trang trí, décor trong và ngoài nước tìm đến đặt mối quan hệ hợp tác. Đa số họ cũng rất đam mê nghệ thuật, cùng góp ý cho chị Hiếu làm ra sản phẩm hoàn thiện hơn.

 Innodir cũng nằm trong top 30 dự án tạo tác động xã hội của Cuộc thi SBC Social Business Creation tại Canada năm 2023 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Innodir cũng nằm trong top 30 dự án tạo tác động xã hội của Cuộc thi SBC Social Business Creation tại Canada năm 2023 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Dự án hoa giấy của nữ chủ nhân thương hiệu Maypaperflower có tên trong danh sách 29 dự án tác động xã hội được UNDP tài trợ năm 2022. Innodir cũng nằm trong top 30 dự án tạo tác động xã hội của Cuộc thi SBC Social Business Creation tại Canada năm 2023 trong số hàng trăm dự án trên toàn thế giới.

Sự hỗ trợ của các mentor (người hướng dẫn) đã giúp nữ CEO khởi nghiệp tay ngang đỡ vất vả phần nào, tránh những vấp váp, thất bại nặng nề.

Từ chỗ mỗi tháng bán lèo tèo vài sản phẩm thuở đầu khởi nghiệp, doanh số được cải thiện dần. Năm 2023, mức tăng trưởng doanh số của Innodir đạt tới con số 150% so với năm 2022, và quý 1 năm 2024 gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.

Đưa thương hiệu hoa giấy Việt ra thế giới

Định hướng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu của tập khách hàng nước ngoài ưa chuộng sản phẩm hand-made (làm bằng tay) hiển thị rõ nét trong tâm trí chị Hiếu sau khi mẫu cành hoa sen do chị sáng tạo và thực hiện trong 2 ngày theo phong cách hiện đại đã làm hài lòng một du khách người Singapore muốn mua đồ kỷ niệm đậm nét Việt Nam.

Tìm hiểu thị trường một số nước trên thế giới, nhận thấy tiềm năng sản phẩm hoa giấy phục vụ thị trường trang trí còn rất lớn, chị Hiếu kiên định theo đuổi đam mê.

Tìm hiểu thị trường một số nước trên thế giới, chị Hiếu nhận thấy tiềm năng sản phẩm hoa giấy phục vụ thị trường trang trí còn rất lớn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tìm hiểu thị trường một số nước trên thế giới, chị Hiếu nhận thấy tiềm năng sản phẩm hoa giấy phục vụ thị trường trang trí còn rất lớn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Tới nay, hoa giấy thương hiệu Maypaperflower đã được xuất khẩu chính ngạch bằng đường biển đi Mỹ, Anh, Ý, Hàn Quốc… Trước khi quyết định xuất khẩu, chị Hiếu đều đánh giá thị trường cẩn thận rồi mới sản xuất hàng loạt.

Theo chị Hiếu, châu Âu là thị trường khó tính nhất bởi kha khá yêu cầu về chứng chỉ liên quan nguyên liệu đầu vào (chẳng hạn FSC – chứng chỉ rừng bền vững), yêu cầu chất lượng và tính thẩm mỹ cũng rất cao.

Có vị khách gặp ở Ý, để hoàn tất các khâu đàm phán về giá, phương thức đóng gói, vận chuyển…, phải tới gần 40 lượt email, nữ CEO mới chốt xong đơn hàng.

Khách hàng ngoại thường mua sỉ. Để đáp ứng đơn hàng lớn, cần nhanh chóng tăng số lượng nhân lực có khả năng làm được sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

“Lời giải” đã được chị Hiếu tìm ra: Chuyên nghiệp hóa từng công đoạn làm nhụy hoa, cánh hoa, cành lá… Mỗi người chỉ cần tập trung học và làm một công đoạn thay vì phải học tất cả mọi công đoạn làm sản phẩm hoa giấy. Thời gian từ “tay mơ” trở thành “lành nghề” rút ngắn đáng kể.

Luôn cố gắng đảm bảo chất lượng chứ không chạy theo số lượng, nếu khách hàng đặt đơn hàng quá lớn mà thấy khó đáp ứng, nữ CEO sẵn sàng thẳng thắn trao đổi để điều chỉnh phù hợp, có thể giảm số lượng sản phẩm hoặc tăng thời gian.

“Đa số khách hàng xuất khẩu đều có thể thương lượng được. Cách đây ít lâu, mình có đơn hàng 2 tỷ đồng đặt làm trong khoảng thời gian khá gấp rút, nếu đào tạo người mới để làm cho nhanh thì có thể ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Mình đã đề nghị giảm một nửa đơn hàng”, chị Hiếu dẫn chứng.

Thời gian gần đây, ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nhựa đã trở thành vấn để cấp bách toàn cầu. Một số thị trường châu Âu ban hành hẳn quy định yêu cầu người dân hạn chế, giảm sử dụng sản phẩm hoa nhựa vì e ngại gây hại môi trường. Đó cũng là cơ hội cho những sản phẩm thân thiện môi trường như hoa giấy Maypaperflower.

“Có khách hàng quốc tế khi nhìn thấy hoa giấy của mình đã thốt lên: Đây là sản phẩm tôi kiếm tìm lâu nay. Bên phương Tây, khó kiếm người làm nghề thủ công thế này. Nhìn thấy sản phẩm của mình thì họ rất thích. Doanh thu xuất khẩu của công ty mình bây giờ chiếm tới 60 – 70% tổng doanh thu. Trong tháng 4 này, công ty sẽ xuất khẩu 1 container 20 feet hoa cành đi Milan (Ý), theo đơn hàng của vị khách gặp mình hồi tháng 9 năm ngoái tại hội chợ ở Pháp. Mình đưa mẫu, họ chỉ điều chỉnh thiết kế một xíu thôi”, chị Hiếu tự hào khoe.

Đem lại giá trị phát triển bền vững cho cộng đồng

Hiện tại, danh mục hoa giấy thương hiệu Maypaperflower đã có khoảng 200 sản phẩm, trong đó, nhóm hoa cành chủ yếu dành để xuất khẩu, còn nhóm hoa tranh dành cho thị trường trong nước.

Ứng dụng công nghệ số đã được đầu tư triển khai nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh, chẳng hạn như xây dựng hệ thống dữ liệu về sản phẩm, xây dựng bộ hồ sơ tiêu chuẩn cho quy trình sản xuất, quản lý công việc bằng phần mềm…

Trả lời câu hỏi: “Chị có hài lòng với những thành quả mình đã đạt được?”, chị Hiếu cho hay: “Hài lòng với hiện tại, nhưng cũng còn nhiều điều phải làm theo kế hoạch trong tương lai. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, kinh tế thế giới vẫn đang phải “thắt lưng buộc bụng”, mình vẫn phải cố gắng nỗ lực tìm điểm sáng”.

Một trong những niềm hạnh phúc lớn lao đối với nữ doanh nhân người Huế là đã đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Một trong những niềm hạnh phúc lớn lao đối với nữ doanh nhân người Huế là đã đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Một trong những niềm hạnh phúc lớn lao đối với nữ doanh nhân người Huế là đã đem lại nhiều giá trị cho cộng đồng.

Đội ngũ nhân sự của Innodir có rất nhiều người không xuất thân từ nghề làm hoa mà vốn làm nông dân hoặc tiểu thương. Nhiều người lúc đầu ngại ngần rằng không thể làm được hoa giấy, nhờ sự động viên của chị Hiếu, họ đã làm thử và rất tự hào vì mình cũng làm được những sản phẩm đẹp mắt. Mức lương trung bình của những người làm hoa giấy khoảng 5 – 6 triệu đồng. Với những bà nội trợ, nguồn thu này giúp họ tự chủ tài chính, xóa bỏ định kiến bao đời rằng phụ nữ phải phụ thuộc vào chồng con, qua đó họ tự tin khẳng định giá trị bản thân, không để bị người khác coi thường.

Mới đây, chị Hiếu đang triển khai kết hợp với một dự án khôi phục nghề làm giấy có truyền thống 700 năm ở Cao Bằng, Hòa Bình, hỗ trợ cho bà con dân tộc Nùng An tìm đầu ra cho hoạt động biến giấy dướng thủ công làm từ vỏ cây dâu tằm thành hoa giấy.

Mong muốn “trong tương lai, cứ nhắc đến Huế là nhắc đến hoa giấy”, nữ CEO đề xuất các trường học ở Huế đưa hoạt động làm hoa giấy vào chương trình giáo dục đào tạo để sớm phổ cập kiến thức về nghề thủ công độc đáo này cho học sinh, qua đó, khuyến khích thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ, phát triển các làng nghề truyền thống.

Bàn thêm về câu chuyện đưa hoa giấy thương hiệu Việt vươn xa trên thị trường thế giới, nữ doanh nhân lưu ý: Vẫn còn không ít rào cản đối với hoạt động xuất khẩu hàng Việt. Chẳng hạn, thủ tục vướng mắc hơn, giá cước vận chuyển lại đắt hơn so với Thái Lan, Trung Quốc…

Con đường phía trước còn không ít chông gai, thách thức, tuy nhiên, câu chuyện khởi nghiệp cùng những lời chỉ dẫn tận tình từ một vị thày đáng kính luôn là nguồn động lực lớn để CEO Phan Ngọc Hiếu tự tin bước tiếp.

“Từ hồi sinh viên, mình đọc cuốn sách “Bài giảng cuối cùng” của Giáo sư Randy Pausch, rất ấn tượng với một nội dung trong sách: Phải đặt câu hỏi, nếu ngại không đặt câu hỏi thì không giải quyết được vấn đề. Khi khởi nghiệp, mình đọc lại cuốn sách này một lần nữa. Nội dung trong sách đã tạo động lực lớn cho mình từ khi khởi nghiệp cho tới bây giờ về việc dũng cảm theo đuổi ước mơ. Trước kia, mình thuộc tuýp người rất hay ngại, sợ va chạm. Từ khi khởi nghiệp, mình liên tục học hỏi và hoàn thiện, dần tự tin hơn trước đám đông, và giờ cũng không ngại lên truyền thông. Khi đã vượt qua nỗi sợ hãi thì cứ thế tiến thôi”, chị Hiếu cười vui.

Bình Minh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nguoi-phu-nu-hue-mao-hiem-khoi-nghiep-tay-ngang-dua-hoa-giay-xuat-ngoai-2268050.html