Người phụ nữ mắc chứng bệnh kỳ quái thời Trung Cổ
Một loại thuốc trị đau nửa đầu của nữ bệnh nhân đã gây ra một phản ứng hiếm gặp: Cảm giác nóng rát ở chân và khiến cô mất một ngón chân.
Theo đó, một phụ nữ đã được các bác sĩ chẩn đoán mắc một căn bệnh thời Trung Cổ cực hiếm được gọi là "Lửa thánh" hay "Lửa St Anthony". Người phụ nữ 24 tuổi này đã đi đến bác sĩ sau khi cô đột nhiên bắt đầu bị đau nhức dữ dội ở chân, từ giữa đùi xuống các đầu ngón chân, theo báo cáo được công bố trên Tạp chí Y học New England.
Các tác giả của bài báo từ Thiruvananthapuram, một thành phố ở miền Nam Ấn Độ cho biết, ngoài việc khó đi lại, cả hai chân của bệnh nhân đều lạnh khi chạm vào và có dấu hiệu đổi màu. Bốn ngày trước đó, cô bắt đầu dùng một loại thuốc gọi là ergotamine để điều trị chứng đau nửa đầu. Người phụ nữ cũng bị HIV bẩm sinh và đang dùng một số loại thuốc chống virus để điều trị bệnh.
Kết quả chụp cắt lớp vi tính (CT) cho thấy có dấu hiệu hẹp động mạch, sau đó cô được truyền chất làm loãng máu – heparin. Cơn đau ở chân được cải thiện và chân cô gái đã ấm hơn khi lưu lượng máu tăng lên. Tuy nhiên thật không may, một trong những ngón chân của cô đã phải cắt bỏ do hoại thư.
Dựa trên các triệu chứng, các bác sĩ chẩn đoán cô đã mắc chứng ergotism, một căn bệnh thường xảy ra do ăn phải các hợp chất độc hại có nguồn gốc từ một loại nấm có tên là Claviceps purpurea, thường phát triển ở các loại ngũ cốc như lúa mạch đen. Vào thời Trung Cổ, căn bệnh này đã gây ra những vụ dịch lớn giữa những người ăn phải lúa mạch đen bị bệnh, theo Hiệp hội Vi sinh học Hoa Kỳ (ASM) cho biết.
Các cá thể nhiễm bệnh đã phát triển các triệu chứng bí ẩn bao gồm đau rát và hoại thư ở tay và chân, trong khi một số khác bị co giật và ảo giác. Một số nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, ngộ độc ergot cũng đứng đằng sau các triệu chứng bí ẩn mà những cô gái bị phán là đã "trúng phép mê hoặc của phù thủy" gặp phải trong các buổi xét xử phù thủy Salem ở thế kỷ 17, theo một bài báo năm 2016 trên tạp chí JAMA Dermatology. Claviceps purpurea sản sinh ra các hợp chất gọi là "ergot alkaloid", có tác dụng ảnh hưởng đến các tế bào lót thành mạch máu và dẫn đến co thắt hay thu hẹp các mạch máu, dẫn đến giảm lưu lượng máu lưu thông.
Theo ASM, các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn ergotism, chẳng hạn như loại bỏ các hạt bị nhiễm bệnh (xuất hiện màu đen) từ các vụ thu hoạch - bắt đầu từ thế kỷ 19, và căn bệnh này trở nên hiếm thấy kể từ đó. Nhưng chính các hợp chất nấm gây ra ergotism sau đó đã được tách biệt và sử dụng cho mục đích y tế, bao gồm điều trị đau đầu, như trường hợp của thuốc ergotamine trong vụ việc lần này. Ngày nay, hầu hết các trường hợp ngộ độc ergot đều là từ phương pháp điều trị bằng ergot alkaloid, chẳng hạn như do liều quá cao hoặc điều trị kéo dài.
Nhưng mọi người đôi khi cũng có thể phát triển ergotism ngay cả khi dùng thuốc có gốc ergot ở liều lượng bình thường. Điều này xảy ra khi bạn đang dùng các loại thuốc khác dẫn đến tương tác thuốc. Một loại thuốc gây ra tình trạng như vậy là thuốc ritonavir dùng để điều trị HIV, thứ sẽ chặn các enzyme có chức năng phá vỡ các hợp chất ergot. Chính vì điều này, Viện Y tế quốc gia cảnh báo rằng, mọi người không nên dùng ergotamine nếu họ cũng đang sử dụng một số loại thuốc điều trị HIV.
Nạn nhân của vụ việc lần này đã dùng ritonavir như một phần của biện pháp điều trị HIV. Các bác sĩ đã điều trị tình trạng của cô bằng thuốc heparin làm loãng máu. Hiện tại, hai tuần sau khi điều trị và ngừng dùng thuốc, lưu lượng máu ở chân cô gái đã được cải thiện và có tiến triển tốt.