Người phụ nữ mất túi mật vì tự 'bắt bệnh'
Đau bụng âm ỉ kéo dài nhưng nữ bệnh nhân cho rằng bản thân bị đau dạ dày nên tự mua thuốc điều trị. Đến khi cơ thể đối mặt với những cơn đau dữ dội kèm theo nôn ói, vàng da bệnh nhân phải nhập viện phẫu thuật cấp cứu, cắt bỏ túi mật.
Trường hợp trên là nữ bệnh nhân L.N.L.P. (39 tuổi, ngụ tại Quận 8, TPHCM) đến Bệnh viện Bình Dân TPHCM cấp cứu vào tối 12/11 trong tình trạng đau bụng dữ dội, kèm theo nôn ói ra dịch vàng, bên cạnh đó bệnh nhân có biểu hiện vàng da.
Bệnh nhân cho biết, nhiều năm trước chị được chẩn đoán bị viêm dạ dày kèm theo sỏi túi mật, đã điều trị ở một phòng khám tư nhân. “Sau thời gian điều trị, bác sĩ kiểm tra lại bằng phương pháp siêu âm và cho biết không còn thấy sỏi trong túi mật của tôi. Khoảng 1 tháng trở lại đây, tôi thường có biểu hiện đau bụng vùng trên rốn nên nghĩ rằng mình bị đau dạ dày và tự mua thuốc về uống”.
Tuy nhiên, sau nhiều ngày uống thuốc điều trị viêm dạ dày, tình trạng của người bệnh không thuyên giảm, những cơn đau ngày càng tăng. Do bận công việc gia đình nên chị trì hoãn đến bệnh viện thăm khám cho đến khi tình trạng đau đớn dữ dội hơn buộc chị phải nhập viện cấp cứu.
Tại Bệnh viện Bình Dân TPHCM, qua hình ảnh kiểm tra, bác sĩ phát hiện túi mật của bệnh nhân phình to, bên trong có rất nhiều sỏi. Sau chẩn đoán người bệnh bị viêm đường mật cấp do sỏi làm tắc đường mật, bác sĩ đã quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật nội soi cấp cứu. Ê kíp bác sĩ đã cắt bỏ túi mật, đưa ra khỏi cơ thể người bệnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, bên trong túi mật có chứa khoảng 20 viên sỏi có kích thước khác nhau, có viên lớn khoảng 2cm. Gần một tuần sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhân đã bình phục tốt.
TS.BS Nguyễn Tạ Quyết, Trưởng khoa Gan Mật Tụy, Bệnh viện Bình Dân cho biết, sỏi túi mật là dạng tinh thể rắn hình thành trong lòng túi mật bởi cholesterol, muối mật và ion. Đây là bệnh lý tương đối phổ biến, ước tính có khoảng 8 đến 10% người Việt Nam có mang sỏi trong túi mật. Nữ giới có tỷ lệ mắc sỏi túi mật cao gấp 2 lần so với nam giới.
Theo BS Quyết, nguyên nhân khiến phụ nữ mắc sỏi túi mật nhiều hơn nam giới liên quan đến nội tiết tố vì estrogen của phụ nữ làm giảm bài tiết của muối mật và tăng hấp thu cholesterol. Mặt khác hormon nội tiết tố ở phụ nữ làm giảm co bóp của túi mật, hạn chế đẩy dịch mật xuống tá tràng làm tăng nguy cơ ứ đọng sỏi ở túi mật.
Những trường hợp có sỏi túi mật lớn hoặc nhiều sỏi thường xuất hiện cơn đau quặn ở vùng trên rốn hoặc dưới sườn phải. Những cơn đau thường xảy ra sau bữa ăn. Biểu hiện đau có thể âm ỉ hoặc quặn cơn, kèm theo cảm giác đầy bụng, chán ăn. Đây là nguyên nhân dễ dẫn đến nhầm lẫn giữa bệnh lý dạ dày với sỏi túi mật. Bác sĩ cho biết ngoài biến chứng viêm đường mật cấp, viêm tụy cấp những trường hợp bị sỏi túi mật lớn có nguy cơ tiến triển thành ung thư, cắt túi mật là phương pháp tối ưu để ngăn nguy cơ biến chứng và nguy hiểm có thể xảy ra.
Sau phẫu thuật, cơ thể có khả năng tự bài tiết để đảm bảo các chức năng tiêu hóa. Tuy nhiên, bệnh nhân cần giảm ăn những món có chứa nhiều cholesterol, chất béo, tăng cường vận động, ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước và có chế độ sinh hoạt lành mạnh, khoa học. Bác sĩ khuyến cáo cộng đồng, cần chủ động kiểm tra sức khỏe định kỳ đến. Khi phát hiện có sỏi túi mật, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị đúng phương pháp.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-phu-nu-mat-tui-mat-vi-tu-bat-benh-post1487509.tpo