Người phụ nữ Nùng làm giàu từ đa canh
Chồng chú tâm làm nghề mộc, còn bà Nềm A Mùi - dân tộc Nùng (52 tuổi, ngụ Phường 2, TP Bảo Lộc) một mình chăm sóc hơn 4,5 ha cà phê, sầu riêng, bơ, măng cụt và 5 ao cá mang lại cho gia đình lợi nhuận gần 1 tỷ đồng/năm.
Để phát triển kinh tế gia đình, nuôi con cái ăn học nên vợ chồng bà Mùi đã chia nhau gánh vác mỗi người một công việc riêng. Ông Hồng (chồng bà Mùi) chia sẻ: “Gia đình có hơn 4,5 ha đất sản xuất nông nghiệp, nhưng vì đam mê nghề thợ mộc nên suốt hơn 30 năm qua tôi giao hết vườn tược cho bà ấy quản lý. Thấy vợ mình quần quật suốt ngày chăm sóc con cái, chăm bẵm vườn tược nên tôi rất thương. Vất vả là thế, nhưng vợ tôi luôn chăm chỉ, cần cù, không chút than phiền”.
Trước đây, gia đình bà Mùi trồng độc canh mỗi cây cà phê, nhưng do giống già cỗi, thoái hóa nên năng suất ngày càng giảm, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Từ năm 2012, bà Mùi chủ động cưa vườn cà phê ghép các giống mới cho năng suất cao như Thiện Trường và Trường Sơn; đồng thời, trồng xen các loại cây ăn trái như sầu riêng Thái Lan, măng cụt và bơ. “Thời gian đầu, khi tôi chọn các loại cây ăn trái trồng xen vào vườn cà phê, nhiều người chưa tin tưởng nên tỏ ra nghi ngờ cách làm của mình. Thời gian đó, nhiều người ở địa phương đổ tiền phá bỏ cà phê trồng chè Olong và khuyên tôi làm theo. Nhưng tôi vẫn quyết định chọn cách làm riêng của mình để phát triển kinh tế” - bà Mùi cho biết.
Sau khi ghép cải tạo các giống mới, năng suất cà phê của gia đình bà Mùi đã tăng từ 3,5 tấn lên 5 tấn/ha/năm. Hiện, sản lượng cà phê của gia đình bà Mùi đạt hơn 20 tấn/năm. Đặc biệt, sau gần 7 năm đưa giống sầu riêng ghép Thái Lan vào trồng đã cho thu hoạch gần 10 tấn/năm; các loại cây ăn quả khác như măng cụt, bơ cũng đã cho thu hoạch. Bà Mùi tâm sự: “Để các loại cây trồng đạt năng suất cao, ngoài việc chuyển đổi chọn các giống mới để trồng thì tôi mua thêm phân gà, tận dụng phân heo bón cho cây. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, vườn cà phê và cây ăn quả luôn cho năng suất cao, chất lượng tốt. Thời điểm vào mùa làm cỏ, bón phân và thu hoạch tôi đều thuê người làm nhưng luôn theo sát để giám sát kỹ thuật theo cách của mình. Nhờ vậy, năng suất các loại cây trồng đều tăng lên theo từng năm”.
Nhờ thu nhập ổn định, bà Mùi đã đầu tư nuôi thêm 5 ao cá, với diện tích hơn 1.000 m2 để tăng thu nhập. Theo đó, bà Mùi chọn thả nhiều giống cá như trắm cỏ, mè, chép, trê và rô phi. Từ đó, hàng năm, mang lại cho gia đình từ 8 - 10 tấn cá các loại, với nguồn thu hàng trăm triệu đồng.
“Để đáp ứng công việc hàng ngày, tôi thường xuyên phải thuê thêm 4 lao động. Còn vào vụ thu hoạch, tôi thuê từ 12 - 15 lao động mới làm hết việc. Với tất cả các nguồn thu từ trồng trọt, chăn nuôi đã mang lại cho gia đình tôi nguồn lợi nhuận từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Tính cả nguồn thu từ nghề mộc, hàng năm gia đình tôi tích góp được khoảng 1,5 tỷ đồng. Nói chung, nhờ vườn cây đa canh và kết hợp chăn nuôi cá đã giúp gia đình tôi vươn lên làm giàu. Từ đó, có thêm điều kiện để đầu tư cho con cái học hành thành đạt nên người” - bà Mùi cho biết thêm.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải - Chủ tịch Hội Nông dân Phường 2 (TP Bảo Lộc), tuy là người đồng bào dân tộc thiểu số nhưng bà Mùi luôn nhanh nhạy trong thay đổi tư duy và nắm bắt cơ hội để vươn lên làm giàu. “Với sự cần cù, chịu khó và “dám nghĩ dám làm”, chính là chìa khóa giúp bà Mùi thành công trong sản xuất nông nghiệp. Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, bà Mùi còn tích cực chia sẻ cách làm giàu cho bà con; đồng thời, hỗ trợ tài chính giúp các hộ nghèo phát triển sản xuất góp phần xây dựng Hội vững mạnh; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhận đạo trong và ngoài địa phương...”.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201908/nguoi-phu-nu-nung-lam-giau-tu-da-canh-2958279/