Người phụ nữ nuôi 3 con của chồng và điều làm nên hạnh phúc hôn nhân 46 năm
Có lẽ tình cảm dần nhen nhóm khi một người thì dốc hết lòng yêu thương chăm sóc những đứa trẻ không phải con mình còn một người cảm động trước sự cao cả của cô gái 26 tuổi ấy.
Người ta vẫn nói tình yêu thời ông bà là viễn cảnh của một bầu trời trong xanh và hai con người thật giản dị. Đó là thứ tình yêu không quà, không hoa, không phô trương lấp lánh. Mọi thứ đều diễn ra 1 cách chậm rãi: Những lá thư cả tháng mới đến tay, những yêu thương ngập ngừng gửi qua nhánh cây ngọn cỏ, những vòng xe đạp bẽn lẽn không nên lời. Nhưng cả đời cũng chỉ đủ để yêu một người và đã quyết nắm tay nhau là một tình yêu không bao giờ thay đổi.
Có 1 tình yêu còn cao cả hơn thế, khi vượt qua những khó khăn, thiếu thốn, họ thầm lặng hy sinh cho nhau mà trải qua mấy chục thập kỷ, họ vẫn hạnh phúc mãn nguyện với sự hy sinh đó.
Ở Tiểu khu Tiền Tiến, thị trấn nông trường huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La có câu chuyện lay động lòng người của ông Thợn và bà Đễ - những cán bộ nông trường tiêu biểu cho 1 tinh thần lao động điển hình.
Ông bà có 5 người con đều thành đạt nhưng chỉ ai ở đây mới biết trong 5 người con ấy có 3 anh đầu là con của ông Thợn với người vợ đã mất. Nhưng đối với bà Đễ và các con, họ luôn là 1 gia đình ruột thịt.
Tình thương dành cho chị đồng nghiệp đã khuất
Vào những năm 70 có cô gái 24 xuân xanh mang bao nhiệt huyết từ Hưng Yên lên nông trường Mộc Châu xây dựng sự nghiệp. Sau bao năm phấn đấu, bà Đễ là bí thư chi đoàn, ủy viên thường vụ của Đoàn Thanh niên Nông trường Mộc Châu.
Tại đây bà quen thân với 1 chị đồng nghiệp. Đó là vợ đầu của ông Thợn. Trong kí ức của bà: “Thời bao cấp khổ lắm, tôi làm cùng tổ với chị, thân thiết như chị em gái nên cũng hay chuyện trò. Sau đó chị mắc bệnh thường phải xuống Hà Nội điều trị, tôi đến nhà chăm sóc các cháu vì chúng còn quá nhỏ”.
Không chỉ riêng bà mà các chị em làm cùng tổ đều chia nhau đến nhà hỗ trợ đồng nghiệp trong thời gian ông Thợn đưa vợ đi điều trị.
Thế nhưng may mắn đã không mỉm cười, vợ đầu của ông Thợn mất năm 1974, khi ấy con út của ông bà mới được 2 tuổi. Nhìn ông bố đơn thân loay hoay với 3 đứa con, con lớn nhất cũng chỉ mới 7 tuổi mà bà Đễ thương xót vô cùng.
Tình cảm ấy ngay từ đầu xuất phát từ tình thương, đặc biệt là giữa bà với các con của ông Thợn như có một sợi dây gắn kết vô hình.
Thời điểm đó khó khăn chồng chất khó khăn, vợ mất, ông Thợn vừa phải làm việc vừa phải chăm con.
“Thằng bé út suy dinh dưỡng độ 3, đi nhà trẻ bị ghẻ gãi đến mức mụn mủ sưng nhiễm trùng hết chân tay. 3 chị em trong đơn vị đến nhà chăm mà chỉ có tôi mới tắm được cho thằng bé. Tôi đun lá ổi, lá khế, muối lấy nước tắm, dần dần nó cũng khỏi”, bà Đễ nhớ lại.
Có lẽ tình cảm dần nhen nhóm khi một người thì dốc hết lòng yêu thương chăm sóc những đứa trẻ không phải con mình. Còn một người cảm động trước sự cao cả của cô gái 26 tuổi ấy.
Hồi đó bà Đễ còn nuôi 3 em ăn học với số lương ít ỏi 45 đồng. Nhưng bà không ngại bỏ công bỏ sức giúp đỡ người chị đồng nghiệp đã khuất. Mãi sau này khi các em lên Hà Nội bà mới trút được phần nào gánh nặng.
Quyết định dũng cảm của cô gái trẻ
Ở độ tuổi thanh xuân phơi phới, bà Đễ dành hết thời gian cùng tâm huyết cho công việc, phấn đấu lao động sản xuất. Vì thế mà hình tượng người đàn ông chịu khó, yêu vợ thương con hết mình của ông Thợn đã ăn sâu vào tâm tưởng bà.
Chẳng có 1 màn tỏ tình lãng mạn hay lời hoa mỹ ngọt ngào, người đàn ông trải qua bao sương gió mang 1 tấm chân tình đi hỏi vợ.
“Lúc đặt vấn đề ông ấy bảo tôi cũng vất vả, lo cho 3 đứa em nhưng giờ xuống đây ở, có rau ăn rau, có khoai ăn khoai, có ngô ăn ngô. Nhà tôi có 6 anh chị em, không có điều kiện đi học tôi phải đi làm công nhân rồi học dần Trung cấp. Lúc tôi nói muốn xây dựng gia đình với ông ấy bố mẹ ngăn cấm. Các cụ chỉ lo tôi là con gái mà về làm mẹ của 3 đứa con không gánh vác được trách nhiệm”, bà Đễ tâm sự.
Chắc hẳn thứ tình cảm ấy không bắt đầu bằng những cảm xúc rung động nhất thời mà là sự ngưỡng mộ, tình yêu thương và tấm lòng nhân hậu mà bà dành cho ông. Người ta bảo nặng hơn chữ tình là chữ nghĩa, nhiều hơn chữ yêu là chữ thương và cô gái ấy thật dũng cảm khi mạnh mẽ đưa ra lựa chọn.
Nếu ở thế hệ của những người trẻ, họ “say” một ánh mắt, ấn tượng vì nụ cười thì ở thời ông bà, tình cảm được nhen nhóm từ những thứ “thực” hơn rất nhiều. Nhìn ông chăm vợ ốm, gánh vác cả gia đình, nhìn ông 1 mình cuốc mấy luống đất hay chỉ đơn giản là thấy ông hăng say lao động cũng đủ khiến bà cảm kích. Không màng đến mọi khó khăn, chênh lệch, bà vẫn bước về phía ông với 1 niềm tin mãnh liệt: “Ông ấy là 1 người đàn ông tốt”.
Đám cưới chỉ có vài đĩa kẹo lạc nhưng hôn nhân bền vững 46 năm
Đám cưới của họ diễn ra giản dị như chính tình yêu của họ vậy. Không có phông bạt, không có cỗ bàn, thậm chí cô dâu cũng không có nổi manh áo mới, ông bà còn quá nhiều thứ phải lo cho hiện tại.
Bà Đễ kể: “Nhà trồng được lạc, đường đen từng phên hồi xưa của nông trường bán nên nấu ra đổ kẹo lạc mời mọi người đến chơi. Họ vào đổ kẹo, nấu nướng rồi bế con ăn. Lấy nhau chỉ có thế thôi nhưng tôi không bao giờ tủi thân vì hồi bé cũng vất vả nhiều”.
Khi về ở cùng 1 nhà bà luôn hỗ trợ ông trong sự nghiệp. Thời gian sau đó ông Thợn đi học Đại học tại chức dưới Hà Nội, 2 tháng đi 1 lần vừa học vừa làm, còn bà vừa ở nhà công tác vừa chăm các con.
Nhớ về người chồng đã mất, bà Đễ xúc động: “Dù vất vả đến đâu tôi cũng không bao giờ ân hận. Ông ấy là người đạo đức, yêu thương vợ con nên thấy sự hy sinh của mình là xứng đáng”.
46 năm hôn nhân ông chưa 1 lần nói những lời hoa mỹ với bà, thứ ông thể hiện là hành động. Ông bà cũng thống nhất quan điểm: “Tất nhiên trong cuộc sống có chuyện nọ chuyện kia, vợ chồng cãi vã nhưng điều tối kỵ trước mặt con cái không được cho con thấy. Làm cha mẹ luôn phải gương mẫu”.
Ông bà vẫn luôn tự hào vì cả cuộc đời phấn đấu cũng đã truyền được động lực, lý tưởng sống cho con cái nên 5 người con của ông bà đều thành đạt.
Đến hiện tại dù ở tuổi gần 80 nhưng bà Đễ vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Bà không nhận mình là người phụ nữ cao thượng hay dũng cảm, bà chỉ lựa chọn theo trái tim mách bảo và nỗ lực từng ngày để sống ý nghĩa với lựa chọn ấy.