Người phụ nữ ở Quảng Ninh bị đột quỵ tái phát, thừa nhận tự ý làm 1 việc sai lầm mà nhiều người Việt mắc phải

Tỉnh dậy sau khi bị đột quỵ tái phát lần 2, người bệnh cho biết đã tự ý dừng sử dụng thuốc dự phòng tái phát đột quỵ khoảng một tháng trước đó.

Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp cấp cứu thành công một bệnh nhân 77 tuổi bị nhồi máu não tái phát, giúp người bệnh hồi phục khả quan.

Bệnh nhân là bà Trần Thị N. (77 tuổi), trú tại phường Hồng Hải, TP Hạ Long, có tiền sử tăng huyết áp và từng bị nhồi máu não năm 2023, đã được điều trị bằng tiêu sợi huyết và lấy huyết khối mạch não. Sau đợt điều trị, bệnh nhân còn di chứng nhẹ yếu nửa người trái, vẫn tự vận động và sinh hoạt bình thường. Khai thác được biết, bà N. đã tự ý dừng sử dụng thuốc dự phòng tái phát đột quỵ khoảng một tháng trước đó.

Bác sĩ thăm khám, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân đột quỵ não tái phát. Ảnh: BVCC

Bác sĩ thăm khám, kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân đột quỵ não tái phát. Ảnh: BVCC

Lần này, trước vào viện 1 tiếng, bệnh nhân đột ngột yếu nửa người trái, méo miệng, nói khó nên lập tức được gia đình đưa vào viện cấp cứu. Quy trình cấp cứu đột quỵ lập tức kích hoạt, người bệnh được chuyển lên phòng chụp cắt lớp vi tính sọ não. Kết quả cho thấy hình ảnh nhồi máu não bán cầu phải do tắc động mạch não giữa phải, kèm theo dấu hiệu nhồi máu não cũ cùng bên.

Trước tình trạng cấp tính và nguy cơ tổn thương mô não lan rộng, bác sĩ chỉ định sử dụng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch cho người bệnh ngay tại phòng chụp. Sau đó, bệnh nhân được chuyển sang phòng DSA để tiếp tục tiến hành lấy huyết khối cơ học, giúp tái thông hoàn toàn lòng mạch bị tắc.

Sau can thiệp, bệnh nhân được chuyển đến Đơn vị Đột quỵ để theo dõi sát. Tình trạng lâm sàng của người bệnh cải thiện hoàn toàn, nửa người trái vận động tốt hơn, nói rõ và hết méo mặt. Người bệnh hiện đang được tiếp tục điều trị dự phòng cấp 2 và phục hồi chức năng.

Bác sĩ chỉ rõ nguyên nhân khiến bệnh nhân bị đột quỵ tái phát

Bác sĩ Nguyễn Trần Minh Chiến, khoa Hồi sức tích cực, nhận định: "Bệnh nhân N. là trường hợp tự ý ngừng thuốc chống kết tập tiểu cầu (Aspirin), dẫn đến tình trạng nhồi máu não tái phát chỉ sau 1 tháng. Chúng tôi đã phối hợp đa phương thức, vừa tiêu sợi huyết và can thiệp nội mạch trong thời gian sớm nhất để cứu vùng não bị tổn thương. Tuy nhiên, không phải trường hợp đột quỵ não tái phát nào cũng may mắn được phát hiện, cấp cứu kịp thời và hồi phục hoàn toàn như vậy".

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Thống kê cho thấy, tỷ lệ đột quỵ não tái phát trong 5 năm đầu tiên lên tới 25% nếu bệnh nhân không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ hoặc ngừng điều trị. Điều đó có nghĩa là cứ 100 bệnh nhân sống sót sau đột quỵ, sẽ có 25 người tái phát. Vì vậy, sau điều trị cấp tính, vai trò của điều trị dự phòng và tuân thủ phác đồ là yếu tố then chốt quyết định chất lượng cuộc sống sau này. Bên cạnh việc duy trì thuốc theo chỉ định, người bệnh cần điều chỉnh sinh hoạt, ăn uống lành mạnh và luyện tập đều đặn để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ.

Bác sĩ CKII Hà Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực – Thận nhân tạo, cho biết: "Đột quỵ não tái phát thường để lại hậu quả nặng nề hơn do các tế bào thần kinh đã từng bị tổn thương sẽ bị phá hủy trầm trọng hơn. Người bệnh từng bị đột quỵ không thể chỉ dừng lại ở điều trị cấp cứu mà cần quản lý bệnh lâu dài để phòng ngừa tái phát.

Việc tự ý ngừng thuốc, sử dụng thuốc không đúng chỉ định hoặc thuốc truyền miệng sẽ làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối, dẫn đến tái phát đột quỵ ở mức độ nguy hiểm hơn. Vì vậy, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ điều trị, tái khám định kỳ để được điều chỉnh phác đồ phù hợp và kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ để tránh nguy cơ tái phát về sau".

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-phu-nu-o-quang-ninh-bi-dot-quy-tai-phat-thua-nhan-tu-y-lam-1-viec-sai-lam-ma-nhieu-nguoi-viet-mac-phai-172250429093830797.htm