Giành lại sự sống và đôi chân sau tai nạn kinh hoàng
Chị N.T.Q. (47 tuổi, ở Hà Nội) gặp tai nạn giao thông nghiêm trọng và được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng nguy kịch. Chị may mắn sống sót nhưng chân trái bị dập nát.
Cơ thể chị Q. mất nhiều máu, huyết áp tụt xuống 75 mmHg, mạch nhanh, người vật vã, vã mồ hôi. Đây là dấu hiệu rõ ràng của sốc giảm thể tích, một tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ xác định đây là ca phẫu thuật khẩn cấp, phải tiến hành ngay lập tức, không chờ kết quả xét nghiệm hay hồi sức ổn định. Chậm trễ có thể khiến bệnh nhân mất chân hoặc thậm chí tử vong. Ca mổ do BS Hoàng Mạnh Hà, Trưởng khoa Ngoại Chấn thương – Chỉnh hình và Thần kinh cột sống (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) trực tiếp chỉ đạo.
Ngay khi vào phòng mổ, chị Q. được truyền 5 đơn vị máu (2 lít) để bù lại lượng máu đã mất. Ca phẫu thuật diễn ra đồng thời. Trong 5 ngày đầu, chị được truyền gần 4 lít máu, tương đương toàn bộ lượng máu trong cơ thể người trưởng thành. Các bác sĩ buộc phải hồi sức và mổ cùng lúc. Nếu máu tiếp tục chảy mà không cầm được, việc truyền máu sẽ vô ích. Ngược lại, nếu mô không được nuôi dưỡng kịp thời, sẽ dẫn đến hoại tử, suy đa cơ quan, thậm chí tử vong.

Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC
Hình ảnh trong phòng mổ cho thấy chân trái chị Q. bị tổn thương rất nghiêm trọng: hơn 90% phần mềm bị dập nát, bao gồm toàn bộ cơ cẳng chân và mặt trong đùi. Da bị lóc hoàn toàn từ đùi xuống gan bàn chân, tách rời khỏi lớp cơ. Nhiều gân quan trọng như gân Achilles, gân duỗi ngón cái, gân duỗi các ngón bị đứt hoặc bong khỏi cơ. Các khối cơ lớn ở đùi và cẳng chân bị dập nát nhiều. Xương cổ chân gãy cả hai bên, làm khớp mất vững. Các mạch máu nhỏ gần như đứt hết, may mắn là các mạch máu lớn không bị tổn thương. Đây là yếu tố quan trọng nhất để có thể giữ lại chân cho chị.
Trong ca mổ, các bác sĩ cùng lúc thực hiện nhiều thao tác: cầm máu các mạch nhỏ, làm sạch mô dập nát, xử lý phần da bị lóc, nối lại các gân quan trọng và cố định tạm thời hai xương gãy. Tất cả các thao tác đều được thực hiện nhanh chóng và chính xác.
Sau 5 ngày điều trị tích cực, chị Q. đã tỉnh táo, các chỉ số sinh tồn ổn định, chân hồng ấm trở lại và không có dấu hiệu hoại tử lan rộng. Các gân nối hoạt động tốt, riêng gân Achilles sẽ được xử lý trong lần mổ sau. Phần da bị lóc có khả năng phục hồi tốt và có thể giữ được mà không cần ghép da diện rộng như dự kiến.
Sắp tới, chị Q. sẽ tiếp tục được theo dõi phục hồi phần mềm, sau đó sẽ đến giai đoạn chỉnh hình xương khớp và tập phục hồi chức năng. Hành trình giành lại sự sống cho đôi chân vẫn còn dài, nhưng nhờ sự can thiệp kịp thời và chính xác của các bác sĩ, hy vọng đã được thắp lên từ những giờ phút tưởng chừng tuyệt vọng nhất.
Câu chuyện của chị Q. là một lời nhắc nhở về sự cẩn trọng và ý thức khi tham gia giao thông. Chỉ một giây bất cẩn có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng cho bản thân và người khác.
Đột quỵ hôn mê sâu, không còn khả năng cứu chữa vì thói quen tắm khuya.