Người phụ nữ sinh con sau 23 năm hiếm muộn

Vượt qua ca sinh mổ 'sinh tử' với thai ngôi ngang, nguy cơ băng huyết, rối loạn đông máu, nguy hiểm đến tính mạng, sản phụ đã đón bé gái nặng 3 kg sau 23 năm vô sinh.

 Vợ chồng chị Phượng bên con gái đầu lòng sau 23 năm điều trị hiếm muộn. Ảnh: BVCC.

Vợ chồng chị Phượng bên con gái đầu lòng sau 23 năm điều trị hiếm muộn. Ảnh: BVCC.

Trong 23 năm mong đợi để được đón đứa con đầu lòng do chính mình sinh ra, chị Nguyễn Thị Minh Phượng (46 tuổi, trú tại Minh Khai, Hồng Bàng, Hải Phòng) đã trải qua 4 lần phẫu thuật (u nang buồng trứng, lạc nội mạc tử cung, mổ kẹp vòi trứng…), 6 lần chọc trứng, 8 lần chuyển phôi.

Những năm tháng này, chị luôn bị gánh nặng tâm lý, đau đớn, mệt mỏi cả thể xác lẫn tinh thần. Với sự khát khao có con và kiên trì, vợ chồng chị Phượng đã làm lên “kỳ tích”.

9h05 ngày 22/9, vượt qua ca sinh mổ "sinh tử" với thai ngôi ngang, rau tiền đạo trung tâm, có nguy cơ băng huyết, rối loạn đông máu, nguy hiểm đến tính mạng, người phụ nữ này đã đón bé gái nặng 3 kg, hoàn toàn khỏe mạnh trong niềm vui vỡ òa của cả gia đình và các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng.

“Cứ như một giấc mơ, tôi không thể tin mình đã làm được", đó là câu nói đầu tiên Minh Phượng chia sẻ với các bác sĩ sau ca mổ.

Năm 2000, chị kết hôn cùng anh Nguyễn Hoàng Tuấn (hiện 51 tuổi). Sau hơn 2 năm chung sống, không áp dụng biện pháp tránh thai nào, vợ chồng chị vẫn không có thai. Anh chị bắt đầu đi khám chữa hiếm muộn, vô sinh. Trong hơn 20 năm, trải qua nhiều trung tâm hiếm muộn từ Hải Phòng tới Hà Nội, thậm chí vào cả các bệnh viện tại TP.HCM, chị Phượng vẫn chưa có con.

Chị Phượng chia sẻ qua 5 lần chọc trứng, 7 lần chuyển phôi thất bại, đã có lúc muốn buông xuôi bởi những đau đớn về thể xác, mệt mỏi về tinh thần, áp lực về tâm lý, khó khăn kinh tế.

"Vào những thời điểm có ý nghĩ buông bỏ đó, chồng vẫn luôn ở bên chia sẻ, động viên và một lòng đồng hành cùng tôi", chị Phượng tâm sự.

Năm 2017, qua tìm hiểu thông tin, chị tìm đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, tiến hành chuyển phôi. Tháng 7/2017, khi chọc trứng, chị chỉ được một trứng do tuổi đã cao và 5 lần kích chọc trứng trước đó. Với một phôi duy nhất, chất lượng trung bình khiến vợ chồng chị Phượng lo lắng, đắn đo, cân nhắc.

Là người trực tiếp khám, điều trị, chọc trứng, tạo phôi cho vợ chồng này, PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm, Giám đốc bệnh viện, hiểu rất rõ thực trạng sức khỏe cũng như tâm lý của họ. Ông đã tư vấn cho chị Phượng tạm thời trữ phôi, tiếp tục điều trị, ổn định sức khỏe, tâm lý, đến thời điểm tốt nhất sẽ chuyển phôi.

Đến tháng 1/2022, sau khám đánh giá toàn trạng bệnh nhân đạt điểm tốt nhất (với thực trạng của chị Phượng), cùng với sự quyết tâm của bệnh nhân, PGS.TS.BS Vũ Văn Tâm quyết định thực hiện chuyển phôi. Và niềm vui đã đến, xét nghiệm sau đó cho kết quả chị Phượng đậu thai.

Chị Phượng chia sẻ: "Kết quả có thai sau chuyển phôi là niềm vui, hạnh phúc rất lớn nhưng hành trình theo dõi và nuôi dưỡng phôi thai sau đó cũng là cả một quá vất vả với những lo âu. May mắn, tôi đã 'cán đích' thành công với sự giúp đỡ, hỗ trợ tận tình từ các y bác sĩ và gia đình".

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-phu-nu-sinh-con-sau-23-nam-hiem-muon-post1360429.html