Người phụ nữ tạo việc làm cho hàng trăm lao động nông thôn
COVID–19 khiến đôi lần lỗi hẹn nhưng rồi cuối cùng tôi cũng gặp được bà Nguyễn Thị Sâm, giám đốc HTX tiểu thủ công nghiệp Toàn Thắng, thôn Phú Lương, xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc (gọi tắt là HTX Toàn Thắng). Ở tuổi ngoài 60, bà Sâm đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức để gặt hái được những thành quả đáng ghi nhận trên lĩnh vực phát triển kinh tế, góp phần làm giàu cho gia đình và giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.
Bà Nguyễn Thị Sâm, thôn Phú Lương, xã Hưng Lộc (Hậu Lộc) cùng cán bộ TYM kiểm tra sản phẩm “Túi xách siêu thị xuất khẩu”. Ảnh: Tiến Đông
Đưa nghề về cho phụ nữ nông thôn
Đến thăm xưởng sản xuất của HTX Toàn Thắng, chúng tôi thực sự nể phục trước cơ ngơi rộng lớn được gây dựng từ nghị lực vượt khó và quyết tâm vươn lên của người phụ nữ lục tuần này. Ở vùng đất nghèo khó như xã Hưng Lộc, cơ ngơi của gia đình bà Sâm thực sự nổi bật và tạo động lực cho nhiều hộ dân khác phấn đấu vươn lên làm giàu. Trước đây, mặc dù là chủ tịch hội LHPN xã nhưng hai vợ chồng bà có cuộc sống không mấy khá giả. Không bằng lòng với những gì mình đang có, bà Sâm luôn trăn trở tìm cách phát triển kinh tế để làm gương cho hội viên phụ nữ.
Nhận thấy hầu hết chị em trong xã ngoài làm ruộng chưa có việc làm thêm lúc nông nhàn để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, bà đã bàn với chồng thành lập tổ gia công các sản phẩm phi nông nghiệp, như: mây giang xiên, đan hộp, đan len... và liên hệ với các công ty tại địa phương để nhận nguyên liệu, mẫu mã... mang về cho mọi người cùng làm. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, bà Sâm nhận thấy nhiều điều bất cập trong khâu vận hành của công ty chủ quản: Nguồn nguyên liệu không đầy đủ, công nhân làm vài bữa lại phải nghỉ dăm bữa; sản phẩm xuất đi không thấy tiền về, bà phải vay mượn khắp nơi để lấy tiền trả lương cho công nhân đúng hẹn. Không muốn phụ thuộc vào bên trung gian thứ 2, bà Sâm một mình ra Hà Nội tìm đến công ty tổng mong muốn được kết nối cung cấp hàng để gia công.
Năm 2012, bà mạnh dạn thành lập HTX tiểu thủ công nghiệp Toàn Thắng do bản thân làm giám đốc, chuyên may túi siêu thị xuất khẩu. Vượt qua những khó khăn ban đầu, hiện tại HTX Toàn Thắng xuất 10 - 15.000 sản phẩm/ngày, doanh thu đạt hàng tỷ đồng/năm và đang giải quyết việc làm trực tiếp cho gần 30 công nhân với mức thu nhập 5 - 7 triệu đồng/người/tháng. HTX Toàn Thắng còn tạo việc làm cho hơn 200 lao động ở các xã trong huyện nhận nguyên liệu về làm tại nhà sau khi được tham gia các lớp dạy nghề. Đây là hình thức liên kết rất phù hợp và được nhiều người ưa thích bởi “công nhân” làm việc vẫn có thể tranh thủ làm việc nhà, chăm sóc con cái... thu nhập tính theo sản lượng. Nhờ phương thức này mà trong thời điểm dịch COVID-19 hoành hành, nhiều ngành nghề khác bị ảnh hưởng nặng nhưng hoạt động của HTX Toàn Thắng vẫn phát triển. Bởi lẽ, các giai đoạn giãn cách xã hội trước đây, người dân hạn chế đi ra ngoài nên chuyên tâm hơn cho sản xuất. Hơn nữa, một bộ phận không nhỏ lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê, đã tham gia vào các chuỗi sản xuất của HTX nên sản lượng sản phẩm tăng. “May túi siêu thị vừa tận dụng được các nguồn lao động, vừa giải quyết việc làm lúc nông nhàn, nhất là người khuyết tật và không còn sức lao động nặng nhọc. Hiện tại, HTX Toàn Thắng đang tạo việc làm cho hơn 10 lao động khuyết tật, người già ngoài độ tuổi lao động... với mức thu nhập bình quân từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng” - bà Sâm nói.
Được biết, ngoài xưởng sản xuất đặt tại xã Hưng Lộc, HTX Toàn Thắng còn có một xưởng rộng 1.500m2 ở huyện Nga Sơn. Bà Sâm bày tỏ: “Túi siêu thị mà HTX Toàn Thắng sản xuất có khả năng tự hủy, được đối tác đặt hàng và cung cấp nguyên liệu. Sản phẩm được xuất khẩu và sử dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Thị trường cho mặt hàng này rất lớn, nhiều tiềm năng nên trong thời gian sắp tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng thêm quy mô sản xuất, tạo thêm nhiều việc làm nữa cho chị em”.
Cứu cánh cho những người lao động yếu thế
Vừa nhận được đơn hàng số lượng lớn nên các nữ công nhân đang khẩn trương làm việc để kịp tiến độ. Các chị miệng nói, tay làm thoăn thoắt, không khí làm việc rôm rả, phấn khởi. Chị Đoàn Thị Sinh, thôn Phú Lương, xã Hưng Lộc, chia sẻ: “Công việc này thu nhập cao hơn so với làm nông, lại tranh thủ được thời gian, người cao tuổi vẫn có thể làm được, không đòi hỏi dùng nhiều sức”.
Chồng mất, chị Sinh phải chăm sóc mẹ già, em chồng tàn tật và 3 đứa con nhỏ nên không thể đi làm xa. Công việc tại HTX giúp chị giải quyết vấn đề kinh tế nhưng vẫn chu toàn việc gia đình và không phải bỏ ruộng vườn, thậm chí còn có thể chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm ở nhà. Hiện tại, chị Sinh có thu nhập từ 150 - 200 ngàn đồng/ngày nhờ việc gấp và phân loại túi.
Mang trong mình căn bệnh suy thận độ 4, con mất, chồng bỏ đi theo nhân tình, cuộc sống của chị Nguyễn Thị Hằng, thôn Minh Thịnh, xã Minh Lộc vô cùng khó khăn. Dẫu vậy, trước áp lực mưu sinh, bằng nghị lực và được sự giúp đỡ của bà Sâm trong việc học nghề, tạo việc làm, chị Hằng được hướng dẫn nhiệt tình, cặn kẽ, giao cho phụ trách công đoạn may, phù hợp với sức khỏe. “Có được nghề, kiếm ra tiền một tháng từ 2 đến 3 triệu đồng mà không quá nặng nhọc, tất cả đều nhờ công sức và tình cảm của cô Sâm dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi”, chị Hằng xúc động nói.
Cách xưởng sản xuất khá xa nhưng ngày nào bà Nguyễn Thị Hạp, 82 tuổi, thôn Hưng Phú, xã Hưng Lộc, cũng đi bộ đến chỗ làm sớm nhất và ra về muộn nhất. Bà chia sẻ: “Đến tuổi này tôi vẫn được gọi là công nhân thật không dám tin. May túi siêu thị có nhiều công đoạn, mỗi người làm một việc tùy vào khả năng của bản thân. Tôi là người cao tuổi nhất ở đây nhưng không phải là người duy nhất cao tuổi, cùng làm với tôi còn vài ba người nữa cũng 70, 80 tuổi rồi. Chúng tôi làm ở đây mệt có thể xin nghỉ, công lao động tính theo sản phẩm với mức thu nhập trung bình hơn 100 nghìn đồng/ngày”.
Ngoài việc duy trì phát triển nghề, tạo việc làm cho nhiều lao động, bà Sâm còn vận động chị em cùng xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả; giúp đỡ những chị em khó khăn về vốn để phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng; tặng quà cho các cháu thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trong các dịp lễ, tết, khai giảng năm học; ủng hộ quỹ mái ấm tình thương, hỗ trợ bão lụt miền Trung và tiền mặt, nhu yếu phẩm phòng, chống dịch COVID-19...
Với những cố gắng, nỗ lực, giám đốc HTX tiểu thủ công nghiệp Toàn Thắng, Nguyễn Thị Sâm nhiều lần được nhận giấy khen, bằng khen. Trong đó, năm 2018, bà được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen đã có thành tích xuất sắc trong “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Năm 2021, bà Nguyễn Thị Sâm là 1 trong 3 phụ nữ được Hội LHPN Việt Nam khen thưởng, trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp năm 2021”, với đề tài may gia công công nghiệp túi siêu thị xuất khẩu...
Chị Lưu Minh Hiếu, Chủ tịch Hội LHPN xã Hưng Lộc, cho biết: “Chuyển đổi nghề nghiệp, giải quyết việc làm theo mô hình “ly nông không ly hương” là cách làm hiệu quả trong tạo việc làm cho lao động nông thôn. Trong đó, HTX Toàn Thắng đã góp phần giúp nhiều phụ nữ có đời sống ổn định mà không phải xa quê. Đây là mô hình điển hình của xã nên trong thời gian tới chúng tôi sẽ tạo cơ hội để cơ sở của bà Sâm tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất nhằm hỗ trợ, tạo thêm nhiều việc làm cho phụ nữ nông thôn”.
Những thành quả đạt được hôm nay của bà Sâm thật đáng trân trọng, nó đã góp phần tô thắm hình ảnh đẹp của người phụ nữ, xứng đáng là tấm gương để chị em phụ nữ học tập và noi theo.