Người phụ nữ té ngã do vấp phải đồ chơi của cháu, không ngờ lại bị chấn thương suýt mất cả tính mạng
Sau khi bị tai nạn tưởng chừng rất nhỏ nhặt, người phụ nữ bất ngờ không đứng dậy được, khó thở, ngực đau nhói và phải nhập viện cấp cứu.
Mới đây, bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (BV ĐHYD) thông tin, nơi đây vừa tiếp nhận điều trị cho bà H.T.N. (76 tuổi, ngụ tại Vĩnh Long) nhập viện trong tình trạng đau ngực trái nhiều và khó thở.
Trước đó trong lúc đang đi lại ở nhà thì bà N. không may vấp phải đồ chơi của cháu mình, ngã nhào khiến ngực và gối trái đập xuống sàn nhà. Bà thấy đau và không thể tự đứng dậy được.
Sau đó bà N. đau nhiều vùng ngực trái, được người nhà cho uống thuốc giảm đau paracetamol nhưng không đỡ. Tình trạng đau hông sườn trái ngày càng tăng, kèm thở mệt làm bà phải nhập viện cấp cứu.
Thời điểm nhập viện, bà N. mệt mỏi, khó thở vì đau nhiều, không thể xoay trở hay tự ngồi dậy được.
Qua thăm khám, bác sĩ cho biết bà N. bị gãy xương sườn, gãy lún đốt sống ngực và thắt lưng kèm bệnh phổi hạn chế do béo phì, viêm gan C.
Sau đó người bệnh được điều trị bằng kháng sinh kiểm soát nhiễm trùng viêm phổi, kiểm soát đau và tập phục hồi chức năng để có thể xoay trở, sinh hoạt và phòng ngừa biến chứng do nằm lâu.
Kết quả sau 7 ngày điều trị, bà N. giảm đau, xoay trở được, hết khó thở, hết mệt và được xuất viện.
Tuy nhiên bà vẫn phải sinh hoạt tại giường, phụ thuộc hoàn toàn vào người chăm sóc.
Bên cạnh việc hướng dẫn cách chăm sóc cho người nhà, bà N. được hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng tại nhà.
Theo TS.BS. Thân Hà Ngọc Thể, Trưởng khoa Lão - Chăm sóc giảm nhẹ BV ĐHYD TP.HCM, té ngã có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe người cao tuổi (NCT).
Đây là nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương với hơn 50% trường hợp bị té ngã tại nhà và là nguyên nhân thứ 2 gây chấn thương não và tủy sống ở NCT.
Tỉ lệ chấn thương do té ngã ở NCT là 10 - 25%, trong đó thương tích nghiêm trọng chiếm khoảng 5 - 15%.
Trong các chấn thương do té ngã thì gãy xương chiếm tỉ lệ cao nhất với 87%, trong đó hơn 95% trường hợp bị gãy xương hông.
Té ngã cũng nằm trong 5 nguyên nhân gây tử vong ở người trên 65 tuổi với tỉ lệ tử vong tăng theo tuổi.
Tại Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ mỗi tháng có khoảng 17% người bệnh nhập viện do té ngã hoặc do các biến cố liên quan tới té ngã.
Việc té ngã ở NCT thường xảy ra do nhiều yếu tố kết hợp, trong đó có các yếu tố nội sinh như lão hóa, tiền căn té ngã, có vấn đề bàn chân, yếu cơ, hạ huyết áp tư thế, giảm thị lực, giảm thính lực, đột quỵ, giảm nhận thức, thoái hóa khớp…
Ngoài ra có các yếu tố ngoại sinh từ môi trường sống như cầu thang không có tay vịn, nhà tắm không có thanh nắm, không gian sống không đủ ánh sáng hoặc quá chói, bề mặt sàn nhà có nhiều chướng ngại vật, nhà tắm trơn trợt hoặc không bằng phẳng…
Tác dụng phụ của một số thuốc chống trầm cảm, chống loạn thần, thuốc ngủ, thuốc điều trị sa sút trí tuệ, parkinson… cũng là nguy cơ gây ra té ngã ở NCT.
Bác sĩ khuyến cáo những chấn thương do té ngã thường dẫn đến những hậu quả lâu dài cho sức khỏe ở NCT.
Do đó NCT và những người thân trong gia đình cần trang bị kiến thức, chủ động phòng ngừa té ngã cho NCT bằng cách đánh giá đúng các yếu tố nguy cơ dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp như điều trị các bệnh lý đi kèm, cải thiện môi trường sống, kiểm soát hạ huyết áp tư thế, khám mắt và điều chỉnh giảm thị lực, thính lực…
Nhằm hưởng ứng Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam 06/06/2020, Khoa Lão – Chăm sóc giảm nhẹ BV ĐHYD TP.HCM tổ chức chương trình Ngày hội chăm sóc sức khỏe người cao tuổi với chủ đề "Nâng cao chất lượng cuộc sống người cao tuổi".